Hành vi của trẻ chỉ là bề nổi của tảng băng trôi
Bài đăng của thành viên HoangMy Truong trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Hành vi cũng là một biểu hiện của sự giao tiếp, đặc biệt là đối với trẻ em. Khi những nhu cầu cơ bản của con được đáp ứng, con sẽ thấy thỏa mãn, kết nối, an tâm, tự tin và “ngoan” hơn. Ngược lại, khi không được đáp ứng, con sẽ cảm thấy không an toàn, sợ hãi, tức giận, bị bỏ rơi.
Điều này dẫn đến những hành vi mà người lớn chúng ta khó chấp nhận được như: nịnh nọt, tâng bốc, la hét, ném đồ vật, đánh bố mẹ, phớt lờ, né tránh … Đó là những dấu hiệu cho thấy nhu cầu cơ bản bên trong con đã bị bỏ qua. Nhưng thực tế là, người lớn chúng ta thường phản ứng bộc phát với những hành vi bề nổi mà không thật sự nhìn nhận đúng gốc rễ của vấn đề.
Nếu ví mỗi tình huống trong cuộc sống như một đoạn phim, hãy nhấn nút “Pause” (Tạm dừng) sau đó quay chậm lại từng tình tiết và trả lời hai câu hỏi sau trước khi nhấn nút “Play” (Tiếp tục phát) để phản hồi con.
1. Con đang cảm thấy thế nào?
Hành vi hay thái độ của con chỉ là hình thức của những gì con đang cảm thấy. Con đang buồn, tức giận, thất vọng, căng thẳng, chán nản, … hay bất cứ cảm xúc gì khác - hãy nhận ra và nói với con “bạn biết con đang cảm thấy thế nào".
Hãy xoa dịu cảm xúc của con trước khi đưa ra bất cứ lý lẽ nào. Nếu con chưa sẵn sàng cho một cái ôm, chưa sẵn sàng nói chuyện, bạn hãy lùi lại một chút hoặc có thể đi ra ngoài vài phút và trở lại, lặp lại như thế cho đến khi con dịu đi.
2. Nhu cầu thật sự của con là gì?
Có lẽ đây là câu hỏi quan trọng nhất, quyết định bạn sẽ phải làm gì tiếp theo. Hiểu nhu cầu của con, bạn sẽ biết cách lựa lời và hành động đúng trọng tâm và hiệu quả. Những nhu cầu về cảm xúc của con có thể là: sự chú ý, sự ưu tiên, sự đánh giá cao, sự ghi nhận, sự hỗ trợ, sự kết nối, ...
Nhất nút “Pause" nghĩa là bạn đã cho mình một chút thời gian để bình tĩnh lại đồng thời suy xét thấu đáo vấn đề của con. Nó chắc chắn sẽ giúp bạn chọn được cách phản hồi con một cách hợp lý. Có thể bạn sẽ cần một hình thức kỷ luật phù hợp để chấn chỉnh nhưng đôi khi chỉ cần vài lời động viên, cổ vũ, một sự thấu hiểu hay một vài chỉ dẫn là đã đủ thay đổi hành vi của con rồi.
Lần tới, khi gặp phải tình huống khó chịu, khó xử với con, hãy nhớ lại “tảng băng trôi" này nhé, chắc chắn nó sẽ “làm mát” đầu óc đang muốn bùng cháy và điều hướng hành động của chúng ta tốt hơn.
