HIỂU VỀ TẬP TRUNG
Bài đăng của thành viên Nghia Nguyen trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Tập trung cũng là một kỹ năng và cần được nuôi dưỡng, rèn luyện mới có. Có những người sinh ra khả năng tập trung cao hơn người khác rồi, tuy nhiên thì giống như mọi loại kỹ năng khác, nó cũng không nói lên điều gì về con người của trẻ cả. Khi con tầm 3,4 tuổi mình sẽ chưa chú ý lắm tới sự tập trung của con đâu, nhưng chờ tới 6,7 tuổi khi con bắt đầu đi học tiểu học, bố mẹ mới nhìn vào những biểu hiện khó tập trung ở con, mình cẩn thận để không phán xét hay phê bình con nhé!
Tại sao khi đi học thì mọi người mới nhìn vào sự tập trung? Là vì khi đó kỳ vọng của bố mẹ cao hơn. Thêm nữa con bắt đầu phải đối diện với những công việc khó, không hứng thú, vui vẻ với con nữa, trong khi đó trước tuổi đi học con được lựa chọn chơi gì, làm gì mà con thấy thích. Trẻ tập trung tốt hơn khi được làm điều chúng thích.
Ngoài ra độ tập trung cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài, ví dụ như là: tiếng ồn, hoạt động gây xao nhãng có gần trẻ không, trẻ có mệt hay đói không, mức độ hứng thú của trẻ với hoạt động (yếu tố này mình cho là chủ chốt, ví dụ con học một môn con không ưa thì ngồi chưa được 10 phút đã xin ra ngoài, hay 4, 5 tuổi mà phải làm một việc mới, khó, ko hứng thú thì chưa được 2 phút con đã lơ là cũng là bình thường).
Khi làm bài tập hay được giao thêm trách nhiệm ở nhà con có xu hướng xao nhãng, đang làm dở thì sà vào chơi hoặc lâu lâu lại xin đi làm việc gì đó. Nếu mình cứ kiên trì, nhẹ nhàng nhưng vẫn cứng rắn nhắc nhở, đồng hành cùng con, khả năng tập trung của con sẽ tăng dần lên theo sức của con.
Trước hết mình chia sẻ thông tin về mức độ tập trung của trẻ qua từng độ tuổi, max sẽ là tuổi của con x3 (ví dụ: 6 tuổi độ tập trung ~18 phút). Lưu ý đây là KHOẢNG TRUNG BÌNH thôi nhé, có trẻ sẽ dao động dưới hoặc trên, mình dùng để tham khảo, không dùng để chiếu sang con và tạo áp lực.
Độ tập trung của nhiều người lớn thực ra cũng không cao đâu nếu mình để ý sẽ thấy như là hoặc đang làm việc a lại nhớ sang việc b rồi bỏ dở đó để làm b trước, tay thì làm một việc nhưng đầu mải nghĩ ngợi việc khác,... Người lớn có thể vừa làm vừa nghĩ mà không ảnh hưởng tới chất lượng lắm còn với trẻ thì chưa phát triển được khả năng đó.
MỘT SỐ CÁCH HỖ TRỢ TRẺ TẬP TRUNG
1) Nguyên tắc "Giờ nào việc nấy" dựa vào nếp sinh hoạt.
Khi đã có nếp sinh hoạt tương đối cho con, mình bắt đầu hướng dẫn và sát sao nhắc nhở từng hoạt động một để con có thói quen giờ nào việc nấy.
Ví dụ như: giờ ăn chỉ có ăn mà không cầm đồ chơi, đi ra khỏi bàn hoặc xem màn hình; giờ dọn đồ chơi chỉ dọn đồ mà không mải chơi (với trẻ bé mình còn cần giúp và hướng dẫn nhiều, với trẻ lớn có lúc vẫn còn xao nhãng nên mình cần kiểm soát kỳ vọng của bản thân với con).
2) Đảm bảo không gian, thời gian hợp lý khi con làm một việc nào đó cần sự tập trung.
Ví dụ như khi ăn mình cần bỏ hết đồ chơi khỏi tầm mắt trẻ hoặc yêu cầu trẻ cất trước khi ăn. Trẻ học bài không có âm thanh nền quấy nhiễu, không có các đồ vật gây xao nhãng xung quanh.
3) Đảm bảo nếp sinh hoạt, giờ giấc ổn định, lành mạnh.
4) Trong quá trình làm một việc (học bài, tập làm gì đó mới) mà trẻ có dấu hiệu căng thẳng, chán, mất tập trung mình có thể gợi ý trẻ nghỉ ngơi một chút hoặc ngồi cạnh nói chuyện, chia sẻ, cười đùa một chút để trẻ thư giãn.
5) Với các việc khó so với lứa tuổi, mình cần chia nhỏ công đoạn để giúp trẻ có thể nắm bắt và học được từ đó mới làm được thay vì mong trẻ làm được toàn bộ ngay lập tức.
Khi trẻ thấy khó quá chúng sẽ chán và bỏ đó để chơi thứ khác. Ví dụ như nếu con mới bắt đầu tập dọn đồ chơi vào giờ cố định (3-4 tuổi), mình cần làm cùng và hướng dẫn con chia thành từng mục: chẳng hạn như trước tiên mình dọn sách vào giá, sau đó tới ô tô vào giỏ đồ chơi, sau đó tới gấu bông,... Hoặc khi con tập chuẩn bị đồ trước khi đi ra ngoài, mình chia nhỏ các mục như: trước tiên là chọn áo, thay áo, sau đó tới chọn quần, thay quần, sau đó tới áo khoác, rồi tiếp là chọn giầy, mũ, khăn,...
Ngoài ra một tờ giấy viết sẵn thứ tự công đoạn các việc cần, dán vào một nơi dễ nhìn cũng giúp trẻ rất nhiều.
6) Chú ý tới giờ chơi tự do và tôn trọng thời gian chơi tự do của con.
Hạn chế khi con đang chơi, mình nhớ ra việc gì lại giục con đi làm ngay lập tức. Nếu thực sự cần thiết hãy hỏi con bao lâu nữa thì con làm được, mẹ sẽ đặt đồng hồ nhắc nhở giúp và khi đồng hồ báo con nhất định phải làm.
Khi con đang tự chơi say sưa, dù có gì đó không hợp mắt, hãy kiên nhẫn quan sát trước khi bước tới để can thiệp hoặc khuyên bảo (trừ khi việc rất nguy hiểm).
7) Khi con tầm 6 tuổi, nhỏ hơn cũng có thể áp dụng được, mình có thể dùng đồng hồ để đặt giờ giới hạn thời gian không phải để doạ hay ép con phải xong mà:
- một là để con có động lực để làm, thấy vui khi làm xong.
- hai là để con biết rằng tiếp sau đó mình còn các việc khác nữa, nên việc mình đang làm không thể kéo quá dài, các việc sau sẽ bị ảnh hưởng. Hoặc chẳng hạn như thời gian sau đó là giờ chơi, nếu con làm không tập trung, giờ chơi của con sẽ ngắn lại.
Chơi game.
Thực ra game cũng có rất nhiều lợi ích, trẻ ngoài học được nhiều kỹ năng khác thì chơi game vừa độ tuổi cũng giúp trẻ tăng khả năng tập trung. Ví dụ như bạn nhà mình có lúc chơi xếp hình, chơi cờ hoặc xây nhà cửa. Quan trọng là mình cần quản lý chặt nội dung và thời gian. Cần cố định và thống nhất rõ ràng một ngày con có bao nhiêu thời gian, đặt đồng hồ hoặc nhắc nhở khi hết giờ xem/chơi.
9) Làm gương.
Bố mẹ luôn là tấm gương để con nhìn vào và học. Nếu con thấy mình làm gì cũng tập trung, cẩn thận, tỉ mỉ con sẽ học được điều đó. Nhất là khi mình chơi cùng con, tập trung vào việc chơi, không bị xao nhãng bởi điện thoại hay các công việc lặt vặt khác. Khi kết thúc giờ chơi hãy nói rõ ràng với con: Mẹ chỉ chơi thêm được 5 phút nữa là mẹ sẽ đi (làm việc gì đó) nhé!
Khả năng tập trung cũng là việc con cần mình giúp lâu dài, đối với người lớn vẫn còn là việc phải học và tập rất nhiều nữa, cho nên là vẫn không có gì khác ngoài kiên nhẫn và kiên trì, với mình và với con.