top of page

HỘI CHỨNG “NỔI ĐIÊN” CỦA CÁC BÀ MẸ

Bài đăng của thành viên Hoa Luong trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Mình còn nhớ như in hôm đó là một ngày mùa hè nắng nóng, điều hòa và quạt cùng bật hết công suất mà mồ hôi vẫn túa ra trên người cả 2 mẹ con. Một tay mình gồng lên bế con mỏi nhừ, tay con lại giữ chiếc khăn xô ngăn không cho những giọt sữa thi thoảng lại rỉ từ bầu ngực.


Mình đã đứng như vậy suốt mấy tiếng đồng hồ liền, con thì không ngừng khóc. Hai chân như muốn rụng ra khỏi gối vì không thể ngồi xuống một giây, cứ hễ đặt mông định hạ người xuống một tý là con lại khóc gào lên, gồng người gắt gỏng phản đối.


Mình cảm thấy cả tinh thần và cơ thể đã đi tới giới hạn của sự chịu đựng. Đầu mình nổ tung, nước mắt lã chã rơi chạm vào những giọt mồ hôi vẫn không ngừng túa ra. Mình đã gào lên với mức át cả tiếng khóc của con. Mình cố tình gào to như vậy rồi bỏ lại “thứ” đã khiến mình kiệt sức trên giường, mặc cho tiếng khóc như xé rách được cả một bức tường, mình trốn ra một góc khác để ngồi khóc theo.


Mình thực sự đã nổi điên, bất lực, bật khóc và tệ hơn là không ngừng trách móc bản thân vì đã hành động như thế. May mắn là sau phút giây đó mình đã lấy lại được bình tĩnh vì kịp xả bớt những năng lượng tiêu cực ra ngoài.


Bản năng làm mẹ khiến những người mẹ như mình có thể kiên nhẫn và chịu đựng tốt hơn. Mình có thể ngồi cả đêm ôm con khư khư trong tay vì con không chịu ngủ nếu bị đặt xuống giường. Mình có thể bật dậy như một chiếc lò xo khi con chỉ mới vừa ọ ẹ tỉnh giấc. Mình không đếm hết những giấc ngủ chập chờn, vạ vật kể từ sau khi sinh. Nhưng mình đã lầm khi nghĩ những điều đó là hoàn hảo. Bởi vì, những hi sinh về mặt thể chất lâu ngày không được giải tỏa sẽ vô tình tạo ra những ức chế mang năng lượng tiêu cực đối với người mẹ.


Mình cũng đã từng chứng kiến nhiều bà mẹ “nổi điên” như mình ngày hôm ấy. Điều mình rút ra được là kể cả khi con cái đã lớn tới tầm 3-4 tuổi hay thậm chí trưởng thành thì những trận “nổi điên” tương tự có khả năng vẫn sẽ xuất hiện nếu chúng ta không hiểu nguồn cơn của sự khùng điên đó đến từ đâu và chưa biết cách kiểm soát nó.


1. “Nổi điên” khác gì với giận dữ


Tệ hơn sự giận dữ là hành vi “nổi điên”. Bạn có thể đang cảm thấy thực sự giận dữ với ai đó, nhưng cảm xúc từ cơn giận vẫn trong tầm kiểm soát của bản thân bạn. Bạn vẫn đủ tỉnh táo nhận biết mình đang làm gì, nên làm gì và không nên làm gì.

Khi cơn giận biến thành “nổi điên” là lúc bạn đã hoàn toàn mất hết sự kiểm soát. Bạn có thể đập vỡ đồ đạc, đóng sầm cửa như thể muốn nó nát vụn, gào thét lên và ném mọi thứ trong tầm tay.


Sự “nổi điên” có thể sẽ khiến đứa trẻ chịu tổn thương nặng nề và không có cách nào bù đắp nổi.


2. Nguyên nhân dẫn đến sự “nổi điên” của các bà mẹ


Kiệt sức và mệt mỏi


Có thể trước khi trở thành mẹ, bạn không được chuẩn bị tinh thần rằng mình sẽ có lúc “nổi điên” đâu. Có thể bạn nghĩ bạn là người rất ôn hòa, điềm tĩnh, và không dễ gì mất kiểm soát được. Nhưng thực tế là người mẹ nào cũng sẽ thay đổi rất nhiều về tâm sinh lý trong thời kỳ trước khi sinh và sau khi sinh. Những người mẹ cần có thời gian để thích ứng với thời kỳ mới, vất vả hơn và trải qua nhiều cảm xúc chưa từng có.


Bạn sẽ có nhiều lúc cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi. Nhưng đừng để cho những nhu cầu của bản thân bị gạt bỏ quá lâu mà không được quyết và đáp ứng. Hãy quan tâm đến bản thân nhiều hơn bằng cách giảm bớt những mối bận tâm của mình tới người khác. Nếu bạn thiếu ngủ, hãy tìm cách có được một giấc ngủ bù. Nếu muốn nói chuyện, hãy tìm cách kết nối ra bên ngoài, trò chuyện với người thân, bạn bè. Đừng để mình rơi vào trạng thái kiệt sức và mệt mỏi.


Hãy nhớ rằng kiệt sức và mệt mỏi chính là mồi lửa trực tiếp thổi bùng “cơn điên” của bạn đấy.


Phản ứng của những người xung quanh


Những người mẹ có thể “nổi điên” trong tích tắc chỉ vì họ phải chịu áp lực từ những chỉ trích và lời nói tiêu cực từ bên ngoài. Một bà mẹ dẫn con đi siêu thị lẽ ra sẽ không cho con ăn đòn ngay tại trận vì lý do con chạy nhảy lung tung. Nhưng vì cảm thấy xấu hổ trước con mắt của những người có mặt xung quanh, bị tác động bởi những lời xì xào, bàn tán, chê bai đứa bé hư, chỉ trích rằng mẹ không biết dạy con, cộng thêm những nỗi tủi nhọc tích tụ dồn nén mà người mẹ sẽ lập tức xuống tay, mất kiểm soát và đánh con trong chớp mắt.


Hãy đối xử với những người mẹ và những đứa trẻ một cách bao dung hơn. Vì làm mẹ là nuôi dạy một đứa trẻ, một con người, chứ không phải là huấn luyện diễn viên cho những rạp xiếc thú. Những đứa trẻ, ta chưa biết chúng sẽ trở thành ai khi lớn lên, thế nên đừng vì một hành động xấu của chúng ngày hôm nay mà vội vàng đánh giá hoặc gắn mác đứa trẻ đó là “hư”, phán xét người mẹ đó là không biết dạy con.


Phản ứng của những người xung quanh nếu tích cực sẽ giúp cho những người mẹ ngăn chặn được những trận “nổi điên” và cảm giác tự ti về bản thân. Đứa trẻ nhờ thế mà sẽ bớt đi một lần bị tổn thương không đáng có.


3. Xác định “Nổi điên” là điều hết sức bình thường, có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hãy học cách đối diện


Mình tin là bà mẹ nào cũng có lúc sẽ phải “nổi điên” vì điều đó là hết sức bình thường. Làm mẹ rồi mới hiểu, đây là một công việc không những mệt mỏi, khó khăn và nhiều phức tạp.


Bởi vậy, bạn hãy cứ sẵn sàng đón nhận những lần cơn bão “nổi điên” trong đầu mình ập tới và chuẩn bị sẵn tinh thần chống bão bằng những “chiếc phao” này:

  • Đừng để bản thân mình rơi vào trạng thái kiệt sức và mệt mỏi quá lâu.

  • Đừng bận tâm đến phản ứng của những người ngoài cuộc

  • Luôn tìm cách kết nối với con nhiều nhất trong mọi hoàn cảnh

  • Rèn luyện thêm kỹ năng kiên nhẫn với con

Mẹ cũng chỉ là một người bình thường, cần ăn, cần ngủ, cần được lắng nghe và chia sẻ, cần được ủng hộ và quan tâm. Nếu chúng ta đều công nhận làm mẹ là một hành trình cực kỳ gian truân, thì hãy cùng nhau đối xử nhẹ nhàng với những người mẹ, kể cả khi họ đang “nổi điên”.


19 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page