Khen con sao cho đúng?
Bài đăng của thành viên HoangMy Truong trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Mình đang tham gia một khóa học online về nuôi dạy con, làm sao để thay đổi hành vi của con do Alan Kazdin – Giáo sư tâm lý và tâm thần học trẻ em tại Đại học Yale giảng dạy. Vừa mới bắt đầu khoá học, mình đã được tiếp cận với một cách thức đơn giản có thể khiến con thay đổi hành vi của mình một cách tích cực hơn – đó là sự khen ngợi.
Mặc dù có ý kiến cho rằng lạm dụng lời khen có thể làm triệt tiêu đi động lực nội sinh của trẻ nhưng không thể phủ nhận rằng, lời khen ngợi cho con cảm giác là một người có giá trị, được tôn trọng, được yêu thương. Và trong những trường hợp cụ thể, lời khen sẽ rất hữu ích nếu bạn muốn con có hành vi/thái độ tốt hơn (tự dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi, ngừng đánh bạn, biết chia sẻ đồ chơi và chơi hoà thuận với anh chị em của mình, tự chải răng,…). Nó giúp con ghi nhớ hành động đó như một trải nghiệm tốt đẹp với cha mẹ, con dễ lặp lại hành động đó hơn và hình thành thói quen. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ chi tiết hơn cách khen ngợi hành động của con như thế nào cho hiệu quả.
3 yếu tố của một lời khen đúng
Một lời khen hiệu quả cần hội tụ đủ 3 yếu tố:
1. Một câu cảm thán, một lời khen chân thành và đầy cảm xúc.
Đó là những câu nói quen thuộc thôi: Tuyệt quá!, Con làm được rồi này, Con làm tốt lắm, … nhưng gắn liền với cả ngôn ngữ cơ thể của bạn (con cảm nhận được suy nghĩ của bạn qua lời nói và cả biểu hiện nữa): giọng nói đầy ngạc nhiên và tự hào, khuôn mặt cười rạng rỡ, …
2. Nhắc lại chính xác hành động được khen ngợi.
Chẳng hạn như: “Tuyệt quá, con đã dọn dẹp gọn gàng đồ chơi của mình rồi nè”.
3. Những cử chỉ yêu thương
Đừng chỉ khen ngợi bằng lời nói, hãy đến ôm hôn con, xoa đầu con, đập tay high five, … Hãy làm bất cứ điều gì mang lại cảm giác yêu thương, dễ chịu giữa ba mẹ và con.
Một số điểm cần lưu ý khi khen ngợi con
Khen ngợi con ngay sau khi con thực hiện điều mà bạn muốn con làm
Đừng đợi đến tối mới khen con “Sáng nay con đã làm rất tốt, con thức dậy sớm và đến trường vui vẻ”. Con sẽ chẳng thể ghi nhớ được gì.
Đừng kết nối hành động với giá trị con người con
“Tin, con làm một cậu bé ngoan khi dọn dẹp đồ chơi của mình gọn gàng”. Nói vậy, có thể con sẽ nghĩ nếu mình không dọn dẹp đồ chơi, mình sẽ là cậu bé hư hỏng.
Đừng nói kiểu như ba mẹ chỉ yêu con khi làm con làm theo ý ba mẹ
“Tin, ba mẹ rất yêu con khi thấy con dọn dẹp gọn gàng đồ chơi của mình”. Đừng nói thế nhé, bởi ba mẹ yêu con rất nhiều cho dù con làm điều gì đi nữa.
Không nên quá tập trung vào cảm xúc của chính ba mẹ
“Tin ơi, mẹ rất vui và hạnh phúc khi con biết tự dọn dẹp đồ chơi của mình đấy”. Ở một mức độ nào đó, cách nói này sẽ tạo áp lực cho con.
Tuyệt đối không nên thêm vào những câu than vãn sau lời khen ngợi.
Chẳng hạn như:
“Lúc nào con cũng gọn gàng thế này thì tốt quá, mẹ không phải nhắc nhở nhiều lần.”
“Đấy, còn làm tốt như anh con rồi nè”
“Con làm được mà sao không tự động làm, lúc nào cũng đợi mẹ phải nhắc.”
Đây là những câu nói “cấm kỵ”, nó khiến con đang vui mừng vì mình vừa làm một điều tốt, vì được khen ngợi chuyển sang hụt hẫng và thất vọng.
Lý thuyết là vậy, chìa khoá để khen ngợi con đúng cách và hiệu quả lại là việc thực hành. Hãy chọn một hoặc hai hành vi/hành động mà bạn muốn con thực hiện được, sau đó quan sát con và thực hiện lời khen khi con làm tốt nhé. Sau vài lần khen ngợi con, nếu con đã xây dựng được thói quen tốt rồi thì không nhất thiết phải khen mãi về điều đó nữa, nhiệm vụ đã hoàn thành rồi.