KHÔNGGG! - Câu thần chú khiến bố mẹ nổi điên của mọi đứa trẻ
- Con yêu, mình đi giày rồi ra ngoài chơi nhé?
- Không
- Con muốn chọn đôi giày màu hồng hay màu vàng nhỉ?
- Con không đi giày
- Vậy mình đi dép con nhé? Mẹ có một đôi công chúa và một đôi Elsa này
- Con không đi dép
- Vậy con muốn đi chân không phải không?
- Khônggg!!!!!
(Và con bắt đầu gào khóc như thể bị ép uổng điều gì tồi tệ lắm)
Mình tin, đây là cảnh mà rất nhiều bậc phụ huynh gặp phải hàng ngày, hay thậm chí là nhiều lần mỗi ngày. Nhất là với gia đình có em bé đang bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 trở đi. Từ “KHÔNG” trở thành kim chỉ nam cho mọi điều con trả lời mình, con nói KHÔNG với tất cả mọi thứ, kể cả với những nỗ lực bình ổn con lại của bố mẹ và ông bà.
Để vượt qua điều này, mình đã tìm hiểu về lý do và cách giải quyết cho tình trạng nói KHÔNG liên tục rồi lăn ra ăn vạ của con.
Lý do khiến con liên tục nói KHÔNG là gì?
Khi trẻ bước vào độ tuổi tập đi (khoảng giữa 1 - 3 tuổi) là lúc con ở trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của não bộ. Hàng trăm kết nối thần kinh được thực hiện mỗi giây trong não bộ của trẻ ở giai đoạn này. Điều này vừa khiến trẻ tốn năng lượng, vừa khiến trẻ choáng ngợp với những cảm xúc, suy nghĩ mới mẻ đang hình thành trong bộ não bé nhỏ của mình.
Lúc này, trẻ cũng bắt đầu nhận ra mình là một cá thể riêng biệt. Trẻ say mê với việc thể hiện suy nghĩ và ý kiến của riêng mình bằng cách nói KHÔNG với mọi điều mà người lớn đưa ra. Hay thậm chí khủng hoảng, ăn vạ, gào thét để thể hiện cái tôi khủng khiếp của chính mình.
Trẻ cũng sử dụng từ KHÔNG để kiểm tra phản ứng của bố mẹ với hành vi của mình như thế nào. Chính cách mà chúng ta hành xử với con lúc này sẽ quyết định cách mà trẻ đối diện với cảm xúc và khủng hoảng của bản thân. Cũng như giúp con biết đặt ra giới hạn cho hành vi của người khác với chính mình.
Con sẽ biết đâu là hành vi đúng, được làm và đâu là hành vi sai, không được làm. Con cũng hiểu được thế nào là giới hạn cho những hành vi đúng để chúng không trở thành hành vi sai. (Ví dụ: ôm là một hành vi đúng, nhưng khi bị ép buộc ôm một ai đó hay một người lạ mà con không thích hoặc không thoải mái thì đó là một hành vi sai và con được quyền từ chối).
Song song với đó, bố mẹ hãy tôn trọng và lắng nghe khi con nói KHÔNG, bởi không phải lúc nào con cũng muốn ăn vạ. Có nhiều lúc là con đang muốn thể hiện Ý KIÊN RIÊNG của mình đối với yêu cầu của người khác, điều này bố mẹ sẽ nhận biết được thông qua ngữ cảnh và cảm xúc của con. Con không muốn đưa đồ chơi cho bạn khác vì con đang chơi một mình rất vui chẳng hạn. Hãy tôn trọng điều đó, chúng ta đâu thể bắt con chia sẻ mọi điều con có với người khác khi mà bản thân con không muốn? Đến cả chúng ta, những người lớn, cũng có lúc muốn giữ nhiều điều cho riêng mình mà.
Vậy chúng ta nên làm gì khi con liên tục nói KHÔNG và lăn ra ăn vạ?
Không có một khuôn mẫu hành vi nào hiệu quả 100% để bố mẹ áp dụng khi con liên tục nói KHÔNG. Chúng ta chỉ có thể tích lũy kinh nghiệm dần dần thông qua những trải nghiệm với chính con cái của mình. Một số quy tắc dưới đây sẽ giúp bố mẹ giải quyết được phần nào những cơn ăn vạ của con:
Giữ bình tĩnh và kiên nhẫn: Điều này hẳn là bố mẹ nào cũng được nghe nhưng mình vẫn phải nhắc lại và sẽ tiếp tục nhắc lại thật nhiều lần. Vì chỉ khi bình tĩnh và kiên nhẫn chúng ta mới đủ tỉnh táo để vượt qua cơn giận dỗi của một em bé trong thời kỳ khủng hoảng này.
Đừng tranh luận với trẻ hay cố gắng giải thích bất cứ điều gì: Với trẻ lúc đó KHÔNG chính là không, chứ chẳng cần lý do gì hết. Trẻ cũng sẽ không nghe bất kỳ điều gì lúc đó đâu. Hãy để con được sôi lên và bình tĩnh lại bằng cách khác
Cho trẻ những sự lựa chọn khác nhau: Giống như trong đoạn hội thoại ở đầu bài viết, mình đã đưa ra nhiều sự lựa chọn cho con, điều này thường xuyên có tác dụng khi con sẽ chấp nhận một trong số những lựa chọn đó. Nhưng cũng có lúc không mang lại hiệu quả vì chúng ta không thực sự hiểu con đang muốn gì.
Tìm hiểu chính xác điều con muốn: Do khả năng ngôn ngữ của con chưa thực sự hoàn thiện nên có rất nhiều điều con bày tỏ mà bị bố mẹ hiểu sai, dẫn đến cơn ăn vạ diễn ra gần như ngay lập tức. Hãy cố gắng vận dụng hết sự thấu hiểu và năng lực cảm nhận của mình để tìm ra chính xác điều con muốn. Đưa ra những đáp án cho con xác nhận. Đừng lo lắng quá, con cũng sẽ kiên nhẫn chỉ dẫn cho chúng ta biết điều con muốn là gì.
Đánh lạc hướng: Đây là cách mà mình thường dùng khi con không chấp nhận lựa chọn hoặc không thể biết con muốn gì. Một điều gì thú vị như một con bướm vừa bay qua, hay với bé nhà mình là con mèo đang chạy đến. Chỉ cần có mèo, bé sẽ quên hết muộn phiền.
Đưa ra giới hạn: Điều này áp dụng khi yêu cầu cầu của con là vô lý (như không rời khỏi sân chơi, muốn mua một món đồ gì đó). Ví dụ: mình sẽ báo rằng con được chơi thêm 5 phút và sau đó chúng ta về nhà. Sau 5 phút đó, dù thế nào mình cũng sẽ bế con về dù con muốn hay không.
Để cơn ăn vạ tự lắng xuống: Cách này là một trong những ưu tiên cuối cùng của mình khi xử lý cơn ăn vạ của con. Mình nhận ra rằng trẻ nhỏ cũng có những lúc muốn bùng cháy chẳng vì lý do gì cả, chỉ cần được xả ra bằng nước mắt và gào thét thôi. Nên những lúc đã thử hết các cách mình biết thì mình quyết định để con được tự điều chỉnh cảm xúc. Lúc đó mình chỉ yên lặng ở bên con, cùng con vượt qua những điều khó chịu không thể gọi tên.
Cuối cùng, sau tất cả những cơn ăn vạ và những lần nói KHÔNG theo cấp số nhân thì con vẫn là một em bé đáng yêu vô cùng đối với mình. Mình hiểu rằng con đang học cách trở thành một em bé có suy nghĩ, quan điểm và chính kiến của riêng mình. Và những bài học của con luôn cần có mình ở bên để cổ vũ, lắng nghe và tôn trọng con.