DẠY GÌ ĐỂ TRÁNH KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 2-3
Bài đăng của thành viên Ng Qui Quynh Hanh trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Mình tin các loại khủng hoảng tuổi lên 2, lên 3 đều không dễ chịu. Gào khóc không lý do, ăn vạ, lăn lộn, ném đồ, đánh bố mẹ… nghe thôi đã nhức đầu.
Vậy mình đã dạy gì để khi con bước vào giai đoạn ttuổi lên 2-3 nhiều khủng hoảng này? Dưới đây là 3 “câu thần chú” cực kỳ hữu ích đối với mình:
1. Nếu con muốn gì thì con nói, mẹ sẽ hiểu. Khi con khóc, mẹ không hiểu. Con hãy nói “Mẹ ơi, mẹ giúp con…”
Câu thần chú này mình đã nói chắc 10 nghìn lần, ròng rã từ lúc Đan khoảng 1,5 tuổi (trước mốc siêu ăn vạ 2 tuổi) đến tầm 2 tuổi thì con bắt đầu biết làm theo.
Mình hay nói lúc mẹ con ôm nhau thủ thỉ: “Vừa nãy Đan muốn… quá à? Thế là Đan kêu ư ư thế là mẹ không hiểu nhỉ? Nếu mà Đan nói tử tế hẳn hoi là mẹ sẽ hiểu đấy. Ví dụ Đan bảo” Mẹ ơi, con muốn…” Thế là mẹ sẽ hiểu ngay thôi”.
Tầm 1.5 - 2 tuổi, con chưa nói giỏi nên mình sẽ mớm câu để con biết nên nói thế nào. Mình nhất quán luôn bắt đầu câu bằng: Mẹ ơi…. (giống như bắt nhịp bài hát thì mình cũng cần hát mớm).
Chẳng hạn:
“Đan nói thế này nhé: mẹ ơi, mẹ lấy đồ chơi cho con ạ”.
Thần chú là: “Con muốn gì thì con nói cho mẹ hiểu nhé.”
2. Mẹ đang cố gắng nghe con nói, nhưng mẹ chưa hiểu. Con giúp mẹ tả nó màu gì, như thế nào nhé.
Tầm 2-3 tuổi là tầm đã biết nói nhưng nhiều khi khó mà hiểu được con nói gì, thành ra khiến con dễ mất bình tĩnh. Bố mẹ xử lý không đúng sẽ dẫn đến tính cách (tạm thời): cứ không ưng là khóc và nghĩ mình có quyền được làm thế.
Vậy nên khi con khóc, mình cố gắng bình tĩnh (nhẩm thần chú: có cáu/ mắng cũng không làm mọi thứ tốt lên), ngồi xuống thật gần con, thật tâm muốn giải quyết vấn đề. Rồi hỏi con “Mẹ đang rất cố gắng để hiểu, mà mẹ chưa làm được nên con giúp mẹ được không?”
Rồi bảo con chỉ cho mẹ, mẹ bế con ra gần chỗ đó con lấy. Lớn hơn chút thì bạn hỏi: nó màu gì, hình gì, dùng để làm gì, như thế nào (giúp con thêm kĩ năng miêu tả).
Nếu chưa giải quyết được mà con lại cáu thì lặp lại câu này. Nhưng hãy thật tâm muốn hiểu và giải quyết, không đánh lạc hướng. Hãy nói với con là bạn đang cố gắng, và hãy thực sự cố gắng tìm đáp án bằng mọi cách.
Kiên trì và nhất quán 5-6 lần hoặc 9-10 lần tuỳ bé là mẹ sẽ hái quả ngọt.
3. Con đang cảm thấy… phải không?
Trẻ 2-3 tuổi có quá nhiều cảm xúc nhưng không biết nói ra hoặc không biết xử lý cảm xúc nên dễ “bùng cháy”. Việc của người lớn chúng mình là khơi gợi (nhưng không định hướng) cảm xúc của bé.
Kể cả người lớn chúng mình, đôi khi chỉ cần 1 người bên cạnh nói rằng “Tôi hiểu cảm giác của bạn” là mình cũng nguôi ngoai.
Trẻ con cũng vậy.
Ví dụ con đang chơi ở sân chơi mà mẹ bảo đi về thì con sẽ lăn ra khóc. Bạn sẽ xử lý thế nào?
Hãy ngồi xuống thật gần con, nếu con thích ôm ấp thì ôm, không thì ngồi cạnh thấp bằng con:
- Con muốn ở đây chơi quá đúng không (hiểu cảm xúc và mong muốn của con)
- *gật gật*
- Hôm nay mẹ đón con về rồi cho con chơi thêm ở sân, vui nhỉ (kiếm chuyện làm quên bớt việc ăn vạ)
- *gật gật*
- Thế là con vui quá à? Lần sau con có muốn mẹ cho con chơi tiếp không? (Gợi ý hấp dẫn)
- *gật gật*
- Ok, thế em bé ngoan lần sau mẹ sẽ cho con chơi nữa nhớ (mở ra 1 lời hứa hẹn mà con thích). Còn hôm nay mình chơi 10p rồi…
- *mếu mếu, nghe đến đây biết mẹ sắp bắt về*
- *mẹ nói nhanh tiếp luôn* thế mình sẽ chơi 5p nữa RỒI MỚI về nhé
- *khoái chí gật luôn rồi chạy đi chơi*
Sau đấy thì mình sẽ đếm lùi: còn 4 phút nữa, 3 phút nữa…1p nữa để con chuẩn bị tinh thần và bớt hụt hẫng.
“Đến giờ về rồi, lần sau mẹ lại cho con chơi nữa nhé!”
Vẫn là nhất quán và kiên trì, 10 lần là sẽ có tác dụng!
Hi vọng rằng chia sẻ trên đây giúp bạn không hoang mang khi “đối phó” với cơn ăn vạ của em bé 2-3 tuổi!