top of page

Kỷ luật mềm trong phương pháp giáo dục Waldorf - Steiner (bố mẹ cũng có thể áp dụng)

Bạn đã bao giờ nghe nói về phương pháp giáo dục Waldorf - Steiner chưa? Lấy cảm hứng từ triết lý của Rudorf Steiner – người được mệnh danh là “nhà giáo dục nuôi dưỡng những con người tự do”, phương pháp Waldorf vẫn đang được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, và được nhiều phụ huynh lựa chọn khi quyết định “home school” (giáo dục tại nhà).


Là một người mẹ muốn con có một cuộc sống trọn vẹn, kết nối sâu sắc với chính bản thân mình và thế giới xung quanh hơn là xuất sắc về tri thức, tôi quan tâm tới phương pháp này hơn các phương pháp được cho là “ưu việt” như Montessori, STEAM hay Reggio Emilia. Tuy quan tâm tới phương pháp này vì nó hướng con trẻ tới sự tự do trong tâm hồn nhưng tôi cũng vô cùng phân vân: liệu tự do có đồng nghĩa với thiếu kỷ luật? Và thật tình cờ, tôi đọc được một bài viết về kỷ luật trong giáo dục Waldorf được viết bởi một bà mẹ người Phi-líp-pin thông thái. Dưới đây là một phần của bài viết do tôi lược dịch, những chia sẻ rất bổ ích cho những bậc cha mẹ muốn áp dụng kỷ luật tích cực.

Link bài viết gốc: https://waldorfmom.net/parenting/discipline-the-waldorf-way/


1. Trẻ nhỏ học bằng cách bắt chước


Nếu có con nhỏ, bạn sẽ thấy rõ điều này. Vậy nên với tư cách là cha mẹ, chúng ta cần sống sao cho xứng đáng để con noi theo. Nếu muốn con bình tĩnh thì ta phải bình tĩnh trước. Nhưng giả vờ bình tĩnh thì không có tác dụng đâu. Trẻ con có giác quan rất nhạy bén và chúng biết người lớn chúng ta đang cảm thấy như thế nào (thậm chí thường thì chúng còn biết rõ hơn cả chính chúng ta nữa). Nếu ta cố tỏ ra bình tĩnh nhưng thực ra trong đầu đang mông lung hết suy nghĩ này tới suy nghĩ khác và không thực sự tập trung vào hiện tại thì trẻ con sẽ chứng minh cho ta thấy rằng chúng biết điều đó. Một trong những điều khó khăn nhất trong việc làm cha mẹ là ở chỗ các con ta sẽ cho ta thấy mình là người như thế nào. Ta cần tập cho mình thói quen nhìn sâu vào bên trong khi con có những vấn đề về hành vi. Đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài thì thật dễ, nhưng sẽ chẳng đem lại kết quả gì. Còn nữa, khi ta la mắng con để bắt con bình tĩnh lại, thì việc đó sẽ chẳng thể giúp con bình tĩnh mà thậm chí còn gây ra những hậu quả ngược lại.


2. Hành động mới có hiệu quả, còn lời nói thì không


Dù bạn có nói nhiều đến mấy thì trẻ con cũng không phản ứng lại mấy đâu. Ngược lại, bạn có thể dùng hành động để hướng con ra khỏi những tình huống dễ “nổi cơn tam bành” một cách hiệu quả. Những giáo viên Waldorf dạy trẻ nhỏ thường là những “siêu sao” trong việc này. Đứng trước một đứa trẻ quá hiếu động, họ sẽ nắm lấy tay nó, đưa cho nó ít sáp ong hay sợi chỉ để chơi và không quên ngân nga một giai điệu trong khi chơi cùng đứa trẻ. Không có lời nói, chỉ có hành động. Hay khi đứa trẻ nghịch phá trong giờ kể chuyện, giáo viên sẽ ngồi sau lưng và đặt tay lên vai nó. Đôi khi, chỉ cần người lớn hoàn toàn tập trung vào hiện tại, vào chính đứa trẻ thì chúng sẽ tự biết cách làm mình bình tĩnh lại. Còn nếu ta cứ liên tục giảng giải đạo lý và quy tắc hành xử, liên tục nói “không” với con, thì chúng sẽ chỉ học được cách làm những điều tương tự với ta mà thôi. Ngược lại, hành động nhanh chóng, bình tĩnh và trong yên lặng sẽ đem lại những hiệu quả tuyệt vời.


Khi mới biết tới việc “làm cha mẹ tỉnh thức” (conscious parenting), tôi từng chứng kiến điều kỳ diệu này nhờ một người mẹ theo phương pháp giáo dục Waldorf khác. Khi mọi người đang ở trong phòng khách nhà chị thì hai em bé tìm được ở đâu hai cây gậy và bắt đầu chơi “đấu kiếm”, trò chơi càng lúc càng hung hăng và cuồng loạn. Khi ấy, người mẹ bỏ dở câu chuyện, đứng phắt dậy và “tịch thu” hai cây gậy một cách rất bình tĩnh, không quên nói cảm ơn hai đứa trẻ. Chị hành động nhanh chóng và bình tĩnh tới mức phải mất mấy giây chúng mới nhận ra là đã bị mẹ “tịch thu” mất “kiếm”. Người mẹ đặt gậy lên nóc tủ rồi đưa lũ trẻ tới bên một chiếc bàn có sẵn giấy và sáp màu. Tôi vô cùng sửng sốt trước diễn biến nhanh chóng của toàn bộ sự việc. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là vì người mẹ bình tĩnh nên hai đứa trẻ cũng bình tĩnh theo. Chị chỉ hành động mà không cần nói lời nào. Chị không cần nói “Dừng lại!”, cũng không cần giải thích tại sao mình làm vậy. Chị chỉ tịch thu hai cây gậy và gợi ý cho các con một trò chơi khác. Đó là một bài học sâu sắc và hữu ích. Đừng nói. Hãy làm cho con thấy.


3. Tính nhất quán và kiên quyết chính là “bảo bối” của bạn


Nếu bạn yêu cầu bọn trẻ cất dọn đồ chơi rồi lại mặc kệ khi chúng không làm, thì bạn đang tự gây ra rắc rồi cho mình rồi đấy. Theo tôi, đây chính là khởi nguồn của lòng chính trực. Nếu bạn đã tuyên bố với con về việc không được ăn thực phẩm có đường nhưng sau đó lại cho con ăn đồ ngọt để đổi lấy chút thời gian quý giá cho riêng mình khi bạn cảm thấy mệt, thì bạn sẽ phải trả giá đắt đấy. Con bạn sẽ hiểu rằng chỉ cần làm bố/mẹ thấy mệt mỏi là sẽ được những thứ chúng muốn. Hãy dạy con rằng lời nói của bạn là vàng và lời nói của con cũng thế, bằng cách thực hiện đúng những gì mình đã nói. Đã nói là làm. Thật nhất quán. Nếu bạn không thể làm đến cùng hoặc cũng chẳng quan tâm, thì tốt nhất là đừng nói. Trẻ luôn cảm nhận được khi nào bạn nghiêm túc. Nếu bạn muốn con tôn trọng lời nói của bố mẹ và lớn lên thành những người luôn nói thật, thì bạn phải thực hiện tới cùng những gì mình đã nói.


4. Nhịp độ là nền tảng của kỷ luật


Trẻ em sẽ phát triển tốt khi có một nhịp độ sinh hoạt ổn định trong gia đình. Nhịp độ không đồng nghĩa với cứng nhắc, mà chỉ có nghĩa là bạn phải duy trì một nhịp độ sinh hoạt cụ thể. Các bữa ăn cần diễn ra quanh một mốc thời gian cố định mỗi ngày, và việc tắm rửa, chơi ngoài trời, chơi trong nhà cũng vậy. Giờ ngủ cũng là khoảng thời gian thiêng liêng. Khi đói và buồn ngủ, trạng thái tinh thần của trẻ sẽ trở nên không tốt. Hãy cố gắng tôn trọng nhịp độ sinh hoạt của con và điều này sẽ giúp một ngày của bạn trôi qua êm đềm hơn. Đây là một nguyên tắc quan trọng, đặc biệt là trong những chuyến đi xa cùng con nhỏ. Tái tạo nhịp độ sinh hoạt hằng ngày sẽ giúp bạn như đang ở nhà dù có đi đâu đi chăng nữa.


[…]


6. Xác định rõ ràng


Khi thực sự tin rằng những điều mình đang làm là những điều tốt nhất cho con, thì ta sẽ không bao giờ bị lung lay. Nhưng nếu bạn cảm thấy không thực sự tin tưởng vào những điều mình đang làm, hoặc chỉ đơn giản là đang bắt chước những việc người khác làm dù không thực sự hiểu tại sao họ lại làm vậy, thì hãy dừng lại. Nếu ta cứ cố gắng cấm con uống soda dù trong thâm tâm thấy soda cũng chẳng có hại gì mấy nên lại cho con uống, cấm, rồi lại cho uống, thì bạn cấm để làm gì? Ta cần xác định rõ ràng điều gì là quan trọng nhất đối với mình, rồi cứ thế làm theo. Muốn làm việc gì hiệu quả thì trước hết ta phải hiểu tại sao mình cần làm việc đó. Nếu đã quyết định rõ ràng thì ta sẽ không nao núng. Khi ta đã xác định rõ ràng và cương quyết, con sẽ cảm nhận được điều đó dù chẳng cần ta phải nói ra.


7. Người nắm quyền là cha mẹ, không phải con cái


Đừng tự lừa dối bản thân mình rằng ta buộc phải nhượng bộ con vì ta chẳng có chút quyền hành gì, trong khi con lại quá kiên quyết. Ở đây, ta là người lớn chứ không phải con. Ta là người hiểu biết hơn. Còn con là trẻ con. Khi hai con tôi còn nhỏ, một người trông trẻ từng nói với tôi rằng bà cho lũ trẻ thứ mà tôi đã dặn là không được cho, chỉ vì chúng nằng nặc đòi. Và tôi không thể giữ bà ở lại lâu. Tôi biết rằng bà không có một “cái tôi” đủ cứng rắn mà lũ trẻ cần ở người lớn. Ta biết điều gì là tốt nhất cho con cái mình, ta không được phép đổ lỗi cho con khi ta nhượng bộ. Dù gì đi nữa, cha mẹ mới là người nắm quyền quyết định.


8. Yêu thương cần một tầm nhìn dài hạn Khi bạn nhận thức sâu sắc được rằng bạn đang nuôi nấng các con trở thành những người lớn có thể sống thật tốt mãi ngay cả khi bạn không còn trên đời này nữa, thì bạn sẽ có một tầm nhìn trong dài hạn. Bạn biết rằng những gì mình làm hôm nay sẽ tạo nên con người trưởng thành của đứa trẻ sau này. Tôi luôn đưa ra quyết định dựa trên cách suy nghĩ này. May mắn là tôi không phải kiểu người quan tâm tới những gì người khác nói, vì người ta từng xì xào về cách tôi nuôi dạy con mình. Thế nhưng giờ đây, chính họ lại dành cho tôi những lời khen ngợi chân thành về những gì tôi đã làm, còn tôi thì cảm thấy mãn nguyện vì mình đã kiên quyết giữ vững niềm tin, cho dù niềm tin đó đi ngược lại với lẽ thường.


Yêu thương đồng nghĩa với việc phải đưa ra những quyết định khó khăn và thường không được người khác tán thành. Nếu bạn là người luôn muốn mọi người thích mình thì điều này sẽ không phải dễ dàng (nhưng việc nuôi dạy một đứa trẻ vốn dĩ cũng đâu phải chuyện dễ dàng). Mỗi người có cách nuôi dạy con khác nhau. Đừng để ý kiến của người khác gây áp lực khiến mình phải làm những việc mình không muốn. Áp lực sẽ xuất hiện khi bạn không chắc chắn về bản thân mình hoặc khi bạn muốn gây ấn tượng tốt với người khác. Tại sao phải phung phí thời gian để làm những việc đó? Hãy tập trung vào con và những gì bạn thực sự muốn làm cho con, sau đó làm cho đến cùng. Tình yêu thương đâu phải chỉ là câu chuyện tầm phào vui vẻ. Tình yêu thương cần những nỗ lực thực sự. Bạn mang con đến với cuộc đời này đâu chỉ để chiều theo ý con 24/7, mà là để cho con những giới hạn chúng cần để lớn lên thành những con người lành mạnh và cân bằng.


Lời cuối cùng, không cha mẹ nào là hoàn hảo cả. Chúng ta ai cũng từng lớn tiếng, mất kiểm soát và nổi giận dù từng tự dặn lòng không được làm như vậy. Ai cũng từng có lần đối xử tồi tệ (hoặc nghĩ rằng mình đối xử tồi tệ) với con cái mình. Người mẹ nào cũng giữ trong lòng những kỷ niệm buồn về những lần cư xử không tốt như mình muốn, nhưng tôi cũng đã học được rằng chỉ cần chúng ta cố gắng cải thiện bản thân cũng như cách đối xử với con, thì chắc chắn con sẽ cảm nhận được. Con cái chúng ta sẽ cảm nhận được rằng chúng ta đang cố gắng hết sức để trở nên tốt hơn. Đó chính là món quà tuyệt vời của việc làm người. Nói vậy không phải để bào chữa cho những hành xử chưa tốt, mà là để chúng ta tự nâng mình dậy sau những lần gục ngã, tự nhìn lại bản thân một cách thành thực và tạo điều kiện để làm mình tốt hơn lên.

Hi vọng rằng trên đây, bạn tìm thấy điều gì đồng điệu với quan điểm nuôi con của mình. Hành trình nuôi dạy con cũng giống như một sự tôi luyện không ngừng của bố mẹ. Dạy con thành người tốt, hạnh phúc và tự do thì bố mẹ cũng học được nhiều điều về cuộc sống của chính mình.


Thu Thủy,

11 lượt xem0 bình luận
bottom of page