Kỹ năng xã hội và tương tác ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của trẻ nhỏ như thế nào?
Trong bốn yếu tố quan trọng quyết định năng lực ngôn ngữ của một đứa trẻ, kỹ năng xã hội và tương tác là điều đầu tiên mà cha mẹ cần lưu tâm khi phát triển ngôn ngữ cho trẻ nhỏ. Lý do vì sao kỹ năng này lại quan trọng đến vậy sẽ được mình giải đáp chi tiết trong bài viết sau đây.

Kỹ năng xã hội và tương tác là gì?
Hiểu đơn giản đó là những kỹ năng mà chúng ta sử dụng hàng ngày để giao tiếp và tương tác với người khác. Những kỹ năng này bao gồm việc giao tiếp bằng cử chỉ, lời nói, nét mặt và ngôn ngữ cơ thể. Một người có kỹ năng xã hội và tương tác là khi họ sở hữu kiến thức về cách ứng xử trong các tình huống giao tiếp với người khác, đồng thời họ cũng hiểu những quy tắc được viết ra và ngụ ý khi giao tiếp với mọi người.
Kỹ năng xã hội và tương tác quan trọng với trẻ nhỏ như thế nào?
Kỹ năng này giúp trẻ có thể bắt đầu và duy trì việc giao tiếp với mọi người xung quanh. Trẻ sẽ học được cách tạo dựng và nuôi dưỡng tình bạn khi nền tảng giao tiếp và tương tác của trẻ được phát triển hoàn thiện. Trên thực tế, những tương tác xã hội không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ và trẻ cần có khả năng thực hiện hành vi phù hợp trong những tình huống giao tiếp khác nhau. Như khi gặp phải xung đột, sự cạnh tranh hoặc những khó khăn trong việc giao tiếp với đối phương.
Điều quan trọng mà trẻ cần có để vượt qua những xung đột là “sự đồng cảm”, khi con có thể đặt mình vào vị trí của người khác và nhận ra cảm xúc của họ. Nó sẽ cho phép trẻ phản ứng theo cách thấu hiểu, biết quan tâm và đối xử tử tế với người khác.
Nền tảng giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội và tương tác
Chúng ta cần biết rằng, mỗi kỹ năng của trẻ không phát triển một cách riêng lẻ mà chúng đều là những nhóm kỹ năng có sự liên quan mật thiết đến nhau. Do đó, nền tảng để phát triển kỹ năng xã hội và tương tác cho trẻ bao gồm những yếu tố cơ bản sau:
Sự chú ý và tập trung: Nghĩa là trẻ có thể nỗ lực bền bỉ để thực hiện các hoạt động mà không bị phân tâm quá nhiều. Trẻ cùng cần biết cách duy trì nỗ lực đó đủ lâu để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Ngôn ngữ tiếp thu: Trẻ hiểu được ý nghĩa của lời nói, hành vi, cử chỉ và biểu cảm trên khuôn mặt của người khác.
Ngôn ngữ biểu đạt: Trẻ có thể sử dụng lời nói, hành vi, cử chỉ và biểu cảm trên khuôn mặt để truyền đạt mong muốn, nhu cầu, suy nghĩ hay ý tưởng của mình đến với mọi người.
Kỹ năng chơi: Trẻ có thể tự nguyện tham gia vào các hoạt động vui chơi khác nhau với sự thích thú của riêng mình.
Kỹ năng tiền ngôn ngữ: Nghĩa là kỹ năng giúp trẻ giao tiếp không cần lời nói, mà chỉ dùng cử chỉ, nét mặt, hành động hay khả năng giao tiếp bằng mắt, khả năng bắt chước và chú ý vào người khác.
Kỹ năng tự điều chỉnh: Trẻ cần tự điều chỉnh mức độ cảm xúc, hành vi, sự chú ý của bản thân phù hợp với nhiệm vụ hay tình huống giao tiếp mà trẻ đang gặp.
Khả năng điều hành: Kỹ năng mà trẻ có thể tự suy luận và tư duy trong các tình huống giao tiếp khác nhau.
Lập kế hoạch và trình tự: Kỹ năng giúp trẻ có thể thực hiện nhiệm vụ hoặc hoạt động theo các bước đúng tuần tự để đạt được kết quả chính xác.
Biểu hiện của trẻ gặp khó khăn trong kỹ năng xã hội và tương tác:
Không sử dụng hoặc sử dụng rất ít khả năng giao tiếp bằng mắt, thường xuyên nhìn chằm chằm vào người đối diện một cách cố định.
Không thể luân phiên nói chuyện với người khác trong khi giao tiếp
Khó khăn với việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể thích hợp (ví dụ: đứng quá gần / xa với đối phương).
Không biết sử dụng các hình thức giao tiếp lịch sự và tử tế (ví dụ: làm ơn, cảm ơn, xin chào và tạm biệt).
Không thể bắt đầu và kết thúc cuộc trò chuyện một cách thích hợp. (Ví dụ bỏ đi khi đang nói chuyện hoặc giật lấy người bên cạnh để trò chuyện, có trẻ thậm chí tát người khác để thể hiện nhu cầu muốn trò chuyện)
Thường xuyên ngắt lời người khác.
Không thể duy trì một chủ đề và thường đưa ra những nhận xét không liên quan trong cuộc trò chuyện.
Lặp lại thông tin trong cuộc trò chuyện và có xu hướng chỉ nói về các chủ đề mà trẻ quan tâm (ví dụ: tàu hỏa, một chương trình truyền hình / người yêu thích) trong bất kỳ cuộc trò chuyện nào dù có liên quan hay không.
Thể hiện ít hoặc không quan tâm đến những gì người khác nói.
Diễn giải những gì mọi người nói theo nghĩa đen (ví dụ: khi mẹ nói “Con có thể mở cửa giúp mẹ không?” Đứa trẻ nói “có” mà không di chuyển đến cửa để mở ra).
Hay căng thẳng khi nói chuyện, tốc độ nói thường quá nhanh hoặc quá chậm với ngữ điệu lộn xộn.
Không thể hiểu các tông giọng khác nhau hoặc không hiểu các biểu cảm trên khuôn mặt.
Có xu hướng tiết lộ (quá mức) thông tin cá nhân cho những người không quen biết hoặc người lạ.
Không thể tự điều chỉnh hoặc sửa đổi ngôn ngữ của trẻ một cách thích hợp tùy theo tình huống giao tiếp.
Thiếu sự đồng cảm (tức là không thể hình dung được cảm giác trở thành người khác hoặc trong hoàn cảnh của họ).
Coi mình là trung tâm của mọi tình huống
Không hiểu được hậu quả trong hành động của mình.
Hậu quả nếu trẻ không phát triển kỹ năng xã hội và tương tác
Khi một đứa trẻ không phát triển được kỹ năng xã hội và tương tác ở mức tối thiểu, trẻ có thể sẽ tự cô lập bản thân trong thế giới của riêng mình và trở nên thu mình với người khác. Con cũng sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu và biểu đạt lời nói, suy nghĩ và ý kiến của mình trong một cuộc giao tiếp. Xa hơn nữa là khó khăn trong việc tương tác với xã hội, thực hiện các hoạt động vui chơi, học tập ở trường học hay kết bạn mới, trao đổi thông tin với mọi người.
Tuy sự phát triển về kỹ năng xã hội và tương tác của mỗi trẻ là khác nhau, nhưng trẻ vẫn cần đạt được những kỹ năng cơ bản khi đến một giai đoạn nhất định. Bố mẹ cần tìm hiểu kỹ về những kỹ năng xã hội và tương tác theo độ tuổi của con để có những hoạt động phù hợp giúp con phát triển bền vững và hoàn thiện kỹ năng này theo thời gian.