top of page

Lưu giữ cho con những ký ức ấu thơ


Bài đăng của thành viên Hoàng Ngọc trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Hôm nay cô Ngọc bổ cái smartphone của các mẹ ra, 128GB thì hết cả 128GB, 256GB cũng hết cả 256GB - toàn là ảnh và video của tụi nhỏ. Đúng nhận sai các mẹ cãi cho cô.


Phàm là tín đồ của phái Nghiện Con thì mẹ nào cũng vậy nhỉ! Mua điện thoại chỉ lăm le chọn loại có dung lượng bộ nhớ khủng một tí để có thể thoải mái quay chụp đám nhỏ. Ra đường chẳng may bị rớt hay bị trộm móc mất máy thì cái tiếc nhất cũng chỉ là video hình ảnh của con mà thôi.


Nhưng mình tin rằng rất ít người trong số chúng ta chủ động backup dữ liệu ảnh và video của con, vì lo xa rằng có một ngày chính mình bị móc mất điện thoại, hay đơn giản là chiếc máy đang dùng bình thường tự nhiên hỏng bất thình lình. Chính mình đã từng chủ quan như thế.


Từ năm 2018 sinh Tin đến nay mình đã thay 3 chiếc điện thoại rồi. Không phải là mình chủ động đổi điện thoại đời mới hơn, mà đáng buồn là mấy chiếc cũ đang dùng ổn đều lăn ra chết ngóm không một lời trăn trối, vô phương cứu vãn.


Khi chiếc điện thoại đầu tiên bị hỏng, làm mất hết ảnh và video của con giai đoạn sơ sinh (trừ những gì mình đã đăng lên Facebook), mình đổi điện thoại mới và bắt đầu nghĩ tới việc backup dữ liệu ảnh và video của con một cách nghiêm túc hơn.

Post ảnh và video con lên Facebook cài chế độ riêng tư là phương án khá ổn cho việc backup, nhưng mình không khuyến khích vì hai lý do: Một là tài khoản Facebook (dù hiếm khi) có thể bị bay màu; hai là mọi video và hình ảnh đăng lên Facebook đều sẽ bị giảm chất lượng.


Thay vì thế, mình dùng một chiếc ổ cứng di động WD Elements dung lượng 1TB (trên thị trường đang bán tầm 1 triệu 300k – 1 triệu 500k) và sao lưu tất cả ảnh cùng video của con qua đó.

Cẩn tắc vô áy náy, mình backup dữ liệu lên cả tài khoản Google Drive không giới hạn dung lượng. Google Drive bình thường có 15GB bộ nhớ Free, nếu mẹ nào không muốn phải bỏ tiền mua bộ nhớ thì cứ lập vài tài khoản email để backup dần ảnh và video con lên đó là được. 5-6 chiếc email là cũng đủ hòm hòm cho vài năm đầu đời của con rồi.


Dù có công cụ hỗ trợ đắc lực và tiện dụng như vậy, mình cũng vẫn luôn phải tự nhắc nhở bản thân rằng không được tham lam và lười biếng, lạm dụng công cụ khiến cho những thời khắc được kết nối với con trở nên thiếu chiều sâu. Camera điện thoại có thể chụp bắt khoảnh khắc rất nhanh, nhưng so với đôi mắt, đôi tai, đôi bàn tay, khối óc và trái tim non nớt của con trẻ thì chúng còn lâu mới có thể bì kịp.


Giả sử như một bức ảnh chụp cảnh con đang học nấu ăn có vẻ giá trị đấy, nhưng là giá trị với mẹ thôi. Nếu mẹ bỏ điện thoại xuống một lúc và thực sự hiện diện trong khoảnh khắc đó cùng con thì sao?


Đôi mắt của con nhìn thấy dáng mẹ ân cần, đôi tai con lắng nghe những lời mẹ chỉ bảo, đôi bàn tay con vụng về thực hành từng thao tác, cái mũi con hít hà mùi hương của hành tỏi phi thơm và thức ăn dậy mùi, bộ não non nớt của con dần hình thành những kết nối và ghi nhớ khoảnh khắc gắn kết cùng mẹ, trái tim non nớt của con cảm nhận được sự thân mật và niềm hân hoan…


Ký ức sâu đậm đó cùng với những tấm hình và video mẹ đã cẩn thận lưu trữ cho con sẽ còn theo con rất lâu sau này, gợi nhắc về thời ấu thơ đầy yêu thương bên gia đình, sưởi ấm cho con trong những ngày khó khăn, khắc nghiệt.


Vậy nên backup dữ liệu ảnh và video thời ấu thơ của con là một chuyện, nhưng quan trọng nhất là lấp đầy trí nhớ của con bằng những khoảng thời gian chất lượng bên bố mẹ mà không có sự can thiệp quá đà của smartphone các mẹ nhé

39 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page