Làm gì khi con đánh mình?
Con cắn mẹ một cái rõ đau vì mình ngăn cản con tóm đuôi chú mèo trong nhà
Con đá mẹ và lăn quay ra sàn nhà ăn vạ vì mẹ bảo đã hết giờ chơi rồi, chúng ta đi ngủ thôi
Con vô cớ đấm vào mắt mẹ rồi cười khanh khách khi mẹ hét lên vì đau
Những tình huống trên hẳn sẽ quen thuộc với nhiều bậc cha mẹ có con trong độ tuổi toddler - những em bé chập chững tập đi. Hành xử của chúng ta khi gặp phải điều đó có phải là hét lên, quát con hay thậm chí phết cho con vài cái cho chừa vì tội dám đánh mẹ?
Mình cũng từng như thế, từng ngay lập tức phết vào mông con vài cái vì quá đau khi bị con đấm vào mắt. Rõ ràng là mình không muốn đánh con, cũng chẳng có chủ đích đánh, nhưng cơn tức giận, cơn đau bùng lên khiến mình hành xử thiếu suy nghĩ trong một tích tắc đó.
Con ngay sau đó cũng thất thần, òa khóc tìm đến bố trong cơn hoang mang vì bị mẹ đánh. Bỏ lại mình trong ngổn ngang suy nghĩ vừa cắn rứt, vừa buồn, vừa lo lắng không biết phải xử lý việc con đánh mẹ như thế nào mới là phù hợp.
Nếu quát hay đánh con sẽ khiến trẻ tổn thương tinh thần và có thể tiếp tục lặp lại hành vi bạo lực một cách khó kiểm soát hơn thì việc lờ đi, không phản ứng khi con đánh cũng không chắc khiến con từ bỏ hành vi này.
Sau một quá trình tìm hiểu, thử nghiệm và đánh giá, mình đã tìm ra những cách làm giúp bố mẹ phản ứng tích cực và phù hợp hơn khi bị con đánh.
ĐIỀU ĐẦU TIÊN VÀ QUAN TRỌNG NHẤT: HÍT SÂU VÀ BÌNH TĨNH.
Hành trình nuôi dạy con rất dài, điều duy nhất mà chúng ta cần làm hàng ngày là luôn cố gắng bình tĩnh trong mọi tình huống để có thể đồng hành cùng con vì khi mất bình tĩnh mọi hành động của chúng ta có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc vô cùng. Mình thường hít sâu một đến ba lần để bình tĩnh sau đó mới xử lý các bước tiếp theo.
ĐIỀU THỨ HAI: GỌI TÊN CẢM XÚC CỦA CON.
Mình thực hiện bằng cách nắm lấy tay hoặc chân (bộ phận mà con sử dụng để đánh mẹ), gọi tên cảm xúc mà con đang có và nguyên nhân khiến con nảy sinh cảm xúc này. Để làm được điều này, bố mẹ cần quan sát tình huống cụ thể để xác định nguyên nhân trẻ đánh mình và có được câu nói phù hợp. Khi con tức giận vì bị ngăn cản làm điều gì đó,con muốn thu hút sự chú ý hay con muốn kiểm chứng phản ứng của bố mẹ? (Để hiểu rõ hơn phần này, bố mẹ có thể đọc thêm trong bài Vì sao trẻ đánh của chị Linh Phan).
ĐIỀU THỨ BA: CHỈ CHO CON THẤY CON NÊN LÀM GÌ
Những em bé của chúng ta còn rất nhỏ, con chưa thể suy nghĩ được như bố mẹ, con cũng chưa điều khiển được cảm xúc và hành vi của mình. Nên nhiệm vụ của bố mẹ là chỉ cho con biết điều nên làm ở trong những tình huống cụ thể là gì. Có thể hướng dẫn con hét lên thật to, đánh vào gối, ném những quả bóng vào giỏ hay đơn giản là chạy lại ôm mẹ thật chặt (với trường hợp con muốn thu hút sự chú ý từ mẹ). Cách làm càng cụ thể và hướng dẫn chi tiết từng bước sẽ giúp con cư xử đúng mực hơn khi gặp những điều tương tự trong tương lai.
ĐIỀU THỨ TƯ, CHO CON BIẾT BỐ MẸ CẢM THẤY THẾ NÀO
Trẻ con không bao giờ muốn làm đau bố mẹ của mình, con luôn muốn được yêu thương bố mẹ trong mọi tình huống. Nên hãy nói với con về cảm giác của bố mẹ khi bị con đánh. Hãy nói với con rằng, con làm như vậy sẽ khiến mẹ bị đau, và con cũng bị đau. Mình có nhiều cách khác để thể hiện cảm xúc của con, và mẹ sẽ hướng dẫn con. Việc này giúp con hình dung và cảm nhận được cảm giác của người khác dẫn đến những tác động tích cực với hành vi của trẻ.
ĐIỀU CUỐI CÙNG, THỪA NHẬN CẢM XÚC CỦA CHÍNH MÌNH
Điều này mình muốn dành cho những bậc cha mẹ đã lỡ quát con hay đánh con vì không kiềm chế được cảm xúc của bản thân. Thực sự thì, chúng ta cũng là những người bình thường và cũng có những cảm xúc tức giận, buồn bực như trẻ nhỏ. Chúng ta không nhất thiết phải luôn luôn giữ vững hình tượng “bố mẹ thiên thần” trong mắt trẻ, mà thừa nhận cảm xúc của chính mình với trẻ lại là cách tốt hơn. Để trẻ biết rằng, tức giận hay buồn bực là một điều rất bình thường, ai cũng gặp và trải qua dù là trẻ con hay người lớn.
Quay lại câu chuyện của chính mình, sau khi trải qua một hỗn độn những cảm xúc, mình quyết định đi đến chỗ con và xin lỗi con vì đã đánh con. Mình thừa nhận rằng hôm đó mình cũng đã rất mệt, và mình nói rằng mình hiểu con không cố ý làm như vậy. Mình hỏi con rằng có thể ôm nhau một cái được không? Sau một vài giây lưỡng lự thì con đồng ý. Con nói con yêu mẹ, và xoa nhẹ lên chỗ mắt mình như cách mình đang xoa nhẹ lên mông con.
Trẻ nhỏ là vậy, chúng có thể chưa học được hết cách để xử lý cảm xúc hay bày tỏ suy nghĩ. Đánh, cắn hay đá bố mẹ là để thể hiện những cảm xúc và suy nghĩ của con. Muốn con hành xử đúng, hãy chỉ dẫn cho con, đừng đòi hỏi con tự biết. Mong rằng, chúng ta - những bậc cha mẹ an nhiên - sẽ luôn bình tĩnh trước những sóng gió mà thiên thần của mình mang đến. Vì chút nữa thôi, chúng sẽ lớn nhanh như thổi mà chẳng cần chúng ta dạy dỗ thêm nữa.