Làm thế nào để mẹ sau sinh đủ sữa cho con?
Khi đã làm mẹ, ai cũng mong muốn dành cho con dòng sữa ngọt ngào của tình mẫu tử. Sữa mẹ không những cung cấp dinh dưỡng để con lớn lên từng ngày mà còn bảo vệ con những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, đối với những người mới làm mẹ, không gì căng thẳng hơn là không đủ sữa cho con. Dường như mọi tiếng khóc của con đều quy về nỗi lo con không bú đủ sữa.
Dưới đây là những cách giúp mẹ vượt qua những khó khăn trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ.

Cho con bú đúng khớp ngậm - chìa khóa nuôi con sữa mẹ thành công
Cho con bú là bản năng của các bà mẹ. Tuy nhiên không phải mẹ nào cũng biết cách cho con bú đúng. Vì vậy, việc đầu tiên các mẹ cần làm là cho con bú đúng khớp ngậm - chìa khoá nuôi con bằng sữa mẹ thành công. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy con đang bú đúng:
Miệng há to, 2 môi con trề
Cằm con chạm ngực mẹ
Mũi hở
Con ngậm quầng vú chứ không chỉ ngậm núm vú. Con sẽ ngậm quầng vú dưới nhiều hơn quầng vú trên
Lưỡi con le ra, phủ phần nướu dưới
Việc bú đúng khớp giúp con nhận đủ lượng sữa con cần, tránh tình trạng sặc sữa. Ngoài ra, nếu con bú không hiệu quả, sữa còn dư trong ngực, cơ thể sẽ nhận tín hiệu và điều chỉnh theo nhu cầu làm giảm lượng sữa, về lâu dài có thể gây giảm sữa.
Cho con bú ngay sau khi sinh và tích cực cho con bú mẹ
Việc cho con bú ngay giúp con hưởng được trọn vẹn dòng sữa non rất nhiều dinh dưỡng và kháng thể. Lượng kháng thể tự nhiên dồi dào trong sữa non giúp em bé sơ sinh chống lại nguy cơ nhiễm trùng và bảo vệ con trước các tác nhân gây hại từ môi trường.
Có một số sai lầm phổ biến như sau:
Cho con bú sữa công thức sau sinh vì nghĩ sữa chưa về. Thực tế, sữa non được sản xuất từ tam cá nguyệt thứ 2 trong thai kỳ (khoảng tuần thứ 28). Khi con chào đời, trong bầu vú mẹ đã có sẵn sữa non cho con bú.
Nhiều mẹ hay lầm tưởng ngực mềm, ngực nhỏ là ít sữa. Theo nguyên lý, sữa mẹ sản xuất theo nhu cầu. Con bú mẹ càng thường xuyên hoặc mẹ hút sữa càng nhiều lần, thì sữa tiết ra càng nhiều. Việc tích cực cho con bú sẽ giúp mẹ nhanh chóng có nguồn sữa ổn định cho con.
Stress có thể gây mất sữa
Những cơn đau sau sinh, áp lực lần đầu làm mẹ, thay đổi nội tiết tố, biến đổi cơ thể sau sinh… có thể khiến mẹ căng thẳng, lo lắng và nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến trầm cảm.
Về lâu dài, những vấn đề này có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng tiết sữa của cơ thể. Nguyên nhân là do hoóc môn prolactin (hóc môn tạo sữa) và oxytocin (hoóc môn bài xuất/tống đẩy sữa) tiết ra ít hơn.
Vì vậy, những gì mẹ nên làm là luôn giữ tinh thần thoải mái, tin tưởng vào bản năng làm mẹ cũng như khả năng nuôi con bằng sữa mẹ của mình.
Để tinh thần luôn thoải mái, các mẹ có thể áp dụng một số cách mình hay thực hiện:
Nhờ sự giúp đỡ của người thân. Mình hay nhờ chồng trông giúp con, thay bỉm đêm cho con để tranh thủ ngủ.
Thường xuyên tâm sự với chồng hoặc bạn thân về những khó khăn mình đang gặp phải.
Ưu tiên làm những việc quan trọng trước. Sẽ không ai trách mẹ khi nhà cửa hơi bề bộn, chén bát chưa rửa, áo quần chưa giặt,… Vì việc chăm bé thôi cũng khiến mẹ đủ vất vả rồi.
Luôn luôn suy nghĩ tích cực. Vẫn biết sữa mẹ là tốt nhất cho con, nhưng không phải ai cũng có khả năng có đủ sữa cho con. Mình đã có cơ hội gặp các mẹ ở phòng khám nhũ, có những mẹ có vấn đề về tuyến vú phải uống thuốc tiêu sữa ngay khi mới sinh xong. Vì vậy, mẹ không nên tự trách móc bản thân. Dù nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa công thức thì mẹ cũng đã dành những điều tốt nhất cho con.
Nghe nhạc và hát hoặc trò chuyện với con có thể giúp mẹ thư giãn, giúp phóng thích hóc môn oxytocin (hóc môn tống đẩy sữa mẹ).
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng giúp mẹ nhanh chóng phục hồi sớm và có sức khỏe tốt để chăm sóc con.
Nhưng thực tế là các mẹ vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ quan niệm ở cữ truyền thống như:
Ăn quá nhiều chất bổ dưỡng và được truyền miệng là “lợi sữa” như chân giò, xôi nếp... Những món ăn “lợi sữa" này chưa chắc đã lợi sữa, nhưng hậu quả là thân hình mẹ càng trở nên "màu mỡ" và mẹ lại đau đầu tìm phương pháp giảm cân.
Ăn uống kiêng khem, ăn những món khô khan như thịt, cá kho khô, kiêng trái cây, kiêng ăn canh,... dễ gây nên tình trạng táo bón và thiếu chất cho các mẹ sau sinh. Mẹ nên ăn uống đa dạng, cân bằng các nhóm chất đạm, tinh bột, chất xơ và chất béo lành mạnh.
Uống không đủ nước: Hãy lắng nghe cơ thể để uống đủ nước theo nhu cầu. Lượng nước có thể đến từ nước lọc, và từ chế độ ăn như canh, súp, cháo, các loại rau và trái cây. Đặc biệt, uống 1 ly nước ấm trước khi cho con bú 30 phút sẽ kích thích sữa về nhanh hơn.
Cuối cùng, điều mình muốn nhắn nhủ đến các mẹ sữa là hãy thật tin tưởng ở con cũng như khả năng của bản thân. Chúc các mẹ có một hành trình nuôi con bằng sữa mẹ thật ý nghĩa.