Lớp Một A-Z

Xin chào!
Lẽ ra tháng Tám này nhóm An Nhiên Làm Cha Mẹ - Ươm Hạt Mầm Yêu Thương sẽ tổ chức buổi workshop “Đồng hành cùng con vào lớp Một”, nhưng vì lý do bất khả kháng nên workshop buộc phải hủy. Thực sự áy náy và tiếc nuối vô cùng. Để bù đắp, mình xin chia sẻ thông tin dưới dạng bài viết đến các mẹ. Những thông tin này không chỉ cần thiết đối với các phụ huynh có con ở độ tuổi 5-6, mà còn hữu ích với cả phụ huynh có con nhỏ hơn, bởi một số kỹ năng nếu được cha mẹ trau dồi từ sớm, hành trình vào tiểu học của con sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều.
Chúng mình đã làm khảo sát nhỏ phỏng vấn một số cô giáo đang công tác tại trường công và tư về hai nội dung chính:
Các khó khăn trẻ thường gặp khi vào lớp Một.
Những kỹ năng cha mẹ cần trang bị cho con trước khi vào lớp Một.
Bài viết tổng hợp từ tất cả các câu trả lời.
Những khó khăn của trẻ khi vào lớp Một
1. Về tâm lý
Trẻ bỡ ngỡ khi chuyển sang môi trường mới, sự bỡ ngỡ này thể hiện ở ba khía cạnh cơ bản:
+ Trẻ cần phải thích nghi với trạng thái "con phải làm" thay vì "con muốn/ nên làm". Ở mẫu giáo, các con có thể được lựa chọn giữa việc làm hoặc không làm điều gì đó, nhưng lên lớp Một trẻ sẽ phải thực hiện một số nhiệm vụ dù muốn hay không. Việc này khiến nhiều trẻ cảm thấy khó chịu.
+ Môi trường mới, giáo viên mới, bạn bè mới, nếp sinh hoạt mới… có thể khiến trẻ cảm thấy bị xáo trộn.
+ Thời gian học dài hơn, thời gian chơi ít hơn, cộng thêm việc phải làm bài tập về nhà khiến trẻ thấy mệt và căng thẳng.
Không phải em bé nào cũng đủ tự tin khi chuyển từ mẫu giáo sang tiểu học, đặc biệt là những trẻ nhạy cảm. Nếu ở mẫu giáo các con được các cô yêu chiều, vui chơi chiếm phần lớn thời gian, vô cùng thoải mái, thì vào Tiểu học trẻ sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như thời gian học gò bó hơn, áp lực phải tuân thủ kỷ luật và không được chăm sóc cẩn thận từng li từng tí như trước nữa.
Một số trẻ quá nhạy cảm có thể gặp xáo trộn tâm lý nghiêm trọng trong các tình huống như bố mẹ đến đón muộn (cảm thấy bị bỏ rơi), bị bạn trêu chọc, mắc lỗi khi học bài… Trẻ bất lực, không biết xử lý như thế nào ngoài khóc, đánh lại bạn thay vì giải quyết bằng đàm phán. Điều này gây ức chế tâm lý cho trẻ, khiến trẻ chán ghét lớp học.
2. Thiếu kỹ năng cơ bản:
- Trẻ chưa có thói quen giơ tay phát biểu ý kiến hoặc khi có nhu cầu cần giải quyết.
- Trẻ thiếu kỹ năng tự phục vụ như: ăn uống, tự thay quần áo, sắp xếp sách vở vào balo, cất sách vở ở đúng ngăn, kiểm tra sách vở & đồ dùng học tập trước khi về… Lên tiểu học, lớp sẽ chỉ có 1-2 cô giáo phụ trách cả lớp nên việc trẻ chưa thể tự lập sẽ gây nhiều khó khăn cho cả cô và chính bản thân trẻ.
- Khó tập trung và ngồi yên tại chỗ trong khoảng thời gian 35 - 40 phút.
3. Khó khăn về tính kỷ luật:
- Trẻ thiếu khả năng kiềm chế bản thân dẫn đến các biểu hiện quá khích làm ảnh hưởng môi trường chung như: nóng nảy, xô xát với bạn, khóc lóc, chạy lung tung và la hét…
- Chưa biết chấp hành những nội quy của lớp.
4. Về kiến thức cơ bản
- Trẻ chưa nhận biết số, cộng trừ trong phạm vi 10.
- Trẻ chưa biết mặt chữ, cách cầm bút và viết. Điều này gây cho trẻ sự lúng túng, sợ, mất tự tin trong việc học.
Từ những khó khăn trên, các giáo viên gợi ý phụ huynh những điều cần thiết để trang bị cho trẻ như sau.
Những kỹ năng cha mẹ cần trang bị cho con trước khi vào lớp Một.
1. Về mặt tâm lý:
- Nói chuyện với con về việc lên lớp Một một cách thẳng thắn và trung thực. KHÔNG dọa nạt, không gây tâm lý lo lắng cho con. Cha mẹ cần phải lưu ý để phân biệt giữa khích lệ và dọa dẫm. Ví dụ: chúng ta sẽ không nói những câu như “lên lớp Một mà không ăn nhanh thì các bạn sẽ ăn xong trước rồi bỏ con lại một mình đấy; không viết đẹp là cô sẽ phạt đấy v.v…” Những câu nói đó không giúp con làm mọi thứ nhanh hơn mà chỉ khiến con cảm thấy “lớp Một” là một nơi thật đáng sợ.
- Cho con xem video, hình ảnh về ngôi trường mới (nếu có); kể cho con nghe những điều thú vị ở ngôi trường mình chuẩn bị học (sân chơi rộng, nhiều cây v.v...). Dẫn con đến tham quan trực tiếp.
- Chuẩn bị những thứ cần thiết cho con như ( bút chì, tẩy, vở,...)
- Gây dựng trong trẻ niềm tin với bố mẹ và nhà trường, cho trẻ cảm giác an toàn, được bảo vệ.
2. Về kỹ năng sống:
- Sự tự tin, chủ động. Thực ra đây là những giá trị/ kỹ năng mà cha mẹ cần trao cho con ngay từ khi còn nhỏ chứ không phải đợi đến khi vào tiểu học. Có thể nói, tự tin và chủ động chính là nền tảng để con thích nghi với mọi hoàn cảnh muôn màu muôn vẻ trong cuộc sống, khi mà con không có người thân bên cạnh để hỗ trợ.
- Giao tiếp, bày tỏ quan điểm, nói ra nhu cầu. Nếu trẻ quá nhút nhát và điều này diễn ra thường xuyên, lâu dần sẽ khiến con không dám nói lên những thắc mắc và suy nghĩ của mình với thầy cô. Phụ huynh cần kiên nhẫn lắng nghe, khích lệ con nói ra ý kiến, tăng cường giao tiếp với những người xung quanh để luyện diễn đạt và có được tự tin trong các mối quan hệ.
- Thích nghi, làm quen, nói chuyện với các bạn; làm việc nhóm, đoàn kết, chia sẻ. Cha mẹ có thể giúp trẻ có được các kỹ năng này bằng cách thường xuyên đưa con ra khu vui chơi, giao lưu hội nhóm, các lớp học ngoại khóa hoặc thực hành với chính anh chị em trong gia đình, họ hàng.
- Rèn thói quen tuân thủ thời gian, không trễ giờ. Đặc biệt, trẻ cần đi học đúng giờ nên cha mẹ phải điều chỉnh lịch sinh hoạt phù hợp để đảm bảo con có thể ngủ đủ, tránh trạng thái mệt mỏi khi phải dậy sớm và/ hoặc thiếu ngủ.
- Nếu con học bán trú ba mẹ cần tập cho con các kỹ năng tự phục vụ cơ bản như: tự mặc quần áo, tự xúc đồ ăn, tự bảo quản đồ dùng học tập… Lên lớp Một rồi, con sẽ không được các cô chăm sóc như lúc đi mẫu giáo nữa.
- Luyện khả năng tập trung và ngồi một chỗ trong khoảng 30-40 phút. Đây là điều không hề dễ dàng với trẻ, nhưng lại bắt buộc khi con vào lớp Một. Bởi vậy, cha mẹ có thể bắt đầu bằng những bài tập nhỏ, các hoạt động như vẽ, tô màu, cắt dán, thậm chí là khi con xem hoạt hình trên thiết bị điện tử hay bất kỳ việc gì con thích. Hãy yêu cầu con làm những việc này tại góc học tập, bắt đầu bằng 10 phút rồi tăng dần lên. Theo kinh nghiệm của cá nhân mình, càng bắt đầu sớm, con càng dễ tập trung.
3. Về kiến thức cơ bản
Giúp con:
- Nhận biết mặt chữ, số.
- Thực hiện các phép cộng đơn giản trong phạm vi 10.
- Biết cách cầm bút, sử dụng các đồ dùng học tập.
Một số phụ huynh không muốn cho con học trước, mình cũng là người có quan điểm “không học trước”. Tuy nhiên, việc cho con làm quen với số trong phạm vi 10 và bảng chữ cái không phải là dạy những kiến thức cao siêu to tát gì cả, mà đó chỉ là kiến thức cơ bản giúp con thích nghi, làm quen nhanh hơn thôi.
Một số lưu ý khác
1. Về đồ dùng học tập:
- Sách giáo khoa: Chương trình lớp Một hiện nay thường xuyên được cập nhật và thay đổi, không thống nhất ở tất cả các trường, bố mẹ nên đặt mua sách giáo khoa ở trường con học hoặc đợi có thông báo chính thức về bộ sách của con sẽ học mới mua, tránh lãng phí vì mua nhầm.
- Chuẩn bị đầy đủ những đồ dùng theo yêu cầu của nhà trường hoặc hướng dẫn của giáo viên.
2. Phụ huynh nên cung cấp mọi thông tin liên quan đến tính cách, thói quen, t.â.m l.ý của trẻ cho giáo viên để các cô dễ tiếp cận cũng như biết cách hỗ trợ con được tốt hơn. Bên cạnh đó, giáo viên cũng khuyến khích cha mẹ thường xuyên trao đổi để cùng phối hợp trong việc dạy trẻ.
Mong rằng các thông tin trên hữu ích với cha mẹ. “Hiểu người, hiểu mình” sẽ giúp hành trình được thuận lợi, không chỉ ở lớp Một, mà còn cho cả 12 năm đèn sách trong tương lai.
Thân ái!
(Ảnh: từ Canva)