top of page

LÀM CHA MẸ CÓ ĐƯỢC PHÉP SAI?

Đã cập nhật: 10 thg 6, 2022

Tác giả: Tôn Nữ Ngọc Hân


Bạn có biết một người sẽ mất bao lâu để trở nên chuyên nghiệp trong một ngành nghề nào đó?

1 năm, 2 năm hay 5 năm, 10 năm?

Câu trả lời có thể sẽ khiến bạn giật mình: chúng ta cần ít nhất 20 năm để làm điều đó! Tại sao ư?

Chúng ta mất 3 năm mẫu giáo (Mầm, Chồi, Lá) để chuẩn bị các kỹ năng mềm trong giai đoạn Tiền tiểu học.

12 năm phổ thông, ngồi mòn ghế trường lớp để học tập những kiến thức xã hội, khoa học nền tảng cơ bản.

4 năm đại học với muôn vàn kiến thức chuyên ngành để có tấm bằng cử nhân - chứng nhận đủ điều kiện kiếm tiền từ ngành đó.

Chưa hết, 1 năm đầu đi làm, chúng ta ngơ ngác, bỡ ngỡ với cuộc sống tự lập, bán sức lao động của chính mình để đổi lấy chén cơm mà thỉnh thoảng chan cả nước mắt tủi hờn.

Sau chừng đó thời gian, phải chăng, chúng ta mới gọi là đủ kinh nghiệm để làm việc trong Ngành nghề nào đó!


Giờ hãy nói về một nghề đặc biệt, NGHỀ LÀM CHA MẸ:


Cần bao lâu để đào tạo chuyên nghiệp?

Có giáo trình, giáo án từ cơ bản đến chuyên sâu nào không?

Có ai đủ tự tin vỗ ngực xưng tên “Tôi là giáo sư chuyên ngành “Làm cha, làm Mẹ” không?

Câu trả lời chắc cha mẹ nào cũng rõ.

Chúng ta bắt đầu hành trình làm cha mẹ khi và chỉ khi đứa con bé bỏng của chúng ta cất tiếng khóc chào đời mà không được qua một trường lớp đào tạo nào trước đó.

Chính vì thế, làm cha mẹ đồng nghĩa với việc vừa học, vừa làm. Sai đâu, sửa đó, chỗ nào chưa đúng thì lục lọi sách vở, hỏi thăm kinh nghiệm của người trước để điều chỉnh lại nhận thức của bản thân. Trong quá trình làm “nghề” ấy, nhận thức của chúng ta cũng phát triển song hành với đứa trẻ vừa chào đời đang khóc oe oe kia.


Vậy quá trình thay đổi nhận thức của cha mẹ có giống của trẻ không?


Nhà Tâm lý học về Phát triển Nhận Thức nổi tiếng Jean Piaget phát biểu rằng: Giai đoạn từ 0-2 tuổi, trẻ học hỏi nhận thức xã hội thông qua 2 quá trình là Đồng Hoá và Điều Ứng.

  • Khi trẻ được cha mẹ chỉ con chó, bé sẽ tự tạo ra khái niệm: con vật 4 chân là con chó. Trong một lần khác, trẻ thấy con mèo cũng có 4 chân, trẻ sẽ vẫn gọi là “con chó”. Đó là quá trình Đồng Hoá, khi những khái niệm có được hình thành trong trí nhớ của bé.

  • Khi chúng ta giúp con điều chỉnh lại khái niệm bằng cách nói: “À không, con chó sẽ sủa gâu gâu, còn con này là con mèo, nó kêu meo meo”, nghĩa là ta đang giúp con hình thành thêm khái niệm mới: con vật có 4 chân, kêu “meo meo” là con mèo, còn kêu “gâu gâu” là con chó. Đây chính là quá trình Điều Ứng.

Vậy làm cha mẹ có quá trình Đồng Hoá và Điều Ứng này không?

Quan điểm cá nhân tôi là CÓ.

Khi con mới chào đời, hầu hết các cha mẹ đều được hướng dẫn rằng: “Khi con khóc là đói, phải cho bú ngay đi”. Vậy nên cứ thấy con khóc, phản xạ đầu tiên của cha mẹ là lập tức cho con bú. Đó cũng là quá trình Đồng Hoá ở người làm cha mẹ.

Tuy nhiên, khi trẻ dần lớn hơn, chúng ta bắt đầu nhận ra không phải mỗi lần con khóc thì đều có nghĩa là con đang đói. Mỗi tiếng khóc của trẻ mang một thông điệp riêng mà con muốn truyền đạt tới ta. Nó có thể mang ý nghĩa “con đói”, “con đau”, “con bị ướt bỉm”, “con muốn chơi”,.. Từ từ qua thời gian, chúng ta nhận biết được cách xử lý từng trường hợp riêng. Đó là quá trình Điều Ứng ở người làm cha mẹ.

Cứ như vậy mỗi ngày, các hoạt động Đồng hoá và Điều Ứng ở em bé và ở cha mẹ liên tục diễn ra để dần tiến tới sự cân bằng trong nhận thức của mỗi người.


Chúng ta có thể rút ra kết luận gì từ hiểu biết này?


Như việc ta không nên đổ lỗi, dán nhãn “quậy phá”, “thiếu kiểm soát cảm xúc” cho con khi có một hành vi chưa đúng mực, xin bạn cũng đừng đổ lỗi cho bản thân mình là “không biết dạy con”.

Mọi sai lầm đều là quá trình cần phải có để trưởng thành đúng nghĩa. Bạn có mắc sai lầm và biết sửa thì mới biết thế nào là đúng đắn. Nhờ có những gì bạn không biết mới kích thích bạn học hỏi nhiều hơn. Hãy nhìn mọi việc dưới góc độ thoáng hơn để con đường đi của mẹ và con bớt chông gai hơn và thú vị hơn.

Thương gửi năng lượng bình an đến những người cha, người mẹ!


21 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page