top of page

LÀM GÌ KHI CÀNG GIẢI THÍCH CON CÀNG "ĂN VẠ"?

Bài đăng của thành viên Thanh Ha Tran trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Một buổi chiều đẹp trời, mình cho Nhím (con gái mình) xuống nhà chơi. Hai mẹ con dự định xuống trượt patin một chút với thầy cô, rồi mẹ sẽ hỗ trợ Nhím trượt patin đến chỗ đài phun nước để xem. Đúng như kế hoạch, sau khi tập với thầy cô một lúc, Nhím theo mẹ đến đài phun nước, nhưng đến nơi thì đài phun nước không phun, đáng buồn hơn là thậm chí còn không có một chút nước nào trong bể cả. Nhím bắt đầu khóc ăn vạ:

"Nhưng con muốn đài phun nước có nước, con muốn bạn ấy phun nước cơ!!!!"


Bạn có thấy mong ước này của Nhím buồn cười và vô lí theo cách nhìn của người lớn chúng ta không??? Nếu bạn vẫn thấy nó bình thường thì thử nghe thêm câu chuyện này của mình nhé.

Sáng thứ Hai, Nhím thức giấc và hỏi mẹ: "Mẹ ơi, thức dậy là thứ mấy ạ?". Mẹ ôm Nhím rồi trả lời: "Hôm nay là thứ 2, mình dậy đi học con nhé". Mình vừa dứt lời, Nhím lăn ra ăn vạ:

"Khôngggggggg, con muốn hôm nay là Chủ Nhật cơ...."


Giờ thì bạn có thấy nó buồn cười và phi lý không? Với mình thì những lí do ăn vạ này của Nhím thật là vô lý quá sức luôn. Không dưng lại đòi bể có nước khi nó không có nước, không dưng lại muốn thứ Hai biến thành Chủ Nhật!!!

Là một người lớn, mình hiểu rằng, các cô lao công đang dọn bể, nên cô rút hết nước ra rồi; là một người lớn, mình hiểu rằng, khi một ngày qua đi thì không thể quay lại được, và mình không cho phép bản thân "không" hiểu nhưng điều có logic đó, bởi đơn giản, những điều đó, là có lý. Nhưng với Nhím, những điều đó có gì là vô lý, mà thực ra là Nhím cũng không quan tâm đến việc nó vô lý hay có lý, Nhím chỉ quan tâm và muốn bộc lộ việc bản thân đang cảm thấy khó chịu và muốn mọi thứ phải như những gì mà con mong đợi.


Những mong cầu vô lý của Nhím từ đâu mà có và khi đối mặt với những tình huống như thế bố mẹ nên làm gì, trước hết, hãy cùng mình tìm hiểu về cấu tạo của bộ não và cách nó tác động đến những hành vi này nhé.

Trong cuốn sách "The Whole Brain Child", tác giả Deniel J. Siegel có đề cập đến bộ não với rất nhiều phần khác nhau, trong đó có chương nói về Left Brain (Não Trái) và Right Brain (Não Phải). Ông chỉ rõ: "Não trái yêu thích về chi tiết, trật tự, logic, ngôn từ (words); trong khi đó, não phải quan tâm đến tính tổng thể, phi ngôn ngữ - ý nghĩa và cảm xúc của trải nghiệm, thể hiện ở hình ảnh, cảm xúc, và những kí ức của bản thân. Về mặt phát triển, trẻ nhỏ trong giai đoạn từ 0-3 tuổi phát triển mạnh về bán cầu não phải. Chúng chưa hiểu logic và chưa biết cách sử dụng ngôn từ để miêu tả về cảm xúc cũng như mong muốn của mình. Với trẻ, sự "có lí", tính trách nhiệm và thời gian không hề tồn tại. Khi những đứa trẻ ấy bắt đầu với câu hỏi "Tại sao?" - đó chính là dấu hiệu cho chúng ta thấy não trái của chúng bắt đầu hoạt động. Lí tưởng nhất là khi chúng ta giúp con dần sử dụng được cả 2 bán cầu não và giúp chúng hoạt động phối hợp trơn tru với nhau khi đối diện với một sự kiện nào đó.


Hiểu được điều này giúp được gì cho chúng ta trong tình huống mà mình nêu trên và chúng ta cần làm gì để có thể giúp con?

Nếu trong trường hợp đó, mình sử dụng tư duy logic của một người lớn và ra sức giảng giải cho con về việc các cô lao công đang dọn dẹp nên cô phải rút hết nước ra hay nói cho con hiểu hôm qua là Chủ Nhật rồi nên giờ thức dậy phải là thứ Hai, không thể quay lại được ngày hôm qua bla bla thì đồng nghĩa với việc mình đang yêu cầu con sử dụng "não trái" - việc quá sức với con lúc này. Việc con tiếp tục ăn vạ, la hét khi bố mẹ càng cố giải thích là việc hoàn toàn dễ hiểu. Con không hiểu mình nói gì, cũng không quan tâm đến điều đó. Thay vào đó, bố mẹ nên:

Bước 1: Connect with the Right (Kết nối với não phải của con). Kết nối để đưa con về trạng thái cân bằng.

Để kết nối được với "não phải" của con, bố mẹ hãy sử dụng "não phải" của mình nhé. Hãy ngồi xuống ngang với tầm mắt của con, ôm con hay xoa lưng con, nhìn con và nói chuyện về những gì con đang cảm nhận (chứ không phải giải thích nhé).

Ví dụ, mình hay vừa xoa lưng Nhím và nói: "Buồn ghê Nhím nhỉ, mẹ với Nhím ra đây chỉ để xem phun nước mà lại không thấy tí nước nào. Mẹ khó chịu ghê ấy. Nhím cũng thế phải không. Ước gì giờ có nước để mình xem với cho tay mình vào nước nhỉ.". Mình cứ lải nhải như thế cho đến khi thấy Nhím có vẻ bắt đầu bình tĩnh và chấp nhận hơn, xong tiếp tục nói những gì vui vui và trẻ con hơn một chút, như là: "Bạn nước ơi, bạn ra đầy bể cho Nhím đi mà, Nhím đang chờ bạn đây này. Nước ơi, nước ơiii".

Trong trường hợp khi mẹ cất lời mà em bé vẫn tiếp tục lèo nhèo khóc lóc ăn vạ thì tốt nhất mẹ nên dừng lại không nói gì nữa. Con cũng cần có chút thời gian để tự trấn an mình. Mẹ chỉ cần xoa lưng (hoặc không, tuỳ bé) và nhắn nhủ con, ví dụ: "Okay, Nhím khóc nốt đi nhé. Bao giờ Nhím khóc xong thì bảo mẹ nhé!" và im lặng cho đến khi con không còn khóc nữa.


Bước 2: Redirect with the left (Điều hướng hành vi).

Lưu ý, bạn chỉ nên chuyển sang bước 2 khi chắc chắn rằng mình đã thực sự kết nối và đưa được con về trạng thái cân bằng. Đừng vội, đừng đốt cháy giai đoạn, thậm chí bạn có thể để mấy hôm sau nói lại việc này cũng được. Còn như thế nào là biểu hiện của việc con đã trở về trạng thái cân bằng thì tuỳ bé. Bố mẹ cứ làm rồi sẽ cảm nhận được thôi ạ. Không phải cứ con không khóc nữa, không ăn vạ nữa là cơn "bão táp" đã qua đâu. Và cũng không hẳn con còn rên rỉ ỉ ôi có nghĩa là con vẫn đang ngập tràn trong cơn lũ cảm xúc đâu ạ, nhiều lúc bạn ý cứ thích kiểu thế thôi, nhưng bố mẹ giải thích thì lại lắng nghe đó.

Ở bước này, bố mẹ bắt đầu đưa các thông tin logic vào để giải thích cho con hiểu về hoàn cảnh, để con phát triển dần về tư duy logic của mình, đồng thời điều chỉnh các hành vi chưa tốt của con. Như mình đã nói, bố mẹ không cần quá vội vàng chuyển sang bước 2, nhưng cũng nên lưu ý là không được bỏ qua bước này. Cảm xúc có thể chấp nhận, nhưng hành vi thì nên điều chỉnh. Không thể vì con chưa phát triển tư duy logic để hiểu vấn đề, vì con đang bị cơn lũ cảm xúc cuốn trôi, mà tất cả các hành vi của con đều được chấp nhận. Con cũng cần học cách tôn trong người khác nữa chứ!


Bố mẹ thử áp dụng nhé. Và đừng mong cầu rằng mọi thứ dễ dàng như mình viết. Làm cha mẹ là cả một nghệ thuật và bố mẹ là những người nghệ sĩ đó ạ ^^

26 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page