Làm gì khi con BỊ bắt nạt?
Xô xát hay bắt nạt ở trẻ dưới 6 tuổi không dễ phân biệt vì trẻ còn quá nhỏ. Đôi khi hành động trông giống như là bắt nạt những thực chất chỉ là xô xát. Nếu người lớn đọc sai các dấu hiệu dẫn đến sự can thiệp không phù hợp có thể phá vỡ quá trình học hỏi kĩ năng xã hội của trẻ. Vậy thì xô xát và bắt nạt khác nhau ở điểm nào? Chúng ta nên làm gì trong mỗi trường hợp đó?

1 - Xô xát
Xô xát thường xảy ra ngẫu nhiên với tất cả các trẻ trong quá trình tương tác với nhau. Ví dụ: Bạn A và bạn B tranh giành một món đồ chơi, bạn A đẩy bạn B ngã và lấy món đồ. Hành động này được cho là xô xát khi bạn A làm như vậy với tất cả các bạn khác mỗi khi muốn giành đồ chơi, chứ không phải với riêng bạn B. Chủ đích của việc bạn A đẩy bạn B là muốn lấy món đồ, chứ không phải để thao túng hay cố tình gây tổn thương cho bạn B.
Xô xát là quá trình học hỏi tự nhiên ở trẻ và thường người lớn không cần can thiệp gì quá nhiều, nhất là phía phụ huynh của bạn B. Mỗi trẻ sẽ có cách giải quyết xô xát khác nhau và chúng sẽ chọn cách mà chúng thấy thoải mái nhất. Không phải lúc nào dám giành lại đồ chơi hay ăn miếng trả miếng với bạn mới là tốt, là có chính kiến, là mạnh mẽ. Ngay cả khi trẻ bỏ đi chơi thứ khác, chỉ đứng khóc, hay chạy đi cầu cứu người lớn cũng là trẻ đang có chính kiến và đáng được tôn trọng, giúp đỡ. Cha mẹ không cần lo lắng hay cố gắng dạy trẻ phản ứng theo hướng trái ngược với tính cách của trẻ. Trong trường hợp này, khi bạn cố ép con vào một chuẩn mực nào đó, vô tình chính bạn đang phủ nhận chính kiến của con. Thay vào đó, hãy chia sẻ và đồng cảm với cảm xúc mà con gặp phải khi xô xát.
Trường hợp cần can thiệp là khi:
- Con cầu cứu sự giúp đỡ từ bố/ mẹ hay người chăm sóc.
- Có sự chênh lệch lớn giữa các bé về sức khoẻ, tầm vóc, tuổi tác; khiến một (hoặc vài) bé có thể gặp tổn thương hoặc nguy hiểm.
2 - Bắt nạt:
Bắt nạt khác với xô xát ở chỗ bắt nạt có mục tiêu nạn nhân cụ thể và thường xuyên lặp đi lặp lại với mục đích thao túng và gây tổn thương. Ví dụ: Bạn A thường xuyên giật đồ chơi của bạn B và đẩy bạn B ngã, nhưng không làm thế với các bạn khác hoặc không làm thế khi có người lớn xung quanh. Bạn A thường bắt bạn B làm theo ý mình, nếu không sẽ doạ nạt, đánh hoặc cô lập bạn B.
Nếu bạn là phụ huynh của bạn B, nhất là khi B lại thuộc tuýp trẻ không có nhu cầu phản kháng mạnh, thường sợ hãi khi nhắc đến A, hãy tránh các cuộc gặp gỡ có bạn A nếu có thể. Con bạn còn quá nhỏ, bạn không thể biết được con sẽ học được gì hay bị ảnh hưởng gì bởi những người bạn như A.
Nếu không thể tránh, hoặc tệ hơn là B lại rất thích chơi với A, còn A cứ thường xuyên bắt nạt B, thậm chí kêu gọi bạn bè tẩy chay B, mà bố mẹ A dửng dưng không can thiệp, trong khi bạn cũng không thể tránh mặt bố mẹ A, thì bạn có thể tham khảo một vài cách dưới đây:
- Kết bạn, làm thân với A: Hãy nhớ rằng đứa trẻ "xấu tính" thực ra lại là đứa trẻ tổn thương và thiếu thốn. Đừng mang thái độ thù địch với một đứa trẻ. Ngược lại, hãy dùng sự bao dung để trở thành một người bạn lớn của A. Khi A tin tưởng và yêu quý bạn, khả năng lớn là A sẽ yêu quý cả con bạn và luôn nghe theo lời khuyên của bạn.
- Củng cố niềm tin cho con: Luôn nói với con rằng con là đứa trẻ đáng yêu, tốt bụng. Không phải vì bạn A không tốt với mình có nghĩa mình là đứa trẻ tồi tệ. Nếu không chơi với nhóm bạn này vẫn có thể chơi với các nhóm bạn khác, không chơi với bạn lớp này thì chơi với bạn lớp khác.
- Gợi ý cho con cách phản kháng phù hợp: Mách cô giáo, hét to lên, thể hiện thái độ cứng rắn,... Hãy gợi ý cho con những cách phản kháng hoặc tự vệ phù hợp với tính cách của con. Tuy nhiên hãy chỉ dừng ở gợi ý, đừng gây áp lực.
- Yêu cầu nhà trường và phụ huynh của A can thiệp và hỗ trợ: Hãy can thiệp ngay lập tức khi bạn nhận thấy con có dấu hiệu hoảng loạn, sợ hãi, tổn thương tinh thần hoặc cơ thể. Khi làm việc với nhà trường và phụ huynh của A, nên tránh dùng những mệnh đề tấn công trực tiếp vào đứa trẻ. Hãy giữ thái độ thông cảm, cùng nhau phối hợp tìm cách giải quyết, nhưng đồng thời phải đủ cứng rắn để nhà trường và phụ huynh của A thấy rằng chúng ta không bao giờ nhắm mắt cho qua, ngược sẽ bảo vệ con mình bằng mọi giá.
- Dạy con nhận biết dấu hiệu của hành vi bắt nạt: Bạn không thể dạy người khác đừng bắt nạt con mình nhưng bạn có thể dạy con bạn hành vi nào là đúng hoặc sai, cách cư xử nào là không chấp nhận được và con có thể làm gì để tránh xa người bạn có những dấu hiệu của kẻ bắt nạt. Đừng cấm B chơi với A, cũng đừng cố nói với con A là bạn xấu, hãy chỉ tập trung vào hành động của A đã không đúng ở điểm nào. Tuyệt đối không được bảo con hãy chấp nhận và bỏ qua vì đó chỉ là chuyện nhỏ. Hãy để con tự đánh giá vì bạn không thể quyết định chọn bạn thay con.
Hãy dạy con cách nhìn nhận, cư xử đúng, tự con sẽ biết chọn cho mình người bạn phù hợp trong tương lai.
___________
Alicia Vu (Quỳnh)