LÀM GÌ KHI CÔ GIÁO THÔNG BÁO: "CON ĐÁNH BẠN Ở LỚP"
Bài đăng của thành viên Nguyễn Hiền trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Dù mình đã dạy con khá nhiều về việc kiểm soát cảm xúc hay cách hành xử trong các mối quan hệ. Nhưng con mình vẫn là một đứa trẻ, những hành vi chưa đúng đắn vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Và: "Con cấu bạn trong lớp" cũng là một trong những hành vi như vậy.
Bước 1: Quan sát tâm mình. Phải thừa nhận rằng, khi nghe cô giáo thông báo con mình đánh bạn trong lớp, cảm giác đầu tiên của mình là tức giận. Nếu lúc đó mình nói chuyện ngay với con, chắc hẳn năng lượng của mình sẽ tồi tệ, lời nói cũng dễ khiến con tổn thương. Mình hít 1 hơi thật sâu, khi bình tĩnh, mình quan sát tại sao mình lại cảm xúc tức giận như vậy? Tâm gì thực sự đang vận hành ẩn sau cảm xúc đó? Mình nhận ra rằng, ẩn sau sự tức giận đó là: - Cảm giác xấu hổ vì sợ cô giáo sẽ nghĩ rằng mình không biết dạy con. - Cảm giác thất vọng vì mình đã dạy con như vậy rồi sao không hành xử tốt hơn? - Cảm giác sợ hãi xen lẫn xấu hổ với phụ huynh khác nếu họ phản ánh con mình thì sao?
Khi nhận diện rõ cảm xúc, mình nhận ra rằng, mình tức giận vì đang nghĩ cho bản thân mình, mình sợ bị cô giáo, phụ huynh khác nhận xét, đánh giá. Chứ không hẳn tức giận vì hành vi của con. Sau khi nghĩ thông, mình lại thấy khá nhẹ nhõm: "Có tình huống để mình dạy con đây rồi!"
Bước 2: Tìm nguyên nhân & giải pháp.
Ẩn sau mỗi hành vi của con đều có một nguyên nhân nào đó. Chỉ khi cha mẹ tìm được nguyên nhân gốc rễ thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề. Và sau đây là cuộc hội thoại của 2 mẹ con mình. - Bông ơi, mẹ có nghe cô giáo bảo hôm nay con có hành vi cấu bạn. -....*im lặng* - Con có thể kể cho mẹ tình huống đó không, tại sao con lại cấu bạn V nhỉ? - Con thấy V (bạn trai) đánh X (bạn gái thân của con) mẹ ạ, thế là con cấu bạn thế này này... - Vậy con thấy bạn V làm đau bạn X là đúng hay sai? - Là sai ạ. - Thế con làm đau V là đúng hay sai nhỉ? - Là sai ạ. - Mẹ bảo nhé, nếu lần sau con thấy bạn V làm đau bạn, con hãy nói với bạn :"Không được làm đau người khác" và bảo cô giáo. Con cấu bạn như vậy bạn cũng biết đau và buồn đấy.
Ôi, khi biết nguyên nhân mình bỗng thấy con mình "dễ thương" thật luôn. Dù hành vi chưa đúng, nhưng con đã dám đứng ra bảo vệ bạn thân của mình dù bạn nam kia to lớn hơn. Có 1 lưu ý là cha mẹ nên lựa cách giao tiếp để con có thể nhận ra lỗi của mình. Như tình huống trên, mình chọn cách chỉ ra chỗ sai của bạn V trước. Như vậy con mình sẽ rất thoải mái khi thừa nhận mình cũng sai. Nhưng nếu mình chỉ trích lỗi sai của con trước, thì con sẽ có cảm giác bị tấn công, xấu hố. Nếu mình cứ ép con thừa nhận lỗi sai đó, thì sẽ có một tâm lý phản kháng rất quen thuộc là "Con sai nhưng mà....."
Bước 3: Phối hợp với cô giáo.
Sau đó mình đưa con lên lớp, bảo con xin lỗi bạn V. Mình cũng trao đổi với cô tình huống tại sao con làm như thế, mình đã căn dặn con như thế nào. Và nhờ cô giáo để ý giúp, nếu lần sau con có hành vi làm đau bạn, cô hỏi con nguyên nhân và yêu cầu con xin lỗi bạn ngay trên lớp. Không rõ do con mình cư xử tốt hơn, hay cô giáo đã biết quan điểm của mình, mà từ đó cũng không thấy phản ánh gì nữa.
Đây đã là câu chuyện 2 tháng trước. Hôm kia con mình đi học về kể: - Cô giáo vừa ra khỏi lớp là bạn V đánh bạn T mẹ ạ. Đánh mạnh thế này này (cô nàng tự lấy tay vỗ mặt bôm bốp =))) Lúc cô quay lại con với T mách cô đấy mẹ. - Con làm tốt lắm!