Làm gì khi con lớn ghen tị với em bé mới sinh
Đã cập nhật: 13 thg 1, 2022
Sau khi sinh Bia - em bé thứ hai, điều tôi lo lắng nhất lại chính là phản ứng của con gái đầu lòng. Lạc khi ấy mới hai tuổi rưỡi, một thời điểm nhạy cảm trong khủng hoảng tuổi lên ba. Dù đã chuẩn bị tâm lý cho con rất kỹ càng từ khi mang thai Bia nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng bối rối khi Bia thực sự xuất hiện, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên từ viện về.
Nếu bạn cũng đang phải đối mặt với tình huống tương tự, bài viết dưới đây sẽ là chia sẻ từ một người đã sống sót qua những ngày tháng ấy! Nhưng bằng cách nào? Hãy bắt đầu từ chính bản thân bạn trước nhé.
Tâm thế của mẹ
Nếu bạn thường xuyên đọc các bài viết tại Mindfully T. và theo dõi trang cá nhân của tôi, hẳn bạn cũng biết tôi viết nhiều về làm cha mẹ tỉnh thức. Trong đó có một nguyên tắc:
Mọi vấn đề gặp phải với con đều sẽ bắt đầu từ một vấn đề nào đó từ trong chính bản thân cha mẹ.
Chính vì vậy, điều đầu tiên mà chúng ta nên bàn tới là tâm thế của chính bạn, chứ không phải là cách thức hay kỹ thuật để khiến con không còn ghen tị với em bé.
1. Ngưng chống cự
Tôi từng viết về nỗi sợ đau đẻ: khi càng muốn loại bỏ cảm giác đau, càng muốn kháng cự lại nó thì bạn sẽ chỉ càng đau đớn. Ngược lại, bạn càng mở lòng ra đón nhận nó, thì cơ thể bạn càng thư thái và nỗi đau dịu lại.
Khi một tình huống không mong muốn xảy ra với bạn, luôn có một lực cản chạy ngầm bên trong khiến bạn khổ sở. Bạn muốn chống cự lại tình huống đó. Bạn muốn phủ nhận nó. Và kết quả là bạn càng khổ sở hơn. Điều bạn thực sự nên làm là chấp nhận. Buông bỏ lực cản đó đi.
Đúng vậy, tôi đang nói đến việc bạn kỳ vọng rằng con lớn của mình sẽ không ghen tị với em bé. Bạn muốn con sẽ cư xử như một thiên thần, như một người lớn biết điều. Nhưng điều đó là không thể, và bạn cần phải buông bỏ kỳ vọng đó để thôi cảm thấy khổ sở.
Việc một đứa trẻ ghen tị với em bé mới chào đời là điều hoàn toàn tự nhiên. Thực sự thì sẽ chẳng có đứa trẻ nào trên đời mà không ghen tị khi có thêm em bé.
Dù có được chuẩn bị tâm lý tới đâu, con bạn sẽ phải đối mặt với thực tế rằng hiện tại chúng đã có em – chúng sẽ phải trải qua cảm giác khó chịu khi nhìn mẹ chăm sóc và ôm ấp một đứa trẻ khác. Không có gì thực sự có thể chuẩn bị cho các con đối mặt với thực tế này. Bạn hãy tưởng tượng, nó giống như lần phải chia cách tồi tệ nhất mà bạn từng có nhân lên hệ số 1000.
Hãy hiểu cho con. Hãy mở lòng đón nhận sự thật này. Hãy nói với bản thân rằng:
Cảm xúc ghen tị của con là hoàn toàn bình thường. Điều bạn cần làm là giúp con đối mặt và xử lý cảm xúc ghen tị đó để tình yêu của con với em có cơ hội nảy nở và thăng hoa.
2. Nghĩ cho chính mình trước đã
Hãy dừng chuyện con cái lại một chút nhé. Thế còn bạn thì sao? Phải, chính bạn đó. Bạn có ổn không?
Bạn vừa mất rất nhiều sức lực sau tất cả những chuyện mang thai và sinh nở. Bạn còn đau đớn từ vết mổ hay vết rạch, từ việc cho con bú. Sự thay đổi về hooc môn còn khiến tâm lý và cơ thể bạn chưa ổn định. Bạn phải hút sữa theo cữ, phải thức đêm chăm sóc em bé mới sinh.
Hãy dành sự quan tâm cho chính mình trước đã. Hãy cho phép mình được nghỉ ngơi và cho phép mọi thứ không hoàn hảo. Nhà cửa bừa bộn một chút, con lớn một hôm không đánh răng, con bé một giấc không ngủ đủ. Chẳng sao đâu, hãy chiều chuộng và chăm sóc mình trước đã. Nhờ ai đó trông con để tắm rửa, ăn một món gì mà bạn thấy thèm kinh lên được, hoặc đơn giản là nằm xuống và không làm gì cả.
Gia đình là một hệ sinh thái và nguồn năng lượng dù tích cực hay tiêu cực từ bạn cũng đều ảnh hưởng sang các con. Một người phụ nữ hạnh phúc sẽ làm nên một gia đình hạnh phúc. Mọi lời khuyên phía sau đấy sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu bạn thực hiện trong một trạng thái khỏe khoắn và bình an. Và muốn vậy thì bạn cần chăm lo cho bản thân mình trước.
Giúp con vượt qua cảm giác ghen tị khi có em
1. Hãy để bố bế em bé khi từ viện về nhà
Còn bạn thì đi thẳng tới chỗ con lớn. Hãy ôm con vào lòng và hôn con thật nhiều. Tốt nhất nên tránh âu yếm em bé vào thời khắc đó. Hãy coi đây là lúc hai mẹ con được đoàn tụ sau mấy ngày xa cách. Nhưng nếu con lớn bện bố hơn mẹ, hãy làm ngược lại. Nguyên tắc ở đây là cho con lớn cảm thấy an toàn về cảm xúc nhất có thể.
2. Biến con trở thành người hùng trong mắt em bé (và trong mắt chính con)
Khi bạn có thời gian ở bên con lớn, hãy gọi con lại gần bạn và em bé. (Nếu có nhiều hơn 2 con lớn, bạn hãy làm điều này với từng trẻ). Thì thầm với em bé rằng: "Mẹ giới thiệu với con đây là Chị Cả/Anh Cả của con. Mẹ tin rằng con cũng muốn trở thành một cô bé/cậu bé tuyệt vời giống chị/anh của con khi lớn lên". Và hãy kể thật nhiều điều tuyệt vời về con lớn cho em bé nghe với tất cả sự yêu thương và chân thành nhất.
3. Kết nối để chung sống hòa thuận hơn
Sau đó hãy để anh/chị ngồi và bế em bé, giúp con đỡ phần đầu em bé. Các chuyên gia về ngoại quan nói rằng đầu của trẻ sơ sinh tiết ra hormone pheromone, và khi người khác hít chất này vào sẽ sẽ cảm thấy yêu thương và muốn được bảo vệ chúng. Con càng ôm chặt em bé thì sẽ càng dễ dàng hình thành kết nối.
4. Để con hiểu rằng con vẫn có vị trí vô cùng quan trọng
Hãy luôn nhắc nhở về những ưu điểm của con, về sự đóng góp của con đối với gia đình.
Mẹ thích nhất lúc con kể chuyện cười cho mẹ đấy Em rất biết ơn con vì đã giúp mẹ gập tã lót cho em đấy.
Hãy cố gắng càng cụ thể càng tốt. Hãy cho con hiểu rằng mỗi thành viên trong gia đình đều quan trọng như nhau và có vai trò riêng, đóng góp riêng cho tổ ấm.
5. Khi con "thử lòng" bạn để chắc chắn rằng vẫn được yêu thương
Con có thể sẽ có những hành động thử thách bạn. Con có thể sẽ tỏ ra mè nheo như em bé, hãy để cho con tỏ ra như con muốn mà không phải xấu hổ hay mặc cảm. Hãy dành cho con nhiều tình yêu thương và sự quan tâm.
Lúc này, hãy giữ mối quan hệ của bạn với con suôn sẻ và tình cảm nhất có thể, tránh những mâu thuẫn, xung đột. Nhưng đồng thời cũng vẫn giữ giới hạn của bạn, điều này sẽ giúp con cảm thấy an toàn. Luôn nhớ thực hành giới hạn đi kèm với sự đồng cảm, chứ không phải với đòn roi, la mắng.
6. Tránh những thay đổi lớn khác trong sinh hoạt của con
Trì hoãn việc đi mẫu giáo, chuyển nhà, bỏ bỉm hay bất cứ sự thay đổi nào khác đối với con lớn. Trở thành anh chị đã là một sự thay đổi đủ lớn rồi và lúc này con cần đối mặt với nó.
Nếu con tỉnh giấc nhiều hơn và đòi mẹ vào ban đêm, nhưng bạn lại không thể đến bên con vì bận bế em bé, hãy để bố an ủi và đưa con trở lại giấc ngủ.
Đồng thời, bạn cần đảm bảo con có một chu trình sinh hoạt ổn định, lặp đi lặp lại. Nó sẽ giúp con bớt căng thẳng và tránh tạo nên quá nhiều thay đổi khiến con bất an.
7. Đừng để đứa trẻ một mình với em bé
Bạn không thể mong đợi những đứa trẻ kiểm soát cảm xúc ghen tị và nếu có điều gì xảy ra thì bạn sẽ phải trả giá quá đắt. Vì thế, hãy luôn giám sát con thật chặt chẽ. Nếu bạn nhận thấy con lớn trở nên thô bạo với em, hãy nhanh chóng tách con ra. Nếu có thể, hãy rủ con nô đùa với bạn một chút:
Em còn bé, chư thể đùa với con như thế đâu. Con chơi trò đó với mẹ nhé!
8. Đừng khiến mọi thứ chỉ xoay quanh em bé
Bạn cần tinh tế một chút trong cư xử với con, vì trẻ con thường nhạy cảm hơn chúng ta vẫn nghĩ.
Hãy để dành những thủ thỉ, âu yếm với em bé trong những khoảng thời gian chỉ có hai mẹ con thay vì trước mặt con lớn.
Lúc con muốn ra ngoài chơi, thay vì nói phải đợi em bé thức dậy đã thì hãy nói rằng bạn đang đợi giặt quần áo xong, nấu cơm hoặc gọi điện thoại. Thay vì "Khi nào mẹ xong việc với em bé, mẹ sẽ giúp con", hãy nói "Mẹ sẽ đến với con ngay khi mẹ rảnh tay nhé."
9. Khuyến khích sự đồng cảm
Nghiên cứu cho thấy rằng khi cha mẹ khuyến khích anh chị coi em bé như một con người với những cảm xúc riêng, anh chị sẽ yêu thương và bảo vệ em bé hơn.
Con thấy không, em rất thích nghe con hát đó! Con nhìn này! Em đang cố cử động cái miệng bé xinh giống con này. Em đang bắt chước con đấy. Con thử đoán xem em có thích mặc chiếc áo nào?
10. Giữ kết nối với con
Hãy dành thời gian riêng cho từng đứa trẻ mỗi ngày. Bạn có thể nhờ người lớn khác trong nhà bế em bé để bạn ôm ấp và chơi với con lớn. Nếu bận làm việc này việc kia, hãy dùng lời nói để giữ kết nối với con. Chẳng hạn, khi bạn cho em bé bú, có thể gọi con lớn mang sách tới, con giở sách và bạn sẽ đọc cho con nghe.
Sau cùng, hãy nhớ rằng giai đoạn đầu tiên lúc nào cũng sẽ gây cảm giác mất mát đối với con. Hãy đồng cảm với con và để con khóc trong vòng tay của bạn bất cứ lúc nào con muốn. Sau đó, hãy giúp con tìm cách để tâm trạng trở nên tốt hơn.
Đây có lẽ chính là một cơ hội để con học hỏi về cuộc sống: không phải lúc nào con cũng có được thứ con muốn, nhưng ở một khía cạnh khác, con vẫn có thể có được thứ thậm chí còn tốt hơn: con luôn có mẹ là hiểu và thông cảm, chấp nhận cảm xúc của con và giúp con vượt qua.
Và nếu hôm nay bạn đã quá mệt mỏi vì giải quyết những căng thẳng tâm lý của con, hãy cho phép mình nằm xuống, không nghĩ ngợi gì cả. Đây chỉ là một giai đoạn ngắn, và sớm thôi, bạn sẽ thấy mình đứng một góc mỉm cười, nhìn các con chơi đùa với nhau vui vẻ.
Chúc bạn và những em bé của bạn sớm vượt qua giai đoạn chuyển giao này!