LÀM GÌ KHI CON NÓI TRỐNG KHÔNG?
Bài đăng của thành viên Trần Huyền trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Khoai nhà mình có một thời gian hay nói trống không kiểu: “Gì cơ?”, “Cái gì?”, “Đưa đây!”, “Không!”...
Mình cũng thắc mắc kiểu mình có dạy con nói như vậy đâu chứ? Mình vẫn bảo con phải nói đầy đủ chủ vị và thêm “ạ” cơ mà!
Mà mình cũng để ý thấy nhiều em bé khác nói trống không như vậy, chứ không riêng Khoai nhà mình. Và chắc các ba mẹ cũng kiểu: “Ơ mình có dạy con ăn nói kiểu thế đâu!”, nhở?
Nguyên nhân có thể là do:
Người lớn đang nói trống không với con
Mình để ý nhiều người lớn muốn trẻ con ăn nói lễ phép với mình nhưng lại nói với chúng kiểu: “Chào chưa?” “Mồm đâu?”, “Đâu rồi?”, “Đưa đây!”,...Trẻ con tiếp thu qua những gì chúng chứng kiến và những lời nói trống không của người lớn như vậy sẽ khiến chúng nghĩ đây là các giao tiếp bình thường và học hỏi rất nhanh.
Người lớn nói trống không với nhau
Vợ chồng mình luôn cố gắng nói chuyện với nhau đều phải đầy đủ chủ vị. Kiểu “Anh ơi! Ra em bảo cái này!”, “Vợ ơi! Vợ đang làm gì đấy!”. Ở với nhau lâu thì đúng là nhiều khi dễ nói trống không với nhau, nhưng thôi vì con thì cố gắng ăn nói cho đầy đủ, con sẽ học hỏi theo. Mà mình thấy nói chuyện với nhau như vậy cũng làm tình cảm vợ chồng đi lên đấy chứ?
Người lớn vẫn trả lời/ đáp ứng yêu cầu của con khi con nói trống không
Đúng vậy đấy! Tính mình hay để ý nên thấy người lớn vẫn trả lời hay đáp ứng yêu cầu của con ngay cả khi con nói trống không. Nhất là ông bà, ông bà thường rất dễ thỏa hiệp với việc con nói trống không. Vô hình chung con ngầm hiểu “À mình nói vậy là bình thường, vẫn được đáp ứng lại, nên mình không cần phải sửa lại”.
Cách sửa của vợ chồng mình là, mỗi khi con nói trống không, sẽ không trả lời ngay/ đáp ứng ngay, cũng không quát mắng hay phát xét gì con cả. Thay vào đó, sẽ sửa lại câu nói của con để con nói lại. Ví dụ con trả lời: “Không!”, mình sửa lại “Con không ạ!”. Khi con nói lại “Con không ạ!” thì mình mới nói tiếp hoặc đáp ứng.
Gần như mình luôn phải sửa lại như vậy và Khoai cũng không dễ thay đổi ngay trong ngày 1 ngày 2. Thậm chí đến tận bây giờ (sửa từ năm 3 tuổi tới giờ 4 tuổi) vẫn nhiều lúc buột miệng nói trống không thì mình vẫn tiếp tục sửa, kiên trì không cáu gắt, không phán xét.
Hầu như mọi thứ bọn trẻ học được đều là do chứng kiến, học hỏi từ người lớn chứ không phải từ những gì chúng ta “dạy” chúng! Vậy nên mình uốn bản thân mình trước, ắt con sẽ uốn theo mình.