top of page

Làm gì khi trẻ nghiện điện thoại hơn mọi thứ trên đời


  • Con nằm vật ra đất ăn vạ, gào khóc thảm thiết khi mẹ tắt điện thoại không cho chơi nữa

  • Con hất tung đồ đạc, dậm chân giận dỗi khi bố mẹ bắt buộc dừng lại chương trình hoạt hình trên điện thoại

  • Không có bữa ăn nào diễn ra yên ả nếu như không có điện thoại trước mặt con


Đó có phải là những câu chuyện xảy ra với em bé hai tuổi của bạn? Và bạn bàng hoàng nhận ra con đã nghiện điện thoại từ khi nào? Bạn vội vàng tách con ra khỏi điện thoại, cưỡng đoạt con tham gia vào những hoạt động bạn cho là bổ ích cốt để con quên đi chiếc điện thoại kia. Nhưng con hoàn toàn không hợp tác, con chỉ nằng nặc đòi chơi điện thoại. Nếu không có được nó, con sẵn sàng ăn vạ, khóc lóc thậm chí nôn trớ chỉ để đòi bằng được.


Và bạn bất lực không biết phải làm sao?


Các bậc phụ huynh thường như vậy khi nhận ra một tác nhân gây hại nào đó trong cuộc sống của con cái mình. Đối với việc con mê mẩn điện thoại, nhiều bố mẹ sẽ ngay lập tức đổ lỗi cho chiếc điện thoại đó và tìm mọi cách cắt đứt sự liên quan giữa con và điện thoại. Bởi chúng ta thường tin mọi sự say mê của con đều do những chương trình độc hại trong điện thoại gây nên mà quên mất rằng, người mang điện thoại đến cho con là chính chúng ta.


Vì con say mê điện thoại là bắt chước dáng vẻ chăm chú vào điện thoại của mọi người trong gia đình. Vì con biết mở youtube, tìm phim hoạt hình hay các trò chơi để sử dụng là do người lớn đã bắt đầu khơi mào bằng việc dạy con. Vì những lời khen kiểu như “Ui bé tí mà đã biết mở ti vi với điện thoại nhoay nhoáy rồi” mà con thường nhận được khi chúng thể hiện tài năng thông thạo điện tử của mình trước mọi người.


Vì chúng ta - các bậc phụ huynh đã phó thác con cho chiếc điện thoại đa di năng để đổi lấy vài phút thảnh thơi thoát khỏi những câu hỏi, thoát khỏi sự bám đuôi nhằng nhẵng của con khi đi làm về, khi nấu ăn, khi làm việc hay khi mải mê với một thông tin thu hút nào đó trên một chiếc màn hình khác.

Thành thật với bản thân một chút, chúng ta cũng đang không đúng lắm với hành vi đó? Phải không nhỉ?

Và những hành vi đó, dẫn đến một hệ quả tất yếu: con mê mẩn điện thoại hơn mọi thứ trên đời. Con tin rằng chỉ có điện thoại mới có những điều bố ích vì bố mẹ mình cũng vẫn xem điện thoại hàng ngày. Con coi điện thoại như một phần thưởng thú vị khi mình hoàn thiện một mệnh lệnh nào đó của bố mẹ như ăn cơm đủ khẩu phần, không khóc, không làm phiền thì sẽ được chơi điện thoại. Và dần dần, con lệ thuộc vào nó, điện thoại trở thành cả thế giới của con.

Chỉ cần ai đó tước điện thoại khỏi tay con nghĩa là đã tước đi cả thế giới tươi đẹp trong mắt của con.


Vậy câu hỏi đặt ra là, bố mẹ phải làm gì để giải thoát con khỏi chiếc điện thoại đó?


Có rất nhiều cách, nhưng những cách mà mình thấy nhiều bậc phụ huynh sử dụng và có hiệu quả nhất là trở thành một tấm gương cho con. Nghĩa là nếu như bạn không muốn con sử dụng điện thoại thì bạn cũng phải tắt đi những thiết bị điện tử xung quanh mình. Nghiêm túc chấp hành chính những luật lệ mà mình đặt ra là cách đầu tiên để con tiếp nhận việc từ bỏ điện thoại ra khỏi cuộc sống.


Cùng với đó là bổ sung những hoạt động vui vẻ để lấp đầy khoảng thời gian mà con thoát khỏi điện thoại và những hoạt động đó phải có sự tham gia tích cực và tự nguyện của bố mẹ. Đừng chỉ đưa cho con quyển sách và bảo con đọc đi trong khi bố mẹ lại ngồi xem ti vi hay chuyện phiếm cùng nhau. Đừng đặt con vào một phòng ngập đồ chơi rồi đi ra làm việc tiếp và nghĩ rằng thế là bạn đã cắt đứt được điện thoại ra khỏi cuộc sống của con. Không đâu, bạn đang gián tiếp khẳng định vị thế của nó bằng cách tạo ra những hoạt động buồn tẻ cho chính con mình.


Những hoạt động đơn giản mà mình gợi ý dưới đây sẽ giúp cho khoảng thời gian không điện thoại của con và bạn trở nên thú vị hơn:

  • Diễn kịch: Thay vì buộc con phải diễn kịch theo một câu chuyện, một cuốn sách mà con từng được đọc. Bố mẹ hãy thử yêu cầu con diễn tả lại những hành động của người thân trong nhà. Vì trẻ thường xuyên thích quan sát và bắt chước, điều này vừa giúp con kết nối được với mọi người, vừa tạo ra sự dễ dàng và vui thích cho con. Nếu con chưa thể tự diễn, bố mẹ có thể bắt chước và cho con đoán xem bố mẹ đang tả ai. Nếu người thân làm khó con, hãy chọn con vật, diễn tả một con vật bằng những hành động đặc trưng sẽ dễ dàng hơn và cũng thu hút không kém

  • Làm con dấu rau củ: Dùng màu vẽ, cắt lát toàn bộ rau củ quả có trong nhà và cho con tha hồ dùng những con dấu rau củ đó để tạo hình trên mọi bề mặt mà bạn có (giấy, vải, túi nilon, hộp cứng hay thậm chí là lên da của con và bố mẹ). Màu sắc sẽ khiến con vui thích hơn với việc tạo hình, bố mẹ cũng có cơ hội được xả stress với hoạt động này khi tự mình vẽ tranh bằng rau củ.

  • Đi bộ và nhìn mây trời và trò chuyện: Nếu có thể, hãy cùng nhau ra ngoài đi bộ, chỉ trỏ rồi tưởng tượng mọi hình thù từ đám mây trên bầu trời và trả lời mọi câu hỏi của con. Ở độ tuổi 2 - 3 con luôn có hàng tỷ câu hỏi cần trả lời, hãy chiều lòng con. Vị trí của bạn sẽ lấp đấy khoảng trống mà điện thoại tạo ra. Đừng để bản thân cảm thấy áp lực vì luôn phải biết hết mọi điều con hỏi, luôn phải trả lời đúng mọi điều con muốn biết. Chúng ta có thể sai, có thể không biết và cùng nhau đi tìm câu trả lời đúng.

  • Hát hò, nhảy múa và chơi đập gối: Những ngày mùa dịch, nếu chẳng thể đi đâu thì hãy tự tổ chức một liveshow của con ở nhà. Mặc bộ quần áo con thích, rồi tự tin trình diễn mọi tài năng của mình. Nếu chẳng thích hát hò thì chơi trò đập gối cũng hoàn toàn là một ý hay, miễn là con được hoạt động và vui cười là đủ để trò chơi đó thú vị hơn chiếc điện thoại kia.

Những hoạt động trên thực sự không hề khó khăn với bất cứ gia đình nào nhưng lợi ích chúng mang lại thì không hề nhỏ.

Việc cai nghiện điện thoại cho con là một hành trình dài cần nhiều công sức và kiên nhẫn. Đừng quá bi quan, vì có một sự thật là dù điện thoại có thông minh thế nào cũng không thể thay thế được vị trí của bố mẹ trong lòng trẻ. Nên chỉ cần bạn muốn, trẻ luôn lắng nghe và muốn ở cùng bạn chứ không phải bất kỳ thiết bị nào khác trên đời.

6 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page