top of page

LÀM MẸ HOÀN HẢO?

Bài đăng của thành viên Ai Huong trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Em là một người mẹ hết lòng vì con. Em tận tụy và đầu tư thời gian, tiền bạc để học các khóa học về tâm lý cha mẹ và chăm sóc con cái.

Em nắm rõ các giai đoạn phát triển sinh lý, tâm lý của trẻ. Em biết mỗi giai đoạn nên dạy gì và rèn gì cho con.

Em chọn thực phẩm organic, làm sữa hạt cho con thay vì sữa công thức.

Em cùng con học khóa học quản lý tài chính, dạy con thực hành biết ơn mỗi ngày.

Em chọn yêu thương và kỷ luật không nước mắt. Em tích cực nói chuyện, giải thích cặn kẽ mọi điều khi con cần.


Với em, làm mẹ là một sự nghiệp mà em dồn hết tâm sức. Tôi thầm cảm phục em nhưng đồng thời tôi cũng dấy lên câu hỏi đầy xót xa:

Liệu như thế có “quá sức” với em không? Việc trở thành một người mẹ “hoàn hảo” ấy?


Trong thâm tâm, tôi hiểu được, một người mẹ có quá khứ tổn thương như em đang cố gắng để bù đắp cho con những thiếu thốn trong tuổi thơ, đang cố gắng để làm tốt vai trò của mình hơn thế hệ trước.

Nhưng trong tôi, bên cạnh sự cảm phục nỗ lực của em là nỗi xót xa. Liệu đứa trẻ bị tổn thương bên trong em đã thực sự được chữa lành, thực sự bình an để làm bạn với con? Liệu một người phụ nữ nhỏ bé như em có cảm thấy “quá tải” trước những áp lực về những điều một người mẹ “nên” làm?


Cho đến trưa nay, trong một bữa ăn bên bờ biển, tôi thấy em đánh con. Đứa bé 3 tuổi đến giờ nghỉ trưa, em kê mấy chiếc ghế lại để làm chỗ nằm cho con, nhưng đứa bé mãi không chịu. Nó đòi nằm trên những cái ghế khác. Em tiếp tục giúp đỡ con và giải thích. Nhưng đứa bé vẫn không chịu, nó đòi nằm ở những chiếc ghế khác nữa, những chiếc ghế khác nữa. Không thể khuyên bảo, không thể thương lượng, đứa bé tiếp tục đòi hỏi vô lối. Và cuối cùng, em đã đánh con.

Em đánh mạnh vào mông đứa bé, một, hai cái rồi dừng lại trong lặng. Ba đứa bé nhanh chóng đến để bế đứa bé ra khỏi mẹ nó, dỗ dành.


Em tiếp tục im lặng một quãng rồi nhanh chóng trở lại với bữa trưa đang ăn dở của mình, tiếp tục trò chuyện với mọi người. Tôi đọc được vài điều trong sự im lặng và ánh mắt của em: là nhận ra sự thật “mình đánh con”và dừng lại, là chấp nhận sự việc đã xảy ra, là tiếp tục với những việc còn bỏ dở vì hối tiếc và oán trách về hành động của mình.


Tôi nghĩ gì về việc em đánh con?

Trong một quyển sách của một chuyên gia nuôi dạy trẻ mà tôi từng đọc, người viết đã dành hẳn một mục: “Chuyên gia cũng thất bại” để thừa nhận trong những trường hợp cụ thể, đôi khi chuyên gia cũng thấy bại với chính mình và với con của họ. Không phải mọi lý thuyết và mọi hoàn cảnh đều có thể áp dụng thành công.


Trong hoàn cảnh mà tôi chứng kiến, em đã cho phép mình thất bại. Và khoảng im lặng rồi bình tâm nhanh chóng của em khiến tôi yên tâm, rằng em biết chấp nhận thất bại. Điều đó khiến tôi tin tưởng rằng, hành trình làm mẹ là hành trình hoàn thiện của mẹ con em mỗi ngày, chứ không phải là “cuộc chiến hoàn hảo” mà em phải gồng gánh!


Đương nhiên, tôi không cổ vũ việc đánh mắng con, không bênh vực cho viêc để cảm xúc tiêu cực tác động đến con trẻ. Tôi chỉ muốn nói lời đồng cảm với những khó khăn trong kiểm soát cảm xúc của người làm cha mẹ, với những lần “lỡ” vi phạm phương châm giáo dục của mình. Có những nỗi buồn, có những sự giận dữ, có đôi lúc cảm thấy bất lực,… mà không phải lúc nào bạn cũng “học cách kiểm soát”,không phải lúc nào bạn cũng có thể hoàn toàn kiểm soát được mọi cảm xúc trước em bé của mình.

Và tôi nghĩ, như thế cũng không cần thiết. Em bé cũng cần nhận biết những cảm xúc chân thật nhất bên trong con người bạn. Đôi khi, việc bạn sống chân thật nhất với những nỗi buồn, những sự bất an, nỗi lo lắng, sự tức giận… của một người làm cha mẹ lại chính là cách tốt nhất để đồng hành với em bé của mình.

37 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page