top of page

Muốn làm mẹ tốt hơn, sao không thử THIỀN?

Bài đăng của thành viên Nguyen Nghia trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Cuộc sống bận rộn xô bồ với quá nhiều áp lực bên ngoài, về đến nhà chúng ta lại cảm thấy quá tải với những trách nhiệm gia đình. Tâm sức đâu để bình tĩnh làm cha mẹ? Một trong những cách rẻ nhất, tốt nhất và nhanh nhất để giải quyết vấn đề này, có lẽ chính là THIỀN.


Dưới đây là 5 ý nghĩa của việc cha mẹ thiền tập trong nuôi dạy con cái:


1. Làm gương cho con về cách sống chậm rãi, lắng đọng, biết dành thời gian cho bản thân


Mình nhớ trước đây khi vô thức lặp lại cách sống của mẹ - luôn bận rộn, vội vã - mình thường rất tất bật, đi ra đi vào, làm việc này việc kia không ngơi tay. Đến nỗi chồng mình có lúc phải nhắc: Em có thể ngồi xuống một chút được không, đi ra đi vào làm anh chóng hết cả mặt. Mình cứ như một guồng quay liên tục như vậy, hiếm khi nghĩ về nhu cầu của bản thân.


Con cái sống cạnh mình những năm đầu đời, rất nhiều thói quen, lối sống, hành xử, nói năng in sâu vào con một cách rất tự nhiên. Đấy là lý do tại sao lại có câu nói “con vào dạ, mạ đi tu.”


Hai bạn lớn nhà mình đã quen với hình ảnh sáng sớm, mẹ ngồi thiền yên tĩnh ở phòng ngoài sau đó tập thể dục rồi mới đi chuẩn bị đồ ăn sáng.


Các bạn biết sáng sớm là thời gian mẹ dành để chăm sóc bản thân. Lúc đó mình không dùng điện thoại, máy tính, sách vở, công việc hay phương tiện giải trí nào, chỉ đơn giản là im lặng hiện diện ở đó. Ngoài ra trong ngày, sau một thời gian tập, mình đã làm mọi việc một cách từ tốn, chú tâm và chu đáo hơn.


2. Giúp con hiểu rằng: bố/mẹ cũng có những nhu cầu riêng cần được tôn trọng


Những ngày đầu thiết lập thói quen mới, con chưa hiểu nên khi dậy sớm thấy mẹ ngồi một mình thường ra hỏi han, ngồi vào lòng, rên rỉ hoặc nhờ mẹ việc gì đó. Mất một hôm cho bạn lớn và vài ba ngày cho bạn bé để mình thống nhất rằng đó là thời gian riêng của mẹ, con không được làm phiền: mẹ biết đôi lúc con có thể quên và lại hỏi mẹ điều gì đó, nhưng con nhớ chuẩn bị tinh thần là mẹ sẽ không trả lời gì khi mẹ đang ngồi thiền đâu.


Sau này, vào một lúc nào đó trong ngày khi vào phòng và chợt thấy mẹ đang ngồi thiền, con chỉ thở dài vẻ hơi thất vọng, nhưng rồi lại tự giác đi ra ngoài.


Đôi lúc con còn tập thể dục cùng hoặc gợi ý rằng mẹ để con đọc to các động tác mẹ tập cho.


3. Tăng khả năng nhận biết trong các tình huống, từ đó mình có thể điều tiết cảm xúc và lựa chọn cách thức phản hồi với con hợp lý hơn


Khi thiền chúng ta rèn luyện sự quan sát và nhận biết suy nghĩ, những thay đổi bên trong cơ thể. Càng luyện nhiều thì càng giỏi trong việc ngưng bản thân lại ở các tình huống khó với con. Khi đó chúng ta có một khoảng thời gian chuẩn bị trước khi thể hiện lời nói hay hành vi nào ra bên ngoài để phản hồi.


Con làm đổ bát thức ăn xuống sàn nhà, thay vì nói: “đấy thấy chưa, cầm mỗi cái bát ăn cũng không xong,” mình im lặng vài giây rồi nhắc con lấy giấy, xuống khỏi ghế để dọn thức ăn.


Con chơi và vô tình va đầu vào cửa, thay vì nói: “lại thế rồi, có thế mà cũng va đầu rồi còn khóc lóc là sao?” mình có thời gian để chọn nói: “con có sao không? Có cần mẹ giúp gì không?”


Và nhiều tình huống khác mà nếu phản ứng tức thời mình sẽ luôn nói những câu có thể làm con cảm thấy mình kém cỏi, mất dần tự tin vào bản thân.


4. Giúp chúng ta có không gian và thời gian phục hồi và tái tạo năng lượng tích cực để thương yêu và kết nối với con tốt hơn


Mình nhận thấy phần nhiều những bực bội, khó chịu của chúng ta có thường là do làm việc căng thẳng hoặc cơ thể mệt mỏi. Tuy nhiên chúng ta lại lơ là đi những cảm giác đó của mình, rồi vô tình trút lên con lúc nào không hay.


Sau khi ưu tiên một khoảng thời gian thư giãn cho bản thân mỗi lần cảm thấy không ổn, mình thoải mái hơn rất nhiều, tương tác với con cũng được cải thiện.


Cách thức thư giãn cũng rất quan trọng. Mình áp dụng cách thầy Thích Nhất Hạnh hướng dẫn: nằm ngay ngắn, thở đều, mỗi nhịp thở sẽ hướng về một bộ phận trên cơ thể. Bộ phận nào đang căng cứng, mệt mỏi mình sẽ dừng lại ở đó để chăm sóc cho nó lâu hơn.


5. Hiểu nhu cầu của mình, từ đó hiểu nhu cầu của con để đáp ứng


Khi không hiểu mình cần gì, chúng ta thường không thể hiểu được nhu cầu của con.


Dành thời gian cho bản thân giúp bạn biết khi mệt mỏi mình cần nghỉ ngơi; khi tâm xao động, khó chịu mình cần yên tĩnh đâu đó một lúc; khi mắc lỗi mình cần một lời nói cảm thông; khi có cảm xúc mạnh, đôi lúc mình không giữ được bình tĩnh và cần ai đó giúp; có những nỗi đau nào mình cần chữa lành và làm thế nào để tránh gây thêm tổn thương cho con.


Nhu cầu của không khác nhu cầu của chúng ta là mấy. Nếu bạn hiểu nhu cầu của mình, bạn sẽ sáng suốt trao đi cho con những thứ phù hợp khi con cần nhất.


24 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page