Làm sao để giúp con đừng tự ti về gia cảnh?
Bố mình là người rất xuề xoà trong ăn mặc và lối sống. Những năm 90, nhà mình đã có của ăn của để nhưng bố mình luôn mặc đi mặc lại mấy bộ quần áo cũ. Đến bữa thì chuyên gia ăn nốt đồ ăn thừa trong tủ lạnh. Đến cái xe bố đi cũng luôn cũ một cách… rất có năng lực.
Rất nhiều lần trong quá trình lớn lên, mình phàn nàn và càu nhàu về sự xuề xoà của bố. Mình thừa nhận, có những lúc mình cũng thấy xấu hổ với bạn bè khi nhà thì giàu mà bố lúc nào trông cũng như ông xe ôm, nhưng đa phần là mình xót bố. Mình nghĩ rằng bố rất khổ, bố xứng đáng được mặc đẹp hơn, ăn ngon hơn, đi cái xe tốt hơn.
Những lần như vậy, bố chỉ cười và bảo bố thích thế chứ bố không thấy khổ, chẳng ai bắt bố phải thế cả. Mình chẳng nhận được bất kỳ bài học hay sự giáo huấn nào về việc “đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài”, “giá trị của mỗi người không nằm ở bộ quần áo” hay “hãy tự tin là chính mình”. Thế mà những điều đó vẫn ngấm vào mình rất tự nhiên, đến nỗi mình tưởng bẩm sinh mình đã như vậy.

Hôm qua nhờ câu hỏi của bạn Chi Chi trong nhóm An Nhiên Làm Mẹ - Ươm Mầm Yêu Thương về việc phải làm gì khi con cái xấu hổ với gia cảnh của cha mẹ, mình mới nhận ra những tính cách này mình học được nhờ lớn lên bên cạnh bố, một người THẬT SỰ không quan tâm thiên hạ nghĩ gì về mình. Bố mặc bộ quần áo cũ, đi đôi giày cũ vì bố thích và thoải mái với điều đó. Mình lớn lên thích làm những trò khùng điên, nói những điều ngược với đám đông mà chẳng bận tâm người khác sẽ đánh giá mình thế nào. Mình tự tin khi là chính mình dù chẳng ai từng dạy mình phải như thế cả.
Tuy nhiên những điều này mình chỉ thực sự học được khi mình đã lớn hẳn. Lúc 5 tuổi mình không biết những điều đó. Thế giới của một đứa bé 5 tuổi chỉ có mối bận tâm duy nhất là “làm sao để hoà nhập với các bạn”. 5 tuổi là khi những đứa trẻ bắt đầu nhận thức được mình là một phần của quần thể xã hội lớn hơn, mà ở đó có nhiều người khác thay vì chỉ có bố mẹ và gia đình.
Loài người có bản năng sống theo bầy đàn. Rất tự nhiên, đứa trẻ sẽ tìm cách thay đổi, chỉnh sửa bản thân để hoà nhập vào môi trường mà nó đang sống. Chúng ta đều làm vậy mỗi khi chuyển trường, bước vào môi trường làm việc mới hay bước vào hôn nhân. Vì vậy, nếu bạn thấy đứa con 5 tuổi của mình bắt đầu có những so sánh gia cảnh với bạn bè, đừng vội lo lắng và cho bé những giáo huấn gay gắt về đạo đức. Bé không đua đòi hay khinh thường cha mẹ, bé chỉ đang nhận định sự khác biệt giữa mình và các bạn, để tìm cách điều chỉnh và hoà nhập.
Nếu bạn cảm thấy cần phải phản ứng dữ dội, chứng tỏ trong thâm tâm bạn có bận tâm và mặc cảm về gia cảnh của mình. Hành động vô tình của con chỉ như châm lửa vào ngòi kích thuốc nổ. Nếu thuốc nổ vốn không ở đó thì làm gì có vụ nổ nào diễn ra? Bạn có bận tâm thì sao có thể dạy con đừng bận tâm đến gia cảnh? Đừng chỉ dạy con cái vỏ bọc không quan tâm, hãy cho con thấy những giá trị bạn muốn hướng đến qua cách sống của chính bạn. Giống như bố mình năm xưa, ông không nổi giận hay giáo huấn vì bản thân ông THỰC SỰ không cho rằng việc mặc quần áo cũ là có vấn đề.
Làm cha mẹ không chỉ đơn giản là ngày cho con ăn mấy bữa, ngủ lúc mấy giờ, hành vi nào đúng và sai, học trường nào, đưa con đi đâu chơi. Làm cha mẹ là làm sao để duy trì kết nối với con trong suốt mấy chục năm cuộc đời. Nếu không có kết nối, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc truyền tải những bài học bạn muốn dạy con. Bởi vì đơn giản thôi: “Tại sao tôi phải nghe lời người mà ngay cả việc kết nối tinh thần với tôi, họ cũng không làm được?”
Vậy đó.
Một đứa trẻ dễ dàng thẩm thấu được điều tốt thì cũng dễ dàng ngấm luôn cả những điều chưa tốt. Vì vậy, hãy thay đổi chính mình trước khi tìm cách thay đổi con, bạn nhé. ________
Alicia Vu (Quỳnh)