Làm sao để xoa dịu lo lắng của trẻ khi phải xa mẹ
Bài do Thu Thủy chuyển ngữ từ bài viết của bác sĩ Wendy Sue Swanson.
Hội chứng lo lắng xa cách thể hiện khá đa dạng ở trẻ nhỏ. Một số trẻ phản ứng gay gắt khi mẹ vắng mặt chỉ trong một thời gian rất ngắn, trong khi những trẻ khác thể hiện sự lo lắng liên tục từ giai đoạn sơ sinh, chập chững biết đi cho tới tuổi mầm non.
Gửi những ông bố bà mẹ đang đi làm
Để vượt qua hội chứng xa cách ở trẻ, chúng ta cần có sự chuẩn bị, tạm biệt ngắn gọn và kiến nhẫn chờ con tiến triển theo thời gian. Chắc hẳn bạn cũng cảm thấy chẳng hề dễ chịu gì mỗi khi phải xa con. Dù mọi người vẫn nói với bạn rằng chỉ vài phút sau khi bạn đi là con đã ngừng khóc rồi, nhưng có đúng là bạn vẫn cảm thấy như mình đang làm điều gì sai trái khi con cứ bám chân, khóc lóc xin bạn ở lại và đau khổ khi chia tay?
Là một người mẹ đi làm toàn thời gian, lo lắng xa cách đã khiến tôi đặt ra nhiều câu hỏi. Tuy đó là một hành vi hết sức bình thường và là biểu hiện ngọt ngào của sự kết nối sâu sắc giữa mẹ và con, nhưng nó nhiều khi khiến chúng ta không thể nào yên lòng được.
Dưới đây là những sự thật về lo lắng xa cách và những gợi ý để cải thiện tình trạng này, mà tôi đã học từ những lần “vấp ngã” của chính mình.
Sự thật về lo lắng xa cách
Trẻ sơ sinh: Lo lắng xa cách bắt đầu nảy sinh khi trẻ hiểu được về tình trạng vĩnh viễn của đối tượng (nghĩa là trẻ hiểu rằng một sự vật hay một người nào đó vẫn tồn tại dù họ không ở trước mắt trẻ). Khi em bé sơ sinh nhận ra mẹ đã đi rồi (khi mẹ thực sự đã không còn ở đó), chúng có thể cảm thấy bất an. Tuy một số trẻ thể hiện hiểu biết về tình trạng vĩnh viễn của đối tượng và lo lắng xa cách khi mới 4 - 5 tháng tuổi, phần lớn các em bé đều có biểu hiện lo lắng xa cách đỉnh điểm vào tầm 9 tháng tuổi. Sự kháng cự khi phải nói lời tạm biệt còn cực đoan hơn nếu em bé đang mệt, đói hay khó chịu trong người. Hãy rời đi thật nhanh và theo đúng trình tự quen thuộc vào những ngày mọi việc có vẻ tồi tệ.
Trẻ dưới 3 tuổi: Nhiều trẻ không bị lo lắng xa cách trong giai đoạn sơ sinh nhưng sẽ bắt đầu có biểu hiện này vào tầm 15 đến 18 tháng tuổi. Việc tạm biệt bố mẹ còn khó khăn hơn nữa khi trẻ đang đói, mệt hay bị ốm - mà hầu như lúc nào trẻ cũng ở trong những tình trạng này! Ở tuổi này trẻ bắt đầu phát triển tính độc lập, và điều này càng làm chúng nhận thức rõ ràng hơn khi phải xa bố mẹ. Những lần tạm biệt sẽ đầy tiếng gào thét, đầy nước mắt và khó mà kết thúc.
Trẻ tuổi mầm non: Khi trẻ tròn 3 tuổi, chúng hầu như hiểu được sự lo lắng và van vỉ của mình khi bố mẹ rời đi có tác động thế nào. Như thế không có nghĩa là trẻ không bị căng thẳng, nhưng chắc chắn trẻ đang bắt đầu có sự thay đổi. Hãy kiên định, đừng quay lại khi con năn nỉ, và tất nhiên cũng đừng hủy kế hoạch chỉ vì con tỏ ra lo lắng khi nói tạm biệt với bạn. Điều cốt lõi ở đây là hãy luôn nhất quán, giải thích rõ bạn sẽ đi đâu và trở về vào đúng thời điểm mà bạn đã hứa với con.
Làm sao để vượt qua lo lắng xa cách
Tạo ra “nghi lễ” ngắn gọn để tạm biệt con: Trước khi đi, dù là đập tay kiểu tuyển thủ bóng chày, thơm 3 cái, đưa cho con một chiếc chăn hay đồ chơi yêu thích, hãy luôn nói lời tạm biệt thật nhanh gọn và tình cảm. Nếu bạn cứ nấn ná mãi, con sẽ càng khó làm quen và càng trở nên lo lắng hơn.
Luôn nhất quán. Hãy luôn làm những việc giống nhau, thực hiện “nghi lễ” giống nhau khi đưa con đi học mỗi ngày để tránh những yếu tố không ngờ tới bất cứ khi nào có thể. Thói quen sẽ khiến cả hai bớt day dứt hơn và giúp con bạn dần hình thành cảm giác tin tưởng vào sự độc lập của con và vào cả chính cha mẹ nữa.
Sự quan tâm: Khi chuẩn bị nói tạm biệt, hãy hoàn toàn chú tâm vào con với thái độ yêu thương. Sau đó nói tạm biệt thật nhanh dù con có khóc lóc vật vã ra sao.
Giữ lời hứa. Khi bạn quay lại với con đúng như lời hứa, là bạn đã giúp con hình thành lòng tin và sự độc lập, vì con tự tin rằng con sẽ không sao khi không có mẹ ở cạnh. Một lỗi sai lớn nhất mà tôi từng làm chính là quay lại lớp học để “thăm” con trai sau khi tạm biệt khoảng 1 tiếng đồng hồ. Tôi rất nhớ con và thực sự có ý tốt thôi, nhưng điều này không chỉ kéo dài sự lo lắng của con mà chúng tôi lại phải làm lại cả quá trình thêm một lần nữa. Sau lần đó, mỗi lần chia tay là một trải nghiệm hãi hùng.
Nói thật cụ thể theo cách hiểu của con. Khi nói với con về việc bạn sẽ trở lại, hãy nói thật cụ thể sao cho con hiểu được. Nếu bạn chắc chắn sẽ về trước 3 giờ chiều, hãy nói với con bằng ngôn ngữ của con, chẳng hạn như: “Mẹ sẽ về sau khi con ngủ dậy và trước khi con ăn quà chiều.” Hãy định nghĩa về thời gian theo cách hiểu của con. Nếu phải đi công tác, hãy nói về thời điểm bạn trở về tính bằng đơn vị “giấc ngủ”. Thay vì nói: “3 ngày nữa mẹ sẽ về” thì hãy nói: “sau 3 giấc ngủ đêm nữa là mẹ sẽ về.”
Luyện tập việc xa nhau: Hãy gửi con sang nhà bà, hẹn chơi tại nhà bạn của con, nhờ bạn bè hay người thân trông con cho bạn (dù chỉ 1 tiếng đồng hồ) vào cuối tuần. Trước khi cho con đi lớp, hãy luyện tập việc đưa con đi học và cả “nghi lễ” tạm biệt trước khi thực sự phải xa nhau. Hãy cho con cơ hội để chuẩn bị, trải nghiệm và trưởng thành khi không có bạn ở bên!
Sau tuổi mầm non, hiện tượng lo lắng xa cách hiếm khi còn tiếp diễn. Nếu bạn vẫn lo lắng rằng con bạn không thể thích nghi với việc xa bố mẹ, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa.
Thu Thủy,