Làm thế nào để không còn là một ngọn nến cháy sạch? - Cách vượt qua hội chứng burnout
Đã cập nhật: 13 thg 1, 2022
Sáng ra, bạn thức dậy mà vẫn thấy mệt như chưa hề đi ngủ. Ý nghĩ đầu tiên hiện ra trong đầu bạn là: “Mình không muốn đi làm”. Nhưng không được, bạn lết cơ thể nặng trịch của mình dậy, cố gắng lắm mới thay xong quần áo. Dắt được cái xe ra đến cổng mà bạn cảm thấy như vừa tập gym 2 tiếng đồng hồ.
Lái xe đến cơ quan trong tình trạng mơ hồ và miễn cưỡng như thể đang đi vào chỗ chết, và tự hỏi: cuộc đời ngắn thế, sao cứ phải làm những việc khiến mình khổ sở thế này? Nhưng cuối cùng bạn cũng đến nơi, bắt đầu làm việc trong tình trạng buồn ngủ, mất tập trung và cáu kỉnh, sẵn sàng...bóp cổ bất cứ ai bắt chuyện với bạn.
Chuyện gì đang xảy ra vậy?
Rất có thể, bạn đang rơi vào một tình trạng mà WHO gọi là “Hội chứng cháy sạch” (Burnout Syndrome).
Hội chứng cháy sạch là một tình trạng liên quan đến nghề nghiệp, phát sinh từ sự tích tụ của những áp lực kinh niên không được giải quyết triệt để tại nơi làm việc. Nó gồm 3 chiều hướng:
Cảm thấy cạn kiệt năng lượng, kiệt sức
Ngày càng mất kết nối với công việc; có thái độ tiêu cực, cay nghiệt với những thứ liên quan tới công việc
Suy giảm hiệu suất công việc
Tuy định nghĩa của WHO chỉ khoanh vùng phạm vi của hội chứng này trong công việc, nhưng với tôi, có lẽ nó đến từ cả vai trò trong gia đình nữa.
Làm mẹ 2 em bé tuổi sát nhau, một công việc fulltime và 1 nghề tay trái (viết tự do), mọi người thường nói rằng không hiểu làm sao tôi có thể lo liệu được mọi thứ. Đúng là tôi gần như lo liệu được mọi thứ, trừ...bản thân mình.
Rốt cuộc thì, làm sao tôi có thể chu toàn được mọi mặt khi cùng làm nhiều thứ một lúc cơ chứ? Tôi từng đọc về lý thuyết 4 lò lửa, trong đó người ta cho rằng cuộc sống gồm 4 “chiếc lò”: sức khỏe, gia đình, công việc và bạn bè. Muốn thành công, bạn phải tắt đi ít nhất 1 lò.
Gần 5 năm qua, một cách vô tình, tôi đã chọn tắt chiếc lò “sức khỏe”, buông tay với chính bản thân mình. Và hậu quả không đến trong một đêm mà tích lũy từng chút một. Tôi đã nhiều ngày cảm thấy như những gì tôi miêu tả ở đầu bài viết. Tôi thường xuyên cảm thấy mình như ngọn nến sắp tàn.
Cho đến một ngày gần đây, tôi chợt nhận ra mình chỉ muốn nằm xuống và không có nhu cầu dậy nữa. Tôi biết mình phải làm một điều gì đó để thay đổi tình trạng này. Tôi cất công đọc đủ tài liệu về hội chứng cháy sạch, để hiểu về nó và để tìm cho mình một lối ra.
Bạn ở giai đoạn nhẹ hay “bệnh tình” đã chuyển nặng rồi?
Theo định nghĩa mới nhất của WHO, hội chứng cháy sạch không phải là bệnh lý, nhưng chắc bạn cũng hiểu rằng tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ tích tụ lại và gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Một trong số đó là tình trạng mệt mỏi vô cớ khi bị suy tuyến thượng thận, do tiết quá mức các hooc-môn hỗ trợ cho những hoạt động cần nhiều năng lượng.
Tốt nhất chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật để xem tình trạng của mình đến đâu. Theo bác sỹ Jesse Lynn Hanley, hội chứng cháy sạch có 5 giai đoạn:
Giai đoạn 1. Hừng hực khí thế
Bạn cảm thấy mình khỏe như Héc-quin, làm việc xuyên thời gian mà chỉ cần uống thật nhiều cà phê, nước tăng lực hoặc đơn giản là động lực bên trong đang thôi thúc.
Giai đoạn 2. Bắt đầu thấy lờ đờ
Bạn cảm thấy thấm mệt, nhưng vẫn cố gắng cầm cự bằng cà phê, đồ ngọt và bắt đầu khó ngủ. Một cảm giác tiêu cực bắt đầu manh nha.
Giai đoạn 3. Mất kiểm soát
Bạn rất mệt mỏi, hay cau có và khó ngủ thường xuyên hơn. Bạn trở nên dễ “quạu” với tất cả mọi người, mất kiên nhẫn trong công việc.
Giai đoạn 4. Kiệt sức
Bạn đau đầu, đau dạ dày, lúc nào cũng thấy mệt, giảm hay tăng cân quá đà. Bạn bắt đầu có những lúc “phát điên” hoặc òa khóc, trí nhớ bắt đầu suy giảm.
Giai đoạn 5: Chính thức “cháy sạch”
Lúc này, bạn có thể gặp những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Mọi thứ trong cuộc sống của bạn đều không còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng bạn biết đấy, khi đã ở mức không thể xuống thêm được nữa thì mũi tên cuộc đời của bạn sẽ đi lên thôi!
Làm thế nào để hồi phục?
Câu trả lời bắt đầu từ nguyên lý xô nước
James Clear ví năng lượng của mỗi người như một cái xô đựng nước có đầu vào và đầu ra.
Đầu vào của xô nước là những thứ giúp chúng ta phục hồi nguồn năng lượng như dinh dưỡng, giấc ngủ, thời gian thư giãn, giải trí, v.v.
Đầu ra của xô nước là những thứ làm tiêu hao năng lượng như áp lực công việc, trách nhiệm trong các mối quan hệ, v.v.
Để cuộc sống vận hành thông suốt thì phải có đầu vào và đầu ra. Đầu ra không phải đều là những điều tiêu cực, bởi nó là cách bạn tạo ra những giá trị, giúp bạn có một cuộc sống hiệu quả và ý nghĩa.
Nếu để đầu ra quá nhiều mà không đảm bảo đầu vào tương ứng, cái xô năng lượng của bạn sẽ sớm cạn đi. Nó đúng là tình trạng “cháy sạch” mà tôi đang gặp phải.
Vậy là sẽ có 2 cách để nước trong chiếc xô năng lượng của tôi đầy trở lại: một là tăng đầu vào, và hai là giảm đầu ra. Và tôi quyết định làm cả 2 cách.
Giảm đầu ra từ chiếc xô năng lượng: dễ mà không dễ
Cách đơn giản nhất để giảm đầu ra là cắt bỏ bớt một (số) nhiệm vụ, công việc đã trở thành nguồn gây áp lực cho bạn. Nghe thì đơn giản nhưng bạn sẽ sớm nhận ra rằng bạn tham lam hơn mình tưởng.
Tôi từng nghĩ mình là người ít tham vọng. Tôi chẳng bao giờ đặt mục tiêu kiếm được bao nhiêu tỉ bạc, cũng không cần phải là một bà mẹ siêu nhân có con là một thần đồng, nói tiếng Anh như ngóe. Nhưng thực ra, tham vọng không nhất thiết là những con số, mà đơn giản là khi kỳ vọng vượt quá khả năng của bạn.
Cánh cửa nghề viết lách mở ra, tôi gần như bị choáng ngợp. Mọi ý tưởng hay ho, mọi dự án tiềm năng, mọi cơ hội công việc xuất hiện, tôi đều nhận hết. Các dự án cứ thế chất chồng lên nhau, và tôi dần nhận ra mình không thể làm tất cả mọi việc cùng lúc. Tôi làm mọi thứ trong quay cuồng, vội vã, nhưng vẫn không việc nào trọn vẹn. Tôi cảm thấy mình là một kẻ thất bại.
Và tôi mang cảm giác tồi tệ ấy về nhà, nơi những áp lực chưa dừng lại. Phải vui vẻ, nhiều năng lượng để chơi với con. Phải bình tĩnh trước những nghịch ngợm, mè nheo. Phải đảm bảo con được ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc. Đến một thời điểm, việc đôn đốc lũ trẻ đánh răng trước khi đi ngủ cũng trở thành một nhiệm vụ quá nặng nề.
Đấy là chưa kể những khi ai đó đăng hình chụp một đĩa thức ăn ngon lành, một góc đọc sách thật chỉn chu mà họ làm cho con. Con tôi thì toàn ăn mấy món nhàm chán và chẳng có chỗ nào để học hành như thế cả. Tôi cảm thấy thật tội nghiệp cho các con và lại tự trách bản thân mình.
Không biết từ bao giờ mà công việc tôi yêu thích lại trở thành công việc tôi ghét cay ghét đắng. Từ bao giờ mà các con – những nguồn sống của tôi – lại trở thành gánh nặng cho tôi.
Tôi cứ để mình chạy trong một cái vòng luẩn quẩn như thế mà không nhận ra rằng: tôi không thể làm tất cả mọi thứ. Để có được hiểu biết này, tôi đã phải trải qua những ngày tồi tệ nhất. Nhưng bạn biết đấy, khi đã chạm đáy thì rồi cũng sẽ phải lên thôi.
Dù không dễ dàng, tôi đã dừng lại tất cả những việc nào có thể dừng lại. Tôi giữ lịch trình của mình thông thoáng nhất có thể, và chỉ tập trung vào vài đầu việc quan trọng nhất.
Chồng tôi nói rằng trách nhiệm đầu tiên của tôi là phải chăm sóc cho bản thân mình và khi trách nhiệm đó chưa hoàn thành hãy kệ mọi thứ khác, kể cả anh ấy và các con. Lần này, tôi biết anh nói đúng.
Tăng đầu vào cho chiếc xô năng lượng bằng cách chăm sóc bản thân
Ai cũng biết rằng yêu thương bản thân là chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” Nhưng nói thì dễ, làm mới khó.
Chỉ cần google “yêu thương bản thân” hay “chăm sóc bản thân” là tôi lại nhận được hàng đống những lời khuyên từa tựa nhau:
“Hãy ăn uống đủ chất”
“Hãy uống nhiều nước”
“Hãy ngủ đủ giấc”
“Hãy tập thể dục”
Với một người từ lâu đã buông tay với bản thân, quan tâm tới công việc và người khác hơn bản thân như tôi thì những lời khuyên này giống như là một tỉ phú nói với người đang học làm giàu “hãy giàu có đi” vậy.
Rồi một hôm, như Ác-si-mét phát hiện ra lực đẩy của nước, tôi chợt hiểu ra rằng tất cả phải bắt đầu từ lòng trắc ẩn với chính bản thân mình. Lòng trắc ẩn là thứ động lực nội tại khiến bạn tự động làm những hành động chăm sóc bản thân.
Vì không có lòng trắc ẩn với bản thân nên tôi cảm thấy việc chăm sóc bản thân như một gánh nặng. Việc dừng lại để uống một cốc nước khi miệng đang khô rang cũng trở nên thật khó khăn.
Vậy tôi bắt đầu như thế nào? Mỗi ngày, tôi dành những giây phút một mình để nhìn vào bản thân như đang nhìn một đứa trẻ đáng yêu và cần được che chở. Giống như với những em bé của mình, tôi nhìn bản thân tôi như một cá thể độc nhất và sống động, với một trái tim nhạy cảm và lương thiện.
Tôi cũng đáng yêu lắm chứ. Tôi thật thà và thẳng thắn. Tôi biết thương yêu và thông cảm cho những người xung quanh. Tôi nhạy cảm và tinh tế. Tôi sâu sắc và thông minh. Tôi là một người mẹ tuyệt vời, theo cách của riêng tôi.
Xin lỗi nếu như bạn thấy tôi đang bắt đầu hơi lố, nhưng tại sao lại không cơ chứ? Tại sao lại không dành cho mình tình yêu thương và những lời khen ngợi chân thành?
Rồi tôi đi sâu hơn vào những trải nghiệm. Một lần bị hiểu lầm. Những thất bại dù đã cố gắng hết mình. Những khó khăn vất vả tôi từng trải qua. Tôi ngợi khen, an ủi và cổ vũ chính mình. Tôi ôm lấy chính mình bằng một cái ôm đầy trắc ẩn.
Một lẽ tự nhiên, khi đủ trắc ẩn với chính mình như thế thì tôi cũng muốn chăm sóc cho mình như chăm sóc các con. Tôi cho phép mình được nghỉ ngơi khi mệt. Tôi nấu cá hồi, xay sinh tố bơ và chưng yến cho con ăn thì tôi cũng nấu cho mình ăn như vậy. Tôi uống nước và ngủ như thể cả cuộc sống của tôi phụ thuộc cả vào đó.
Chiếc xô năng lượng của tôi đang đầy dần lên, khi tôi viết những dòng này. Và nếu bạn cũng đang cảm thấy mình như ngọn nến cháy sạch, thì hi vọng những gì tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn như tôi đã từng.
Thu Thủy