ĐỪNG SỢ HÃI, HÃY CỨ TIẾN LÊN VỚI LÒNG DŨNG CẢM
Bài đăng của thành viên Đào Ngọc Khánh Linh trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Trong thời kỳ khủng hoảng tuổi lên 2 của con gái, có một điều đến giờ mình thấy quá may mắn vì đã nhận diện ra sớm để thay đổi cách nói chuyện với con. Đó là sự bất lực của con trong việc thể hiện nhu cầu của bản thân vì không biết cách diễn đạt. Đây chính là nguồn cơn cho rất nhiều cơn giận dữ, cáu gắt và khóc lóc đến rối tung cả nhà.
Mình nhớ khi đó, Khủng Long từ một em bé thiên thần có trình tự sinh hoạt ổn định bỗng biến thành em bé có thể gào khóc mọi lúc mọi nơi, dù cố để trấn tĩnh nhưng đối diện với sự khác biệt hoàn toàn nay, nói thật thì mình cũng thất vọng và chán ghét bản thân mình lắm. Tuy nhiên sau đó khi mình bình tĩnh lại và chấp nhận rằng, Khủng Long đã vào giai đoạn nhạy cảm này, tòa tháp tính cách của con lại đổ, hình ảnh thiên thần ngày trước sẽ không thể thấy ở thời điểm này và mai sau trừ khi mình chịu ngồi xuống nhặt từng viên gạch giúp con xây lại. Con cũng chẳng cảm thấy dễ chịu gì cho cam khi trong người có nhiều sự phát triển con chưa có kĩ năng tự xử lý. Sau này, mình gọi đây là thời điểm mà “người thầy ở bên trong" con đang đánh thức con người thực sự con cần trở thành.
Mình bắt đầu nói nhiều hơn với con và kiên nhẫn gọi tên các nhu cầu ẩn giấu, lần mò hỏi đủ thứ, lắm lúc cũng phải ngồi chờ để con tìm ra được cái từ muốn nói. Nhu cầu thể hiện mong muốn bản thân bộc lộ rõ nét thì khi đó nhu cầu thu nạp ngôn ngữ của con càng mở rộng. Nhân cơ hội đó, khi giao tiếp hay khi con bắt đầu có dấu hiệu muốn bày tỏ nguyện vọng, mình đã tận dụng để cung cấp cho con nhiều thông tin về sự vật, sự việc hơn. Sau khi qua giai đoạn đó, con đã có một số vốn từ để giao tiếp cơ bản với mọi người.
Việc dành thời gian lắng nghe và cổ vũ con không hề liên quan đến việc rảnh hay bận, nó cũng chẳng hề gắn liền với việc mẹ giỏi hay không, nó nằm ở việc chúng ta có thể lắng nghe và khích lệ con đến mức nào, chúng ta có thể đối xử với con một cách tử tế ra sao.
Đôi khi trẻ con sẽ khóc rất lâu vì bất lực, đôi khi trẻ con cũng sẽ nói rất dài để thể hiện được điều nhu cầu của con, nhưng ẩn sâu trong đó là quá trình con đang nỗ lực phát triển cả về thần kinh, tư duy và ngôn ngữ. Nếu ở thời điểm vàng đó mà người lớn làm lơ, không đón nhận, gạt đi những nỗ lực tưởng chừng như với người lớn chẳng là gì, đó sẽ là một sự tổn thương và thiếu thốn vô cùng lớn đối với một đứa trẻ. Nó sẽ mất đi cơ hội được làm phong phú thêm vốn từ ngữ để chia sẻ về cuộc sống, và nó cũng chẳng còn muốn thể hiện bản thân vì chẳng được lắng nghe.
QUÁ TRÌNH NGƯỜI LỚN HỌC CÁCH TRÌNH BÀY CŨNG CHẲNG DỄ DÀNG HƠN
Trong quá trình những người lớn học cách phát biểu trước đám đông, học cách viết báo cáo, trình bày những quan điểm suy nghĩ của bản thân, chẳng phải chúng ta cũng ấp úng, cũng bối rối, cũng dài dòng, cũng sợ sệt hay sao? Khi đó, ắt hẳn chính chúng ta cũng phải đối mặt với những ánh mắt dò xét, những lời xì xầm sau lưng, những lời chê trách vì mình không làm trôi chảy, sự mất kiên nhẫn và chẳng muốn lắng nghe. Cảm xúc lúc đó của mình thế nào, cảm xúc cũng con cũng thế, thậm chí còn tồi tệ hơn.
Có thể có những người sẽ bảo “Em nói dài quá, viết dài quá, lan man". Mình cho rằng đó là những lời góp ý thiếu tính xây dựng và chưa nhìn thấy khía cạnh tích cực trong sự nỗ lực của người khác. Cũng giống như con trẻ, nó phải nói dài và lan man rồi mới biết học cách nói đúng ý khi đã tìm được đúng từ. Khi chúng ta viết chưa giỏi thì chấp nhận viết còn nhiều lúng túng, lặp từ, lặp ý trước khi biết cách viết lôi cuốn và thu hút mọi người hơn.
Nhưng điều quan trọng hơn hết của việc đó, là trẻ con đã kiên trì, dũng cảm dám nói, còn người lớn có sự kiên trì, dũng cảm dám viết ra, dám nói lên ý kiến của mình. Nó có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc con siêu hay dở, ta viết giỏi hay dài. Đừng sợ hãi, hãy cứ bước đi nếu điều đó là điều tốt mà bản thân mỗi chúng ta muốn làm. Hãy tin rằng luôn có những người chờ mong sự dũng cảm đó của ta, luôn không ngừng động viên để chờ một ngày chúng ta trở thành một phiên bản tốt nhất của chính mình.
Mình cũng không biết nếu ngày Khủng Long rơi vào khủng hoảng lên 2, mình không kiên nhẫn cùng con đi qua những khó khăn trong bước đầu giao tiếp để dạy con về cách biểu đạt thì bây giờ, mối quan hệ của 2 mẹ con sẽ bế tắc đến đâu, và Khủng Long còn bất lực như thế nào khi muốn được chia sẻ về cuộc sống với mẹ.
Ghi nhận chân thành sự nỗ lực của mọi người, kể cả trẻ nhỏ, không lấy mất đi của bạn quá nhiều thời gian, cũng chẳng khiến bạn mất đi bất cứ cái gì. Nhưng chắc chắn sau khi quay lưng rời đi, bạn có thể mỉm cười vì biết rằng mình đã vượt trên cao những phán xét thông thường để làm được một điều tử tế cho cuộc đời này.