Mẹ ơi, con muốn nói…

Hôm nay theo kế hoạch mình sẽ đăng bài chia sẻ về chủ đề lắng nghe trong giao tiếp với con cái, nhưng viết được một ít mình dừng lại luôn vì chợt nghĩ: “Muốn nghe thì phải ít nhiều hiểu về đối phương đã. Lắng nghe người lớn đã khó, huống chi đây còn là những đứa trẻ thậm chí nói còn chưa sõi. Nếu là trẻ con, mình sẽ mong muốn người lớn hiểu mình như thế nào?”.
Mình hồi tưởng lại tất cả các câu chuyện của con mình, của học sinh trong trường mình làm, các em bé mình biết… và thử “viết nhật ký” xem sao.
“Tại sao mọi người cứ nói về chúng con là “khủng hoảng tuổi lên…” nhỉ? Nghe như chúng con là những kẻ chuyên gây rắc rối vậy. Oan thế không biết!
Con mở cái vòi trong nhà vệ sinh và làn nước mát khiến con thấy thích thú. Con chơi được bao nhiêu trò với nước: đập đập, vỗ vỗ cho nó bắn tung toé này, làm ướt tóc này, đổ nước ra sàn rồi quẫy quẫy tay chân, tưởng tượng như đang đi bơi này… Vậy mà mẹ lại hét lên thất thanh rồi tức giận. Mẹ bảo con là “bày bừa để mẹ phải dọn”. Con chỉ thấy vui thôi, con đâu có thấy phiền phức gì đâu, mẹ cứ thử chơi như con mà xem, đảm bảo mẹ cũng mê luôn.
Mẹ yêu cầu con ngồi vào ghế và ăn cà rốt, ăn cơm, ăn cá. Nhưng con thấy món cà rốt thật kinh khủng. Nó có cái vị không ngon chút nào, không thể ăn nổi. Vậy mà mẹ bảo con phải ăn hết mới được ra khỏi chỗ. Con không chịu, khóc oà lên và mẹ lại cáu với con.
Sáng nay con muốn tự mặc chiếc váy hồng có hình Elsa mà con thích nhất. Con đang từ từ mò mẫm xem phải làm thế nào thì mẹ lại chạy ra mặc cho con, mẹ bảo “Nhanh lên không mẹ muộn mất rồi!” Ơ hay, muốn tự mặc cơ mà, nếu không được tự làm thì con cảm thấy bực bội lắm mẹ biết không? Con mất hết cả hứng, con thấy khó chịu vì không được làm theo ý mình. Con chỉ cảm thấy rất bực bội nên con lăn ra sàn khóc thật to. Và mẹ lại to tiếng rồi lôi xềnh xệch con lên xe cho kịp giờ.
Con thích thùng đồ chơi của mình lắm. Đó là kho báu của con, con là chủ nhân duy nhất của kho báu quý giá này. Thế nhưng khi chị A. đến nhà chơi, mẹ lại yêu cầu con phải chia sẻ với chị. Vô lý thế nhỉ! Đây là đồ của con cơ mà, con không muốn cho ai hết. Chia sẻ là gì? Tại sao phải chia sẻ? Tại sao không chia sẻ lại bị nói là “thần giữ của, ích kỷ…” vậy mẹ?
Từ hôm mẹ mua cho con bộ sáp màu, con thích ơi là thích! Màu đỏ, màu vàng, màu xanh này nhìn sao mà vui mắt quá. Mẹ cũng đưa giấy để con có thể vẽ lên. Nhưng tờ giấy bé quá, con phát hiện ra mảng tường trắng tinh của nhà mình to rộng hơn nhiều. Ôi vẽ lên tường “đã” thật, cảm giác không bao giờ hết không gian luôn. Thế mà mẹ lại tét mông con vì cái tội làm bẩn tường. Để nguyên bức tường trắng tẻ nhạt như thế có gì đẹp mà sao bố mẹ cứ khư khư giữ gìn thế?
Mẹ bảo con: “Đến giờ đi ngủ rồi, con cất đồ chơi đi.” Con nghe lời mẹ nhưng khi nhìn thấy bạn búp bê, con lại nhớ ra là cả ngày hôm nay con chưa chơi cùng bạn ấy. Vậy là con lại ngồi nâng niu, ôm ấp bạn búp bê, con quên béng mất mình cần phải dọn đồ chơi. Và rồi mẹ cằn nhằn con không nghe lời, con mải chơi, mẹ bảo dọn đồ chơi mà không chịu dọn. Thực ra thì con cũng đâu cố ý, tại đầu con nó cứ quên đấy chứ.
Con muốn mẹ chơi cùng nhưng mẹ ngồi làm việc mãi không thôi. Buồn ơi là buồn! Con chỉ muốn mẹ ôm, mẹ thơm, mẹ chơi kéo co với con thôi. Thế là con bám mẹ mãi không chịu rời. Mẹ nhíu mày rồi thở dài bảo con là “làm phiền mẹ làm việc”. Con thực sự là phiền phức sao?
Tối qua mẹ bảo mai sẽ cho con ra khu vui chơi. Con háo hức ghê. Con mong chờ buổi đi chơi này biết bao. Thế mà đột nhiên mẹ lại thông báo rằng chúng ta không đi chơi nữa, thay vào đó là sang ông bà. Không, không, không! Con không muốn thế. Con buồn lắm, thất vọng lắm, con không đồng ý đâu. Mặt con đỏ gay vì giận, con gào khóc, lăn lộn, ném đồ lung tung. Bố mẹ quát con, bảo con hư rồi ép con lên xe sang nhà bà.
Hôm nay ở lớp con ngồi cạnh J. Con thích chơi với J. lắm. Cái má của J. sao mà trắng trẻo, thơm ơi là thơm, con đoán là nó rất “ngon”. Thế là con cắn một phát. J hét toáng rồi khóc rất to làm con cũng hốt hoảng. Cô giáo bảo con là con đã làm bạn đau. Con không biết làm thế bạn sẽ đau, con chỉ nhìn bạn ấy rất đáng yêu nên con cắn một miếng thôi mà. Con không phải kẻ bắt nạt đâu.
Bà mở thùng lấy gạo nấu cơm rồi quên đậy nắp lại. Con tò mò thò tay vào sờ gạo xem nó như thế nào. U là trời! Thích chưa này, cứ mát mát ấy nhỉ! Khi con nắm, bóp, những hạt gạo chuyển động trong lòng bàn tay con mới thú vị làm sao. Con bốc gạo ra và ném thử, chúng văng tung toé ra sàn, có hạt văng xa ơi là xa nữa. Con lại bốc và ném tiếp xem có thể văng xa hơn nữa không. Trò này vui hết sảy, chơi mãi không biết chán, con cứ say sưa bốc rồi ném cho đến khi hết sạch gạo trong thùng. Lúc phát hiện ra, bà hét lên làm con giật hết cả mình, rồi tét đít con nữa. Con sợ quá, con khóc. Bà vừa dọn vừa cằn nhằn thêm một lúc nữa mới thôi. Tối mẹ về, bà mách mẹ là hôm nay con nghịch lắm, con phá lắm. Con chỉ thấy vui thì chơi thôi chứ con có cố tình phá bà đâu.
Bọn con không “khủng hoảng”, chỉ là khó chịu, buồn bã, thất vọng quá mà không biết làm thế nào nên phản kháng bằng việc khóc lóc, la hét, ném đồ thôi.
Đôi khi bọn con cũng hành động vì thấy tò mò, phấn khích chứ không “phá hoại” như người lớn nói đâu ạ.”
Các mẹ thấy có chút nào quen thuộc không? Đúng vậy, bạn có thể đã từng trải qua tình huống đó với chính con mình, hoặc nghe kể về con, về cháu của ai đó. Bọn trẻ là thế, mỗi đứa một tính nhưng chúng đều có những đặc điểm chung nhất định mang tính đặc trưng cho từng giai đoạn phát triển của con người. Vì thế mà đừng quá lo lắng nếu thấy con ăn vạ, xô xát, hay nghịch ngợm. Những biểu hiện đó hoàn toàn bình thường, có thể khắc phục được và sẽ có lúc chấm dứt thôi.
Lũ trẻ cũng có nhiều “tâm sự” không kém người lớn, và căn nguyên của vấn đề đôi khi hoàn toàn không giống như chúng ta suy diễn. Bởi vậy mà lắng nghe và thấu hiểu là điều cực kỳ cần thiết trong sự kết nối giữa cha mẹ với con cái. Cái khó ở đây là chúng ta không thể chỉ nghe bằng tai, mà phải bằng cả mắt và tâm nữa. Thực hành lắng nghe, thấu hiểu ngay từ những ngày đầu tiên sẽ giúp cuộc sống tương lai bớt đi rất nhiều “khủng hoảng”.