top of page

MẸ CHO CON BÚ CÓ CẦN UỐNG THÊM NƯỚC KHÔNG?

Nước rất cần thiết đối với sức khỏe của bạn. Chúng chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể của bạn và tham gia vào nhiều chức năng quan trọng của cơ thể.


Tuy nhiên, những bà mẹ sau sinh thường bận rộn với việc chăm sóc con nhỏ, đến mức thường xuyên quên luôn việc uống nước hàng ngày. Hoặc một số bà mẹ thì lo lắng mình không uống nhiều nước sẽ không sản xuất đủ sữa cho con. Chúng ta cùng tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.


Phải uống nhiều nước thì mới sản xuất nhiều sữa?




Mặc dù sữa mẹ có khoảng 90% là nước, nhưng chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy uống nhiều nước có thể giúp mẹ sản xuất nhiều sữa hơn. Điều quan trọng là mẹ cho con bú nên uống đủ nước theo nhu cầu, để đảm bảo các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường.


Uống đủ nước theo nhu cầu giúp:

  • cân bằng nội môi

  • bài tiết chất thải qua mồ hôi và nước tiểu

  • bôi trơn và đệm các khớp nối,

  • bảo vệ tủy sống và các mô của bạn

  • điều hòa thân nhiệt

  • hỗ trợ tiêu hoá

  • hỗ trợ hấp thụ chất dinh dưỡng

  • hỗ trợ chức năng nhận thức

  • cải thiện tâm trạng


Nhu cầu nước của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào cân nặng, mức độ hoạt động, tập luyện, thời tiết…

Cách tốt nhất để biết bạn cần bao nhiêu nước là nhận biết các dấu hiệu của cơ thể.

Hãy lắng nghe cơ thể của bạn. Nếu bạn có những dấu hiệu như môi nứt nẻ, da khô, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, nước tiểu sẫm màu, táo bón, buồn nôn, chuột rút… rất có thể bạn đang thiếu nước. Đừng đợi khát nước mới uống vì khát là cách cơ thể nói với bạn rằng bạn cần uống nhiều hơn. Vào thời điểm cơ thể bạn thèm nước, đó là cơ thể nói với bạn rằng bạn cần thêm chất lỏng.

Nước lọc có phải là sự lựa chọn duy nhất để cung cấp chất lỏng cho cơ thể?



Nước lọc không phải là lựa chọn duy nhất, nhưng nước lọc luôn là sự lựa chọn tốt nhất. Vì nó không chứa calo, không chứa đường và luôn sẵn có trong nhà bạn.

Nếu bạn cảm thấy nước lọc khá nhạt nhẽo và việc uống nước khá khó khăn, đừng lo, vì những gì bạn ăn hoặc uống cũng cung cấp một phần chất lỏng đáng kể đối với cơ thể. Bạn có thể ăn thêm các món ăn nhiều nước như súp, canh, sữa bò, sữa hạt, trái cây, rau xanh…


Các loại rau nhiều nước, trái cây nhiều nước cũng là lựa chọn thích hợp. Ngoài nước, chúng còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết đối với các mẹ đang cho con bú. Chất xơ trong rau, trái cây còn giúp phụ nữ sau sinh hạn chế được chứng táo bón.


Tuy nhiên, bạn nên chọn trái cây tươi thay vì nước ép. Nước ép trái cây thường chứa nhiều đường và hầu như đã loại bỏ hoàn toàn chất xơ.


Dưới đây là danh sách các loại rau, trái cây có hàm lượng nước cao:



Rau quả nhiều nước

Tỷ lệ nước (%)

Trái cây mọng nước

Tỷ lệ nước (%)

Xà lách

96

Dưa hấu

91

Cần tây

95

Dâu tây

91

Cải thìa

96

Bưởi

91

Củ cải

95

Dưa lưới

90

Dưa chuột

95

Mâm xôi

88

Bí ngòi

95

Cam

87

Cải xoong

95

Dứa

86

Cà chua

95

Táo

86

Ớt chuông xanh

94

Việt Quất

84

Măng tây

93

Xoài

83

Đậu bắp

93

Súp lơ trắng

92

Cải bó xôi

91

Bông cải xanh

89

Bắp cải

93


Các loại đồ uống cần tránh



  • Các loại đồ uống có nhiều đường

Mặc dù những đồ uống có đường như nước ngọt, nước ép trái cây,... thường có hương vị thơm ngon, dễ mang lại cảm giác thoải mái cho các bà mẹ sau sinh. Nhưng những loại đồ uống này chứa rất nhiều đường và không mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Đây có thể là nguyên nhân cản trở quá trình giảm cân của các mẹ sau sinh.


Tuy nhiên, nếu bạn cũng không nên quá khắt khe với bản thân. Đôi khi thưởng thức một chút đồ uống ngọt có thể giúp bạn thư giãn trong những lúc chăm con mệt mỏi. Điều này cũng có lợi cho việc tạo sữa của bạn.

  • Hạn chế các đồ uống có cồn

Không uống rượu là lựa chọn an toàn nhất đối với các bà mẹ đang cho con bú.

Tuy nhiên, theo học viện nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), các bà mẹ có thể cho con bú sau khi uống đồ uống có cồn với mức độ vừa phải (150ml rượu vang, một cốc rượu nhỏ hoặc 350ml bia).


Về cơ chế, khi bạn uống các đồ uống chứa cồn, chất cồn sẽ đi thẳng vào sữa mẹ với nồng độ tương tự như nồng độ được tìm thấy trong máu của bạn.


Khi trẻ tiếp xúc với rượu trên mức khuyến nghị qua sữa mẹ, có thể gây hại cho sự phát triển, tăng trưởng và giấc ngủ của trẻ sơ sinh. Ngoài ra, người mẹ uống quá nhiều rượu cũng có thể làm giảm khả năng phán đoán và khả năng chăm sóc con một cách an toàn của mình.


Nồng độ cồn thường cao nhất trong sữa mẹ 30-60 phút sau khi uống đồ uống có cồn và thường có thể được phát hiện trong sữa mẹ trong khoảng 2-3 giờ sau khi uống.


Nếu bạn đã uống các loại đồ uống có cồn với lượng nhiều hơn mức khuyến nghị, bạn có thể đợi 2-3 giờ (mỗi lần uống) để cho con mình bú sữa mẹ, hoặc cho trẻ bú sữa đã được vắt trước đó khi trẻ chưa uống để giảm tiếp xúc với rượu của trẻ.

Việc hút sữa không làm tăng tốc độ đào thải chất cồn ra khỏi cơ thể. Khi nồng độ cồn trong máu của người mẹ giảm theo thời gian, nồng độ cồn trong sữa mẹ cũng sẽ giảm theo.

  • Caffeine

Theo Tiến sĩ Thomas Hale, tác giả cuốn sách Medications and Mother’s Milk (Thuốc và sữa mẹ), lượng caffeine trong sữa mẹ bằng khoảng 0,06-1,15% lượng caffein mẹ tiêu thụ và đạt mức cao nhất sau 1-2 giờ sau khi mẹ uống. Đây là lượng tương đối nhỏ.


Do đó, bạn hoàn toàn có thể thưởng thức tách cà phê sáng yêu thích, một bữa trà chiều… miễn là bạn hạn chế lượng cafein của mình xuống không quá 300 miligam mỗi ngày.


Điều quan trọng là bạn nên quan sát phản ứng của trẻ.


Một số trẻ sẽ nhạy cảm với caffeine hơn những trẻ khác, đặc biệt với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), trẻ nhỏ khó chuyển hoá caffeine hơn những trẻ lớn.


Nếu bạn hoàn toàn không sử dụng caffeine trong thời kỳ mang thai, trẻ có thể sẽ nhạy cảm hơn với caffeine.

Vì vậy, nếu em bé của bạn quá tỉnh táo, khó ngủ, có thể đặc biệt quấy khóc… khi bạn tiêu thụ một lượng lớn caffeine, bạn có thể cắt giảm lượng caffeine tiêu thụ.


Nếu cắt giảm, bạn hãy cắt giảm từ từ để cơ thể kịp thích nghi, tránh các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ… xảy ra khi bạn cắt giảm caffein đột ngột.


Bạn cũng có thể cho bé bú trước khi uống những đồ uống có chứa caffeine. Sau đó đợi ít nhất 3 giờ trước khi bắt đầu cữ bú tiếp theo. Điều này sẽ giúp cơ thể bạn có thể đủ thời gian xử lý caffeine và tránh truyền qua sữa mẹ.



Một số mẹo để bạn cung cấp đủ chất lỏng cần thiết cho cơ thể

  • Đừng đợi khi khát mới uống nước, vì khát là dấu hiệu đầu tiên của việc cơ thể bạn đang thiếu nước

  • Uống một ly nước ấm trước khi cho con bú 30 phút vừa kích thích sữa về nhanh hơn, vừa góp phần giúp bạn uống đủ nước.

  • Để nước ở gần nơi cho con bú, bạn làm việc hoặc nơi bạn dễ thấy

  • Uống một ly nước trước bữa ăn hoặc sau khi tập thể dục

  • Thêm canh, súp, trái cây, rau… trong bữa ăn


Như vậy, nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể con người. Mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy uống nhiều nước có thể làm tăng nguồn sữa mẹ, nhưng mẹ cần uống đủ nước để đảm bảo sức khỏe tối ưu. Hãy lắng nghe các dấu hiệu của cơ thể và bổ sung nước thông qua nước lọc và các thực phẩm có trong bữa ăn hàng ngày.


8 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page