top of page

MÌNH ĐÃ LÀM GÌ KHI LỠ NÓNG GIẬN MẮNG CON????

Bài đăng của thành viên Nguyen Thanh Binh trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Trẻ con mắc lỗi là chuyện thường tình. Có khi động cái không để ý, con đã xả nước lênh láng cả nhà. Có khi cái điện thoại mới vừa còn lành lặn mà phút sau đã tan nát vì con…ném như đồ chơi. Có khi đang cả núi việc mà con cứ lăn đùng ra ăn vạ đòi kể mấy câu chuyện không đầu cuối chỉ vì chưa đúng ý con. Có khi mẹ mệt ơi là mệt mà con mắt vẫn thao láo không chịu ngủ...


Như bao bà mẹ khác, mình yêu con vô cùng, cũng muốn là một người mẹ dịu dàng nhẹ nhàng giảng giải cho con. Nhưng cũng có lúc những trò nghịch ngợm phạm lỗi của con khiến mình tăng xông, nổi giận.


Để hạn chế bớt cơn nóng giận với con, mình đã thử những cách này:


1. Tìm hiểu hành vi và tâm lí con theo từng giai đoạn


Vì mỗi giai đoạn phát triển con sẽ có biểu hiện khác nhau, cần hiểu để biết tại sao con làm như vậy. Có thể là quấy khóc, nổi loạn, ăn vạ hay mè nheo, gào thét, thậm chí đập phá đồ hay đánh mẹ... Diểu từng giai đoạn phát triển của con, mình có thể bình an hơn, hỗ trợ con tốt hơn, bớt nóng giận trước hành vi tưởng là bất thường mà cực kì bình thường ở con trẻ.


2. Tách bạch cảm xúc


Đôi khi mình nóng giận với con chỉ vì không tách bạch được cảm xúc. Nào là muộn giờ làm rồi mà con vẫn ỉ ôi, nào là đang chưa cơm nước giặt giũ mà con lại mè nheo ăn vạ, ... Việc lẫn lộn cảm xúc giữa công việc xung quanh và chăm sóc con khiến mình dễ nổi giận.


Mình đã tạm dừng lại cảm xúc với công việc của mình, hít một hơi dài và lắng nghe con. Thực ra trẻ con sẽ chẳng đòi hỏi quá nhiều đâu, đôi khi được giãi bày suy nghĩ, được mẹ dừng lại vài phút để vẽ cùng hay lắp ghép nốt phần con chưa làm được là con sẽ lại vui vẻ tự chơi.


3. Giảm bớt áp lực và kỳ vọng


Đôi khi bản thân cha mẹ cũng bị áp lực nhiều bởi xung quanh. Mỗi lần con ốm là ai đó sẽ trách "đấy tại mẹ cho đi chơi nên con ốm". Con không tăng cân là lại "đấy nuôi con kiểu gì mà ốm đói". Những cột mốc phát triển chuẩn WHO làm mình đôi lúc cũng vô tình áp lực mỗi khi con bị ốm, hay mỗi khi con tự nhiên ăn ít, bỏ bữa, ngủ muộn...


Mình nghĩ con cái không phải là cái máy để theo đủ tiêu chuẩn này kia. Con cũng có lúc mệt, có lúc ko thích ăn hay không thích ngủ, không thích đi học.

Đôi khi mình cũng cần phiên phiến một chút, lắng nghe con hơn. Dành cho con những điều tốt đẹp, lựa chọn những cách phù hợp với con. Không phải phương pháp nào, cách thức nào cũng phù hợp với mọi đứa trẻ.


4. Nhận lỗi và chia sẻ cảm xúc với con


Không có ai là lúc nào cũng có thể bình tĩnh được. Những lúc mình có lỡ lời làm con tổn thương, lỡ cáu giận với con thì khi cơn giận qua đi, mình xin lỗi con và cùng con chia sẻ cảm xúc. Việc chia sẻ sẽ giúp mình và con hiểu nhau hơn, gắn kết hơn và con cũng hiểu rằng mình vẫn rất yêu con!


Mình còn dạy cho con câu thần chú. Nếu khi nào con thấy mẹ lỡ lời thì con bảo “mẹ nhẹ nhàng với con thôi nhé”. Vậy nên, cứ khi nào mẹ mắng là con ôm chầm lấy mẹ bảo "Mẹ ơi mẹ nhẹ nhàng với con thôi, con yêu mẹ lắm". Cơn giận của 2 mẹ con tan biến, lại ôm nhau bình tĩnh cùng nói chuyện.


Tuổi đời làm mẹ của mình cũng chỉ bằng tuổi của con. Dù không hoàn hảo, hãy luôn hoàn thiện mình để trở thành phiên bản tốt hơn!


30 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page