top of page

VÌ SAO MẸ BỈM KHÔNG (NÊN) LÀ SIÊU NHÂN?

Bài đăng của thành viên Châu Chấu trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Khi con được 3 tháng tuổi, mình nôn nóng quay lại “đường đua” làm việc và tìm được hai công việc part-time cùng lúc. Chăm con ban ngày, sau khi con bắt đầu ngủ cữ đêm thì mình mở máy ra làm. Có hôm chỉ ngủ được vài ba tiếng. Trước khi mang thai mình trực đêm, làm thêm đủ cả, nên việc mình tự tin vào sức khỏe và khả năng “cày cuốc” là đương nhiên. Rồi chuyện ấy sớm muộn cũng đến: một ngày mình thấy hoa mắt, đầu óc quay cuồng, nôn ói, và nằm bẹp dí. Con khóc cũng không có sức chăm con. Mình đành nhờ bà và ba bé chăm hộ, còn mình dành trọn ngày ấy để nghỉ ngơi.


Mình biết có rất nhiều mẹ bỉm – nhất là các mẹ mới có con đầu – tự tin giống như mình. Nhưng bạn biết không, chúng ta nên dừng việc “hành hạ” bản thân lại vì 4 lý do dưới đây.


Lý do số 1: Hệ miễn dịch chưa “bình thường hoá”


Một nghiên cứu cho thấy cần ít nhất 3-4 tháng sau sinh để hệ miễn dịch của mẹ bắt đầu hồi phục, và cần ít nhất 1 năm để đạt mức gần “bình thường” như trước lúc mang thai. Quãng thời gian 3-4 tháng đầu sau sinh, người mẹ vô cùng nhạy cảm, dễ bị tổn thương về cả hệ miễn dịch lẫn cảm xúc. Kết quả một nghiên cứu chỉ ra rằng: 10,3% phụ nữ bị nhiễm trùng trong 2 tháng đầu sau sinh, trong đó chủ yếu là các loại viêm nhiễm: viêm tuyến vú (4,7%), nhiễm trùng đường tiết niệu (3%), viêm nội mạc tử cung (2%) và nhiễm trùng vết mổ (1,8%).


Mặt khác, khi mang thai hệ miễn dịch của mẹ được “kìm hãm” tương đối để dung nạp với kháng nguyên của thai, giúp duy trì thai kỳ. Tình trạng miễn dịch hồi phục nhanh sau sinh là điều kiện khiến những nhiễm trùng tiềm ẩn nay lại bùng lên. Sự thay đổi các hormon mẹ đóng vai trò chính trong điều chỉnh các phản ứng miễn dịch này. Những nhiễm trùng có thể xuất hiện và nặng lên như: vi trùng lao, nhiễm nấm, các vi rút viêm gan (viêm gan B, viêm gan C), vi rút Herpes simplex… Chưa hết, những bệnh lý không phải nhiễm trùng như: bướu giáp Basedow, viêm khớp dạng thấp, đa xơ cứng… cũng chực chờ tái xuất sau khi mẹ sinh xong, đặc biệt trong 3-6 tháng hậu sản.


Lý do số 2: Tâm lý chưa ổn định


Chắc chắn bạn đã nghe đến cụm từ “trầm cảm sau sinh”? Vâng, đây là một rối loạn tâm lý ảnh hưởng từ 10-15% bà mẹ mỗi năm với mức độ dao động từ nhẹ đến nghiêm trọng. Trong đó 25-50% có thể bị những triệu chứng trầm cảm kéo dài đến hơn 6 tháng. Thậm chí nếu mẹ bỉm không mắc trầm cảm sau sinh, thì 80% các mẹ đều đã trải qua cơn baby blues: những thay đổi bất thường về cảm xúc như dễ buồn bã, mệt mỏi, căng thẳng, cáu giận… đặc biệt là tâm trạng hay “xuống dốc” không phanh. Điều này được lý giải một phần bởi sự thay đổi hóc môn đột ngột, cũng như áp lực từ vai trò mới khiến các mẹ bỉm dễ “choáng ngợp”.

Thực sự khi ngồi viết những dòng này, mình cũng đã trải qua như 99% các mẹ bỉm ngoài kia, khóc lóc với những cơn baby blues và có lúc tưởng chừng bị trầm cảm sau sinh. Bạn thấy đó, rối loạn cảm xúc không chừa một ai.


Lý do số 3: Dung lượng não đang bị “chia năm xẻ bảy”


Có phải đã hơn một lần bạn nghe câu “Phụ nữ sau sinh hay quên”, “đãng trí sau sinh”, hay mình thường gọi đùa là… “rớt bớt não”. Thực tế quên trước quên sau là chuyện không của riêng bất kỳ mẹ bỉm nào.


Việc bạn có quá nhiều thứ phải lo cùng lúc: chuyện chăm bé, chuyện nhà cửa, bếp núc, chuyện vắt sữa,… rồi đến lúc đi làm lại thì bao công việc lại ập tới. Rõ ràng não bạn không còn dành riêng cho chỉ một hoặc hai vấn đề như hồi son rỗi. Cùng với việc thiếu ngủ kinh niên, chắc chắn thời gian để sạc lại năng lượng hoàn hảo cho bộ não là điều không thể.


Lý do số 4: Quỹ thời gian hạn hẹp


Hãy tưởng tượng quỹ thời gian của bạn là một chiếc bánh kem. Trước đây 1/2 ổ bánh – từ 7 giờ sáng đến 7 giờ chiều – bạn dành cho sự nghiệp. Và rất rất nhiều kế hoạch nho nhỏ khác: nấu ăn, làm đẹp, giải trí, chăm sóc gia đình… chiếm 1/4 đến 1/3 chiếc bánh. Phần còn lại là thời gian nghỉ ngơi.


Giờ đây, phần bánh “thời gian” to nhất của bạn dành để nâng niu chăm sóc một thiên thần nhỏ yếu đuối và phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Chiếc bánh vẫn vậy nhưng số lượng công việc lại tăng lên, thời gian của 1/2- 2/3 chiếc bánh đều đã bị em bé “chiếm dụng”. Có thể em bé sẽ ngủ lúc 21 giờ và thức dậy bú cữ đêm. Nếu bạn cố tình dành phần bánh nhỏ bé còn lại để làm thêm nhiều việc, tất nhiên giờ ngủ và sạc lại năng lượng của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


Hậu quả tất yếu mà bạn sẽ gặp phải là:

  • Mẹ mệt mỏi, ảnh hưởng tâm trạng sẽ ảnh hưởng số lượng và chất lượng nguồn sữa mẹ, cũng như chất lượng chăm sóc con, dễ cáu kỉnh với con.

  • Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và tâm lý vốn chưa ổn định.

  • Chất lượng công việc không như mong đợi, khiến bạn lại càng chán nản và mọi việc rối rắm cứ tuần hoàn lặp đi lặp lại.


Lời kết


Đây một lời khuyên, lời cảnh báo: các mẹ bỉm đừng nên ôm việc, đừng nghĩ mình có thể làm được tất cả. Vì quỹ thời gian và sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của các mẹ là có hạn. Chúng ta hãy thôi nghĩ mình là “siêu nhân”, hãy tận hưởng thời gian ngắn ngủi những năm đầu đời bên con, tạm gác công việc lại một chút. Lùi lại một chút trên bước đường sự nghiệp không hẳn là thất bại. Đó chỉ là một bước lùi để dành sức tiến nhanh hơn, với một trạng thái đầy ắp năng lượng hơn.


16 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page