Mẹo để con nói tốt tiếng Việt ngay cả khi lớn lên ở nước ngoài.
- “Chị ơi, chị ở Anh mà nói tiếng Việt hoàn toàn với con như thế thì khi đi học bé có hoà nhập được không ạ?” - “Bé nhà em sắp đi học mẫu giáo ở trường Quốc Tế (ở VN). Từ nhỏ ở nhà chỉ nói tiếng Việt nên giờ em lo lắm, sợ con mới đi học khủng hoảng, lại không hiểu cô nói gì.”
Trước khi viết tiếp bài này, mình xin phép nhắc lại rằng mình không phải chuyên gia ngôn ngữ. Kiến thức của mình về ngôn ngữ cũng chỉ… đủ dùng, cộng thêm trải nghiệm với chính con mình.

Từ khi con sinh ra đến khi đi học lúc 16 tháng, mình không cố gắng cho con tiếp xúc với bất kỳ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Việt. Bố mẹ nói tiếng Việt hoàn toàn. TV, sách cũng phần lớn là tiếng Việt. Thỉnh thoảng mình có đọc sách tiếng Anh cho con, nhưng chỉ đọc chứ không dịch lại sang tiếng Việt. Khi mới đi học, con mình điếc tiếng Anh hoàn toàn luôn.
Lý do mình chỉ nói tiếng Việt và không cho con đi học sớm hơn là mình muốn con có nền tảng tiếng Việt cơ bản, con cần cảm thấy thoải mái với tiếng Việt trước khi tiếp nhận một ngôn ngữ khác. Ở thời điểm đi học, con mình đã nói được nhiều từ đơn, hiểu được hoàn toàn lời bố mẹ nói bằng tiếng Việt. Mình tin là với nền tảng đó, con sẽ không bỏ tiếng Việt khi tiếp xúc với tiếng Anh phần lớn thời gian.
Chỉ sau một thời gian đi học, về nhà con còn dạy mình tiếng Anh, vừa nói tiếng Anh xong quay sang dịch thành tiếng Việt vì sợ mẹ không hiểu. Nói cả câu tiếng Anh rồi dịch lại thì được, nhưng nếu trộn sẽ bị chỉnh. Có thể mình hơi khó tính với đứa con… Việt kiều. Nhưng với mình, tiếng Việt không chỉ là tiếng mẹ đẻ mà còn là ngôn ngữ của cảm xúc. Từ khi sinh ra mình đã nói tiếng Việt, mọi cảm xúc mình thể hiện với con đều bằng tiếng Việt. Việc diễn đạt được trọn vẹn bằng tiếng Việt không chỉ thể hiện sự trân trọng với ngôn ngữ của mình, mà còn góp phần rèn luyện tư duy ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ.
Từ khi đi học, con mình chuyển trạng thái ngôn ngữ rất nhanh. Ví dụ đang nói chuyện với mẹ bằng tiếng Việt, nếu cô giáo hỏi xen vào thì sẽ quay sang trả lời cô bằng tiếng Anh. Hoặc đang nói tiếng Việt mà mẹ bất thình lình chuyển sang tiếng Anh thì con cũng chuyển sang tiếng Anh một cách vô thức.
Gần đây, mọi chuyện có hơi khác. Mình để ý là ngay cả khi mình nói tiếng Anh, con vẫn trả lời mình bằng tiếng Việt chứ nhất định không chuyển sang tiếng Anh cho dù mình… cố gài thế nào đi nữa. Mình đã trò chuyện với cô giáo của con về vấn đề này. Cuộc trò chuyện như sau:
Mẹ: - “Dạo này ở lớp Emma giao tiếp tiếng Anh ổn chứ cô?”
Cô: - “Tất nhiên rồi! Emma vẫn luôn rất tự tin. Tôi không biết vì sao tự dưng cô lại hỏi thế.”
Mẹ: - “À, chẳng là gần đây con không còn nói tiếng Anh với tôi nữa. Ngay cả khi tôi nói tiếng Anh thì con vẫn trả lời tiếng Việt. Tôi muốn hỏi xem ở lớp con có vấn đề gì với tiếng Anh không.”
Cô: - “Ồ, nếu đúng là như thế thì cô nên thấy mừng vì tiếng Việt của Emma đã tiến bộ lên một mức cao hơn. Tức là ngay cả khi tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn, con vẫn cảm thấy rất thoải mái khi sử dụng tiếng Việt. Tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ của Emma, ở đây chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho những em bé song ngữ, đa ngữ. Nếu con có thể thoải mái với tiếng mẹ đẻ của mình ở một đất nước mà mọi người sử dụng ngôn ngữ khác là điều rất đáng quý. Điều đó cũng thể hiện tư duy song ngữ của con rất tốt, sau này có thể dễ dàng học thêm các ngoại ngữ khác vì đã có nền tảng tư duy rồi.” _______
Hy vọng câu chuyện nhỏ bên trên sẽ giải đáp được thắc mắc của những mẹ có con ở nước ngoài, hay những gia đình cho con học trường Quốc Tế. Điều mình sợ nhất khi sinh con và nuôi con ở nước ngoài chính là con không nói được tiếng mẹ đẻ, vì vậy ngay từ đầu, mọi việc mình làm đều vì mục tiêu con có thể sử dụng tốt tiếng Việt, ít nhất là được 80-90% các em bé Việt Nam.
Mình viết bài này để kể câu chuyện của gia đình mình, không lên án hay châm chọc bất kỳ ai nói trộn hay tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt. Mỗi người đều có khả năng ngôn ngữ riêng và chúng ta nên tôn trọng lựa chọn của họ.
Alicia Vu (Quỳnh)