top of page

"Minh oan" cho Montessori


Gần đây có một người bạn của mình chia sẻ về việc gia đình cô ấy không đồng ý cho con học Montessori. Lý do đại ý là mọi người sợ các phương pháp giáo dục sớm sẽ khiến con bị áp lực. Nghe xong mình cảm thấy rất “đau khổ” nên mình quyết định phải “minh oan” cho Mont một chút.


Trước tiên chúng ta phải hiểu “giáo dục sớm” là gì? Theo tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO, giáo dục sớm là ”thời kì giáo dục trẻ từ 0 đến 8 tuổi. Đây là giai đoạn phát triển vượt trội của não bộ, những năm đầu đời này sẽ đặt nền tảng cơ bản cho sự phát triển cả về thể chất và cả tư duy của trẻ về sau. Chăm sóc và giáo dục sớm cho trẻ mầm non không chỉ là chuẩn bị hành trang cho trẻ đến trường sau này mà mục đích của giáo dục sớm nhấn mạnh đến sự phát triển của trẻ đáp ứng nhu cầu về xã hội, tâm lý, cảm xúc, thể chất của trẻ để xây dựng nền tảng vững chắc cho quá trình học tập suốt đời.” Như vậy, giáo dục sớm thực chất là các hoạt động nhằm phát huy tối đa tiềm năng của trẻ, đồng thời giúp trẻ hình thành nhân cách tốt dựa trên các tương tác yêu thương lành mạnh. Giáo dục sớm không có nghĩa là nhồi nhét hay đặt lên vai trẻ bất cứ áp lực nào để buộc chúng phải trở thành thiên tài hay thứ gì đó cao siêu như nhiều người lầm tưởng.


Trong lớp học Montessori, trẻ chắc chắn không phải chịu các sức ép tiêu cực, ngược lại, đó là sẽ là môi trường trẻ cảm thấy được thoải mái và được là chính mình nhất. Bởi vì đó là nơi chúng có được tự do nhưng vẫn kỷ luật, kỷ luật nhưng vẫn đong đầy yêu thương.


Tự do trong Montessori

Trong chu trình hoạt động 3 giờ cũng như sinh hoạt hàng ngày ở lớp, trẻ sẽ được tự do lựa chọn hoạt động chúng muốn. Ví dụ: hôm nay con muốn làm hoạt động nước, hôm khác con lại hứng thú với môn toán… Con sẽ tự đi lấy giáo cụ trên các giá kệ xinh xắn, vừa vặn với tầm với của con. Nếu bộ giáo cụ con thích đã có bạn khác sử dụng rồi, con buộc phải chờ đợi cho đến khi bạn làm xong để tới lượt mình. Con được hoạt động với giáo cụ con đã chọn trong khoảng thời gian mà con cần, và không ai được làm phiền nếu không có lý do chính đáng.


Mỗi đứa trẻ Montessori đều có một hồ sơ theo dõi quá trình phát triển và giáo viên sẽ vẽ ra lộ trình riêng cho từng trẻ. Điều đó đồng nghĩa với việc trẻ được tự do lớn lên, trưởng thành theo tốc độ của chính mình mà không bị ai hối thúc. Trẻ không cần phải bắt kịp bạn bè, càng không cần phải cố trang bị các hiểu biết theo sự lèo lái áp đặt của người lớn nếu chúng không sẵn sàng.


Kỷ luật

Lớp học Montessori luôn duy trì những kỷ luật - điểm thú vị nhất là những kỷ luật này được chính cô và trẻ cùng thảo luận và thống nhất - bắt buộc tất cả mọi người tuân thủ.


Khi hoạt động xong, trẻ phải có trách nhiệm trả giáo cụ về chỗ cũ ở trạng thái sẵn sàng cho người sau sử dụng.

Trẻ không được làm phiền giáo viên trong lúc cô đang hướng dẫn bạn khác.

Trẻ cần kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình trong bất kỳ hoạt động nào.

v.v...


Kỷ luật là yếu tố duy trì một lớp học trật tự, ngăn nắp và bảo vệ quyền lợi cũng như đảm bảo trách nhiệm của mỗi cá nhân. Từ kỷ luật bên ngoài, trẻ sẽ có ý thức xây dựng lên kỷ luật tự thân - một đặc điểm vô cùng quan trọng đóng góp cho quá trình vươn tới thành công của trẻ trong tương lai.


Yêu thương

Yêu thương trong lớp học Montessori được thể hiện không phải chỉ bằng lời nói mà còn qua nhiều khía cạnh tích cực khác.


Trẻ cảm nhận được yêu thương từ cảm giác được tôn trọng. Bất kể đứa trẻ đó nghịch ngợm, hiếu động hay lầm lì, cục cằn, các giáo viên đều tôn trọng cá tính riêng của chúng. Trẻ sẽ không lo bị phán xét, đánh giá hay bị dán lên mình những cái nhãn tiêu cực. Giáo viên Montessori nắm rõ các quy luật phát triển của trẻ thơ và họ sẽ tìm cách giúp học sinh của mình khắc phục đặc điểm tiêu cực, đẩy mạnh tích cực. Bên cạnh đó, sự tự do của trẻ cũng nhận được tôn trọng thể hiện qua việc không ai can thiệp vào hoạt động chính đáng của chúng.


Đứa trẻ Montessori cũng luôn nhận được sự thấu hiểu và học cách thấu hiểu người khác. Chúng được dạy rằng biểu hiện khó chịu của ai đó có lẽ là hệ quả của một câu chuyện buồn mà họ đã trải qua, và nếu bản thân chúng gặp điều gì đó không vui, người khác cũng sẽ dành cho chúng một cái nhìn độ lượng như thế.


Bộ môn Thực hành Cuộc sống trong Montessori giúp trẻ học cách ứng xử lịch thiệp, giao tiếp ôn hòa. Chúng được tạo điều kiện để hiểu ý nghĩa tốt đẹp của việc giúp đỡ người khác. Bởi vậy, những đứa trẻ bắt đầu hình thành phản xạ giúp đỡ một cách tự nguyện, thường xuyên. Lớp học Montessori là nơi vắng bóng sự ganh đua, thưởng - phạt cũng là điều vô cùng hạn chế.


Nếu coi mỗi đứa trẻ là hạt mầm cần chăm bẵm, thì yêu thương chính là mảnh đất màu mỡ - là yếu tố quan trọng đầu tiên quyết định sự sống của hạt mầm.


Rõ ràng là triết lý Montessori không hề cao siêu và gây áp lực lên trẻ đâu phải không ạ? Cha mẹ có quyền quyết định lựa chọn trường cho con phù hợp với tài chính và hoàn cảnh của gia đình. Tuy nhiên, mình mong các bậc phụ huynh dành thêm thời gian để nghiên cứu về những ưu điểm của các phương pháp giáo dục sớm, để không vô tình bỏ qua các lợi ích cho con trẻ, hoặc ít nhất là không hiểu lầm nghiêm trọng về những triết lý giáo dục đầy giá trị này.


(Ảnh: thiết kế từ Canva)


49 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page