Mồm đâu rồi nhỉ? Con chào chú đi!
Chồng tôi có bạn đến chơi nhà. Khách đến, chúng tôi vui vẻ chào hỏi nhau. Đúng ra là tất cả chúng tôi, ngoại trừ Bia vẫn đang say sưa với công trình xếp hình dang dở.
Bia, mồm đâu rồi nhỉ? Con chào chú đi con!
Vài giây ngượng nghịu trôi qua, không một lời đáp lại từ em bé 3 tuổi.
Con tôi không chịu nói lời chào.
Nụ cười của chồng tôi vụt tắt trên môi. Tôi biết anh đang cảm thấy không thoải mái, vì bản thân tôi cũng vậy. Chúng tôi thực sự đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bắt con chào khách bằng được để giữ thể diện (và chấp nhận mất đi một chút kết nối với con) hay là tẽn tò xin lỗi khách vì “đấy bác ạ, nó ương bướng lắm cơ”?
Tôi cá là bạn sẽ một hay nhiều lần rơi vào tình huống tương tự và phân vân không biết làm sao. Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Hãy thử hiểu mình và hiểu con trước đã.
Tại sao tôi cảm thấy không thoải mái khi con không chào người khác?
Trong tình huống trên, rõ ràng vợ chồng tôi đang cảm thấy không thoải mái vì mình thì muốn con vui vẻ chào khách nhưng con thì không làm theo.
Mong muốn của chúng tôi có chính đáng không? Có và không.
CÓ, bởi vì lời chào cao hơn mâm cỗ. Một lời chào hỏi nồng hậu sẽ khiến người ta cảm thấy được chào đón và tôn trọng, là mở đầu cho những kết nối sâu hơn trong bất kỳ giao tiếp xã hội nào. Chào hỏi là kỹ năng quan trọng sẽ còn theo con trong cuộc sống sau này.
KHÔNG, nếu như chúng tôi muốn dùng lời chào của con như một minh chứng cho thành công của mình khi làm cha mẹ. Cảm giác không thoải mái của chúng tôi thực ra phần lớn không phải vì lo lắng cho kỹ năng của con mà đến từ nỗi sợ.
Tôi sợ rằng những người bạn của chồng sẽ đánh giá chúng tôi là cha mẹ tồi khi không biết dạy con. Trong giây phút ấy, tôi cảm thấy xấu hổ và đâu đó trong tôi đang trách con vì đã làm tôi “mất mặt” với các bạn của chồng.
Phải, mọi người có thể sẽ đánh giá bạn. Nhưng đó là việc của họ cơ mà! Giá trị của bạn, những gì bạn đã làm được với tư cách làm cha mẹ không phụ thuộc vào sự đánh giá của người khác. Còn nếu bạn vẫn sợ bị đánh giá (bởi vì tôi cũng thế) thì cần phải tự xử lý nỗi sợ đó của mình thay vì trông chờ vào việc làm cho con răm rắp nghe lời mỗi khi có mặt người khác.
Tại sao có mỗi câu chào mà con cũng không thể nói ra?
Có phải vì con muốn chống đối, muốn gây khó dễ cho tôi không? Trong phần lớn các trường hợp thì không phải vậy. Với mỗi em bé và mỗi tình huống, lý do có thể ít nhiều khác nhau:
Vì không cảm thấy an toàn
Trong câu chuyện trên, khách đến chơi là những người thân thuộc với chồng tôi, nhưng với Bia thì đây là những người hoàn toàn xa lạ. Hẳn là con sẽ nghĩ:
“Mình đang chơi, tự nhiên những người lạ này đến và bố mẹ bảo mình phải nói chuyện với họ. Họ là ai? Họ làm gì ở đây? Họ là người lạ, bố mẹ bảo mình không nói chuyện với người lạ cơ mà?”
Người lớn có thể thoải mái chào hỏi người lạ họ vô tình gặp, nhưng điều đó không nghiễm nhiên có nghĩa là trẻ em cũng vậy. Kể cả con biết rằng đó là những người tốt mà bố mẹ quý mến, thì từ góc độ non nớt của một em bé, con có thể chưa cảm thấy đủ an toàn để giao tiếp.
Thế nào thì mới đủ an toàn? Điều đó phụ thuộc vào tình huống và tính khí của từng em bé. Chúng ta nên nhìn nhận và tôn trọng thay vì phủ nhận cảm giác của con.
Vì…không thích, thế thôi :)
Đôi khi trẻ cảm thấy không thoải mái với người đối diện có thể vì họ hơi lấn lướt trong giọng nói hay thái độ. Nhưng đôi khi họ chẳng làm gì cả, trẻ đơn giản là không có thiện cảm với họ vì những lý do rất…trẻ con, chẳng hạn như “Cô này đeo kính, mình không thích cái kính đó” hay “Bác kia có râu nhìn thật đáng sợ”.
Có khi, con đang tập trung vào một hoạt động, một trò chơi nào đó rồi đột nhiên khách đến mà con không hề biết trước. Vì vậy mà con vẫn tiếp tục hoạt động của mình, phớt lờ sự chờ đợi của người khách và sự nhắc nhở (van vỉ :)) của bố mẹ thôi.
Vì chưa hiểu ý nghĩa của lời chào
Với người lớn, lời chào là một phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp mà nếu thiếu đi thì sẽ thấy “sao sao”. Nhưng với một em bé mới sống vài năm ở trên đời và còn đang học hỏi rất nhiều về kỹ năng xã hội thì chưa hẳn. Hiểu biết về lễ nghĩa phải được bồi đắp từ từ, và chúng ta sẽ giải quyết nguyên nhân này trong phần cuối bài nhé.
Thế thì tôi phải làm gì?
Trước khi đi vào cụ thể những gì bạn phải làm thì hãy nhớ: tình huống này điều quan trọng nhất con cần ở bạn lại chính là cảm giác an toàn:
“Dù mình có xử sự như thế nào thì vẫn được bố mẹ chấp nhận và yêu thương. Bố mẹ tin tưởng và kiên nhẫn với mình.”
Con cần có niềm tin của bạn và rồi một ngày nào đó, con sẽ tự tin và vui vẻ chào hỏi mọi người con gặp. Trong khi chờ đợi, bạn có thể giúp con đi nhanh hơn bằng một số mẹo dưới đây:
Xóa tan ngượng ngùng
Khoảnh khắc im lặng khi người khác chờ con bạn lên tiếng chào mà không thấy, hãy nhắc mình đừng ép buộc. Ép buộc chỉ làm trẻ có ấn tượng tiêu cực với việc chào hỏi mà thôi.
Hãy chào thay con mà không tỏ ra khó chịu, rồi nhanh chóng đổi chủ đề. Tuyệt đối không nên chữa thẹn bằng những câu như: “Đấy bác ạ, hư thế không biết. Càng ngày càng ương nói không nghe.” Con đang nghe bạn nói và bạn biết nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến con rồi chứ?
Dạy con ý nghĩa của lời chào
Vào lúc con cảm thấy thoải mái và đang sẵn sàng lắng nghe, hãy giải thích với con rằng lời chào sẽ giúp con thể hiện sự tôn trọng và niềm vui khi gặp ai đó. Đặc biệt là khi thấy con chào ai đó (như là ông bà, bố mẹ) hãy ghi nhận: “Con chào ông to vậy con xem ông vui chưa kìa. Khi con chào ai đó, người đó sẽ cảm thấy rất vui đấy.”
Làm gương cho con
Kể từ khi có con, tôi nhận thấy mình…cởi mở với mọi người hơn trước. Để làm gương cho con, tôi cố gắng chủ động chào hỏi con và mọi người với thái độ nồng hậu mỗi khi gặp mặt. Tôi biết, Lạc Bia đang quan sát tôi và mỗi lần quan sát là một lần học hỏi.
Điều không ngờ là chính nỗ lực làm gương cho con lại khiến cho tôi hòa đồng hơn và có nhiều mối quan hệ thân tình hơn.
Chuẩn bị trước cho mỗi tình huống
Bản thân người lớn chúng ta cũng có khi bối rối khi bị rơi vào một tình huống bất ngờ và không biết gì, làm gì. Con chúng ta cũng vậy và thậm chí còn bối rối hơn nhiều vì kỹ năng xã hội còn non nớt. Tôi nhận thấy rằng mọi việc sẽ tốt đẹp hơn nhiều nếu chịu khó nói chuyện trước với con: con sắp gặp ai, mọi người sẽ cùng nhau làm gì, con sẽ chào họ như thế nào, nếu con không muốn chào họ thì vì sao. Nếu có thời gian, tôi sẽ chơi đóng vai với con để tập dượt trước - vừa học vừa chơi khiến con hứng thú và nhớ lâu.
Lời kết.
Sau tất cả những điều viết trên đây thì có những ngày tôi sẽ cười không ngậm miệng được vì hai con chủ động chào người khác mà không cần nhắc. Nhưng cũng có những ngày như hôm đó, con tôi vẫn không chịu chào. Mọi thứ trong hành trình này không bao giờ là tuyến tính. Có thể con chưa thấy đủ an toàn, có thể con không thích. Tôi tự dặn lòng rằng dù sao thì con mới chỉ có kinh nghiệm sống vài năm và còn quá nhiều điều phải học. Tôi sẽ vẫn ở đây kiên nhẫn, hỗ trợ và tin tưởng cho tới khi con cảm thấy sẵn sàng.