top of page

Tại sao bạn cần tạo NẾP SINH HOẠT trong gia đình?

Đã cập nhật: 4 thg 10, 2022

Bài đăng của thành viên Nguyen Nghia trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Có một yếu tố chúng ta thường hay quên nhưng lại cực kỳ quan trọng trong quá trình nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái: xây dựng một nề nếp sinh hoạt ổn định trong gia đình. Không chỉ giúp cha mẹ nuôi dạy con tốt hơn, một nếp sinh hoạt ổn định và lành mạnh còn là “bí quyết” duy trì một gia đình hạnh phúc, thực sự là một nơi-để-trở-về của mỗi người.


Dưới đây là 5 ý nghĩa của việc xây dựng nếp sinh hoạt trong gia đình:


1. Tạo cảm giác an toàn


Mỗi một ngày sắp tới, bạn sẽ cảm thấy sao nếu không biết mình sẽ làm gì, nhất là việc lại do một người khác sắp xếp. Một khi tâm trí bạn còn mải lo lắng: mai mình làm gì?, thì khi công việc tới, bạn khó mà dành toàn tâm toàn ý cho nó.


Trẻ con cũng như vậy, trẻ không có khả năng tự sắp xếp công việc hàng ngày theo thứ tự ưu tiên cho mình. Con cần người lớp giúp. Nếu lịch sinh hoạt càng được duy trì ổn định và nhất quán, con càng dễ làm theo và hợp tác với bố mẹ hơn.


Lịch sinh hoạt giúp con biết trước rằng sắp tới mình sẽ làm những việc gì, mong đợi của bố mẹ cho những việc đó ra sao, mình sẽ làm việc đó một mình hay với người khác, mình có quyền làm việc đó trong bao lâu.


Cảm giác an toàn, ổn định mà nếp sinh hoạt mang lại còn giúp ích cho sự học hỏi và phát triển tâm sinh lý hàng ngày của con.


2. Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh


Trẻ con sẽ không biết được thói quen nào là lành mạnh, thói quen nào là không cho tới khi có một người lớn chỉ ra cho con thấy: con có thể ăn kẹo bánh thỏa thích trước bữa cơm chính; con có thể xem màn hình, chơi game thoải mái mà không bao giờ quan tâm tới thời gian; con có thể thức khuya cho tới khi nào mệt lử mới lên giường đi ngủ mà không nghĩ tới việc hôm sau phải dậy sớm để tới trường; con có thể không vệ sinh cá nhân hàng ngày vì mải chơi; con sẽ không bao giờ giữ gìn đồ dùng học tập và biết cách tự chuẩn bị đồ tới trường nếu không được tự làm và tự chịu hậu quả; cho tới 6 tuổi con có thể không thèm động tay, động chân vào việc nhà vì cho rằng đó là trách nhiệm của bố mẹ; v.v.


Trong độ tuổi dưới 7 (độ tuổi của con lớn của mình), những thói quen mình kể trên và nhiều thói quen khác nữa đều có thể được bố mẹ xây dựng, duy trì và đồng hành cùng con để con hiểu được điều gì là cần thiết, điều gì là không.


Một khi bố mẹ đã xác định được những điều mình ưu tiên cho việc phát triển và hình thành thói quen, nhân cách cho con, bố mẹ sẽ biết cách đưa vào trong lịch sinh hoạt hàng ngày của gia đình những hoạt động nào (tất nhiên điều này dựa trên sự đồng ý, thỏa thuận của bố mẹ về việc như thế nào là tốt nhất - do vậy chúng ta mới có “nếp nhà,” mỗi nhà lại mỗi khác tùy thuộc vào nhu cầu, nhận thức, quan điểm của mỗi người bố và người mẹ trong gia đình đó).


Mình có thể lấy một số ví dụ như:

  • Sáng ngủ dậy con cần dọn chỗ ngủ của mình (5-6 tuổi trở lên)

  • Sau khi đi học về: cất ba lô, giày dép, quần áo đúng chỗ sau đó là thời gian xem YouTube hoặc chơi game (3-7 tuổi)

  • Mỗi cuối tuần con cần dọn tủ quần áo của mình (6-7 tuổi)

  • Tối trước khi ngủ: đánh răng, dọn đồ chơi, sau đó đọc sách và đi ngủ (2-7 tuổi)

  • Mỗi buổi chiều cần dọn nhà: việc của mẹ, việc của con,... sau khi xong là thời gian chơi tự do cùng mẹ. (3-7 tuổi).

3. Duy trì kết nối với bố mẹ


Nếu gia đình bạn đề cao việc chơi với con thì lịch sinh hoạt sẽ giúp bạn kiểm soát và duy trì thời gian cho việc đó. Sẽ thật tốt nếu con biết rằng mỗi một ngày mình có QUYỀN chơi cùng bố hoặc mẹ trong 15-30 phút hay mỗi tối cả gia đình sẽ làm một việc gì đó cùng nhau: chơi game, xem chương trình tivi, đọc sách, chơi thẻ, chơi bài, đố câu đố, chơi lego, đi dạo, v.v.


Một khi khoảng thời gian này được ưu tiên, con sẽ biết rằng mình quan trọng với bố mẹ, mối quan hệ này quan trọng với bố mẹ. Sợi dây kết nối với bố mẹ giống như là một sợi dây kết nối con với cuộc sống này. Sợi dây càng chắc, tương lai của con càng vững vàng và có định hướng hơn.


Bố mẹ luôn giữ vai trò là người định hướng. Chúng ta không thể định hướng được cho con nếu như tới một ngày chúng ta không còn hiểu được con đang là ai, con muốn gì, con đang làm gì nữa, nhất là tới giai đoạn dậy thì khi con ở giai đoạn tiền độc lập. Để có thể làm vậy chúng ta cần có được sự tin tưởng của con. Để có được sự tin tưởng của con, chúng ta cần cho con thấy con an toàn khi ở cạnh bố mẹ. Cảm giác an toàn dù ít hay nhiều có được từ sợi dây kết nối vô hình mà con cảm nhận được từ bé cho tới khi trưởng thành.


4. Giúp con hiểu về quyền và trách nhiệm


Sự thật là nếu bạn cho con có nhiều QUYỀN, con sẽ càng tự thấy mình có nhiều TRÁCH NHIỆM. Trách nhiệm là việc một người làm gì đó xuất phát từ bên trong, tự nguyện. Sự tự nguyện sẽ tới nếu như một người cảm thấy mình có tự do lựa chọn. Sự tự do lựa chọn càng nhiều, người đó càng tự nguyện để nhận trách nhiệm hơn.


Quyền và trách nhiệm còn được xét theo độ tuổi. Con càng lớn càng có thêm quyền: giữ và quyết định tiêu tiền riêng trong chừng mực; tự đi chơi một mình trong không gian rộng hơn; dùng đồng hồ hay một vài thiết bị khác; tự quyết nhiều vấn đề cá nhân; mua đồ mới phục vụ cho việc học và giải trí; v.v. Đồng thời trách nhiệm của con cũng nhiều lên: giúp mẹ nhiều việc hơn; tự lo nhiều thứ cho mình.


(Chúng ta cũng cần tỉnh táo để cân bằng giữa quyền và trách nhiệm của con. Vì có quá nhiều quyền con sẽ trở nên vô tâm, hống hách, ích kỷ; có quá ít quyền con sẽ bức bối, thu mình, phản ứng ngầm, chống đối.)


5. Giúp con tự lập


Nếp sinh hoạt giúp con tự lập vì con biết việc sắp tới phải làm của mình, nếu không làm việc đó thì sẽ thế nào.


Mình thấy nhiều gia đình khá vất vả trong việc sáng gọi con dậy đi học, giữ gìn đồ dùng học tập cho con, dọn dẹp tủ quần áo của con, càm ràm con về sự lộn xộn ở bàn học, thuyết phục con làm các việc cần thiết trong gia đình, v.v. Nếp sinh hoạt hỗ trợ đắc lực để giải quyết những tình trạng này.


Nếu con vẫn chưa tự lập, chưa tự biết lo cho các vấn đề của mình, chúng ta cùng xem lại xem mình đã để con chịu hậu quả cho những lựa chọn, sự cẩu thả, vô tổ chức của con hay chưa, mình đã khuyến khích con đúng cách chưa, mình đã sát sao đồng hành cùng con để duy trì những thói quen được ưu tiên trong nếp sinh hoạt hay chưa, sợi dây kết nối giữa mình và con có vững chắc không, con có tin tưởng và mở lòng để nghe những lời mình nói không. Và làm thế nào để xây dựng được lòng tin ấy lại là cả một hành trình dài để mỗi người làm bố làm mẹ chúng ta học hỏi và trưởng thành cùng con.


17 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page