“Người thầy nội tại”
“Đứa trẻ được chỉ dẫn bởi một quyền năng bí ẩn vĩ đại mà dần dần từng chút một giúp nó hình thành nhân cách và từ đó nó trở thành Con Người” - Maria Montessori

Hồi còn nhỏ, Miu nhà mình từng bị coi là đứa trẻ nhút nhát. Khi ra chỗ đông người, con gần như không cười, ít giao tiếp, mặt lúc nào cũng (tỏ ra) buồn buồn. Nhiều người bảo mình cần phải rèn con theo cách nào đó để bé bớt nhút nhát và bạo dạn hơn. Lúc ấy mình chỉ đáp: việc mình làm là tạo điều kiện và trao cho con môi trường phù hợp, còn lại cứ để ‘người thầy nội tại’ trong con chỉ dẫn cho nó những điều cần thiết.
“Người thầy nội tại” là ai?
Rất nhiều nghiên cứu khoa học được tiến hành trong hàng thập kỷ đã chỉ ra rằng trẻ em có một đời sống tâm lý đặc biệt mà đến tận bây giờ vẫn còn chứa nhiều bí ẩn với thế giới. Chúng ta đã bao giờ tự hỏi: tại sao em bé lại biết bò, biết đi, biết nói, biết cầm nắm và vận động? Có phải em bé làm tất cả những thứ đó là nhờ cha mẹ và cô giáo dạy cho? Câu trả lời là “Không”. Không ai dạy được em bé điều gì. Theo Montessori, ở tuổi ấu thơ, trí tuệ của trẻ em là trí tuệ thẩm thấu, đó là một “hình thái tâm trí có thể tiếp thu kiến thức và tự chỉ dẫn bản thân”. Điều này thể hiện rõ rệt qua thành tựu rực rỡ nhất: ngôn ngữ. Bằng cách kỳ diệu nào đó, em bé đã có thể nói được ngôn ngữ mẹ đẻ của mình mà không cần ai phải dạy dỗ, chính xác, trọn vẹn, hoàn chỉnh; và thành tựu này xảy ra với mọi đứa trẻ trên thế giới, không phân biệt lãnh thổ, văn hóa, tôn giáo. Dường như bên trong em bé có một ‘người thầy nội tại’ – đó là một ‘người thầy chính trực’ được đấng tạo hóa giao trọng trách chỉ bảo cho đứa trẻ cách xử trí với môi trường xung quanh và bảo vệ tâm hồn trẻ thơ đó khỏi những tác động của trí tuệ người lớn.
Mỗi em bé là một cá thể đặc biệt, duy nhất của tự nhiên. Chúng có bản ngã, đặc điểm tính cách, tâm lý riêng biệt. Ngay cả những em bé sinh đôi cùng trứng cũng không thể giống nhau hoàn toàn. Bởi vậy mà trước một tình huống hay hoàn cảnh nhất định, từng đứa trẻ sẽ có phản ứng và trải nghiệm khác nhau. Ví dụ: trong bữa tiệc sinh nhật tràn ngập sắc màu lẫn âm nhạc, ta thấy có em bé sẽ không ngừng nhảy múa hưởng ứng không khí sôi động; nhưng cũng có em bé lặng lẽ, khép nép ngồi trong lòng bố mẹ vì em cảm thấy không sẵn sàng mở lòng trước không gian đầy tiếng ồn cùng những người lạ. Sẽ thật vô lý nếu bắt đứa trẻ kia phải giảm bớt sự hứng khởi, hay đứa trẻ này phải tỏ ra dạn dĩ hơn. Chúng ta dù có cố đến mấy cũng không thể dạy em bé cư xử theo cách mà người lớn mong muốn được. Em bé chỉ nghe theo ‘người thầy nội tại’ của mình. ‘Người thầy’ ấy sẽ đưa ra chỉ dẫn hành vi phù hợp nhất với bản ngã của trẻ, để đảm bảo tâm hồn bé nhỏ được thoải mái và an toàn.
Cha mẹ đóng vai trò gì trong giáo dục trẻ nhỏ?
Trở lại câu chuyện của Miu. Mình tin tưởng vào ‘người thầy nội tại’ nhưng không có nghĩa là mình vô can trong cuộc sống của con. Việc mình đã làm là giúp con tiếp cận người đồng hành phù hợp: những cô giáo có phong thái nhẹ nhàng, vài người bạn tính tình ôn hòa, lịch thiệp; mình mang con đến những buổi giao lưu quy mô nhỏ, ấm cúng và thân thiện. Khi con đã dạn dĩ hơn thì mình gợi ý con thử sức với sân chơi lớn hơn. Tóm lại, mình chỉ cung cấp môi trường cùng sự hỗ trợ, còn con sẽ tự trải nghiệm. Mình tuyệt đối không ép buộc nếu con không thoải mái hoặc chưa sẵn sàng.
Lời kết
Con mình hiện đã bước sang tuổi lên 10, hiếu động, hoạt bát, có năng khiếu nhảy múa vượt trội và không ngại biểu diễn trước đám đông. Sự chuyển đổi đời sống tâm lý từ một em bé “nhút nhát” thành bé gái sôi nổi hôm nay diễn ra hoàn toàn tự nhiên không gượng ép. Mình cảm thấy may mắn vì bản thân ngày ấy đã đủ kiên định để tôn trọng bản ngã của con, tin tưởng con và tin tưởng chính mình.
Trên hành trình làm cha mẹ, các bậc phụ huynh hãy luôn ghi nhớ thực tế rằng: khi trẻ đang ở trong giai đoạn thẩm thấu, chúng ta không thể dạy gì cho con được. Nhiệm vụ của người lớn là hỗ trợ bằng cách tạo ra môi trường được chuẩn bị một cách phù hợp và cẩn trọng nhất để khơi gợi các trải nghiệm của trẻ, giúp trẻ tích luỹ thông tin rồi từ đó tự xây dựng trí tuệ của chúng. Bởi vậy, bạn có thể định hướng hoặc hướng dẫn nhưng phải tôn trọng quyết định của con, cho dù chúng không giống kỳ vọng của bạn. Montessori khẳng định: ”Giáo dục không phải là thứ giáo viên đem lại: giáo dục là một quá trình tự nhiên diễn ra tự phát bởi cá thể người. Nó đạt được không phải bằng cách truyền thụ, mà bằng trải nghiệm với môi trường.” Mình thấy điều này cũng hoàn toàn đúng với giáo dục trong gia đình.
(Lưu ý: ý nghĩa của từ “dạy” trong bài được hiểu là việc người lớn -bằng trí tuệ trưởng thành- có tác động lên trẻ để buộc trẻ thực hiện hành động hoặc nắm bắt thông tin về sự kiện hay ý tưởng nào đó.)