Sự công bằng của ngôn ngữ

Bài đăng của thành viên Chi Linh Bui trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
“Quan hệ tình dục”, “bộ phận sinh dục”, “dục vọng”, “khoái cảm”…
Có bao nhiêu bố mẹ ở đây có thể mạnh dạn đọc to và rõ ràng những từ bên trên, đặc biệt là trước mặt con trẻ? Mình dám chắc một điều chỉ cần đọc những từ đó trong đầu thôi mọi người cũng có một chút cảm giác khác lạ so với những từ ngữ thông thường mà chúng ta dùng hàng ngày. Tại sao vậy? Có bao giờ mọi người tự hỏi điều đó không?
Từ bao giờ ngay cả trong cách sử dụng từ ngữ cũng cần phải có sự dè chừng trong khi chúng đều chỉ là ngôn ngữ để biểu đạt những gì con người muốn nói. (Mình chưa bàn luận đến những từ ngữ như F*…). Có lẽ chính từ những định kiến quan niệm được hình thành từ hàng ngàn năm về trước bởi tín ngưỡng khác nhau. Đến thời điểm hiện tại thì “hầu hết” các tôn giáo hoặc “phi tôn giáo” đều phần nào ngại ngùng khi đề cập đến vấn đề “tình dục” vì họ cho đó là “nhạy cảm”, “kín đáo”, “riêng tư”… Thậm chí có những tôn giáo còn cho rằng TÌNH DỤC là một điều gì đó xấu xa, bị lên án, là tội lỗi.
Có thể mọi người sẽ không ngạc nhiên bởi điều sau đây: “Chúng ta sinh ra từ tình dục, chúng ta sẽ sống vì tình dục (hầu hết), con cái của chúng ta cũng sẽ được sinh ra từ tình dục” – Osho. Vậy tại sao mọi người lại coi đó là một “vấn đề”. Có điều gì khác biệt giữa chúng? Có gì khác nhau khi bạn nói mắt, mũi, chân, tay, tim, phổi… DƯƠNG VẬT, ÂM VẬT, TỬ CUNG… Nếu như bạn mở cuốn Atlas giải phẫu người thì bạn sẽ thấy chúng được đặt vào các chương với sự miêu tả về hình dáng, chức năng … theo một barem giống nhau. Tức là nó chỉ là những từ ngữ chuyên ngành về cơ thể.
Tương tự với vấn đề tình dục. Nó là một trong những sinh hoạt của cuộc sống giống như hít, thở, ăn uống, vui chơi, làm việc... (đương nhiên với xã hội hiện tại rất khó chấp nhận được điều đó) nhưng về bản chất thì hoạt động tình dục cũng chỉ đơn thuần là một việc làm, vậy thôi. Nhưng định kiến đã khiến chúng ta “xấu hổ” khi phải nói đến vấn đề này, thậm chí với cả bạn đời, chưa nói đến việc với con trẻ.
Có rất nhiều khóa học hoặc sách hướng dẫn để “làm cách nào nói chuyện về S.e.x với trẻ”. Mình chưa từng đọc qua một cuốn nào cả, nhưng mình sẽ chọn một cách là nói thật. Nói thật bằng cách nào?
Trước hết bạn phải thật sự thoải mái khi sử dụng bất kì một từ ngữ nào, và chỉ coi nó là từ ngữ, không nên đặt suy nghĩ định kiến của bạn vào một vấn đề. Hãy mở cuốn Atlas giải phẫu người, hãy vào Google đánh những từ khóa mà bạn cho là “nhạy cảm” để đọc và hiểu về nó. Một điều quan trọng là bạn phải thật sự tự tin, không ngại ngùng và sử dụng những từ ngữ đó như bất kì từ nào.
Khi dậy con về thân thể, đừng ngần ngại mua cho con những quyển sách về sinh học (tùy độ tuổi), sử dụng những từ ngữ đúng với các bộ phận trên cơ thể con. Hãy đưa con khám phá sự kì diệu của tất cả các bộ phận trên cơ thể. Đừng che dấu điều gì.
Trong một bộ phim gần đây nhất mình được xem là Adams Family. Có một câu hỏi mà trẻ con thường xuyên được đưa ra đó là :”Trẻ con đến từ đâu?”. Nếu đột nhiên được hỏi mà chưa có sự chuẩn bị, bạn sẽ gỡ rối bằng vài cách như sau: “Trẻ con đến từ thiên đàng”, “những con cò mang con đến”… hoặc sẽ có những bậc cha mẹ sẽ tìm cách nói “hàn lâm” hơn vì họ cũng đã tìm hiểu cách nói với con ra sao cho “hợp lí”. Nhưng cô bé Wednesday trong phim đã trả lời một câu thế này: “My parents have sex” (bố mẹ tớ quan hệ tình dục). Mình ngạc nhiên nhưng lại rất đồng tình với câu trả chính xác đó.
Vậy đâu là cách dễ dàng nhất để trả lời các câu hỏi tò mò của trẻ về cái mà người lớn cho là “nhạy cảm”? Nói sự thật. Đơn giản là sự thật rất dễ dàng để nói ra, thậm chí bạn không cần phải nghĩ. Nó có trong sách vở, chỉ cần bạn hiểu, nhớ và truyền đạt lại rõ ràng và không thiên kiến.
Thời gian trước có thể mình sẽ để cho chồng dậy con giáo dục giới tính, nhưng thời điểm hiện tại mình sẽ chủ động đọc, hiểu và sẽ hướng dẫn lại cho chính bản thân mình công bằng với bất kì từ ngữ nào mình giao tiếp với con.
Đây chỉ là một vấn đề nhỏ trong cả quá trình lớn lên cùng con, ngay cả bạn cũng cần phải học, hãy coi con là bạn đồng môn với mình, hãy cùng nhau học lại từ đầu, phơi trần tất cả những thứ bạn thấy, hãy khám phá lại cùng với con, đừng mang cái sợ của mình vào và biến thành cái sợ của con.
Đừng phán xét, hãy công bằng với tất cả ngay cả với từ ngữ!
Bài viết mang tính tham khảo theo kinh nghiệm cá nhân! Rất vui được sự đóng góp ý kiến từ các bậc bố mẹ!