top of page

Ngôn ngữ ký hiệu của trẻ nhỏ là gì?

Chủ đề hôm nay mình muốn giới thiệu với các bạn là về ngôn ngữ ký hiệu của trẻ nhỏ. Chủ đề này làm mình háo hức và say mê nghiên cứu suốt một thời gian dài trước khi bắt đầu viết những từ đầu tiên về nó.


Mình đã luôn tự hỏi bản thân rằng thực sự thì những em bé sơ sinh và mới biết đi đang nghĩ gì trong đầu. Các bé có muốn nói chuyện với chúng ta hay không? Mình luôn tin rằng các bé cũng cần được trao đổi, giao tiếp hệt như người lớn nhưng các bé laij chưa thể nói thành lời. Vậy có công cụ nào giúp các bé giao tiếp với người lớn mà không cần dùng đến lời nói?


Mình loay hoay tìm tòi một thời gian thì tìm thấy phương pháp “ngôn ngữ ký hiệu của trẻ nhỏ” - câu trả lời hoàn hảo cho thắc mắc bấy lâu của mình. Hạnh phúc và sung sướng vô cùng, nên mình nghĩ phải nghiên cứu thật kỹ để chia sẻ với các bạn - những bậc cha mẹ cũng có ước mong thấu hiểu những em bé đáng yêu của chúng ta.


Ngôn ngữ ký hiệu của trẻ nhỏ là gì?

Hiểu đơn giản đó là tập hợp những hành động, cử chỉ bằng tay dành cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi nhằm mục đích trao đổi, giao tiếp, thể hiện nhu cầu, mong muốn của trẻ đối với người lớn trước khi chúng biết nói.


Những nghiên cứu về ngôn ngữ ký hiệu dành cho trẻ đã được các nhà khoa học bắt đầu từ khoảng hơn 200 năm trước, thông qua công trình của nhà ngôn ngữ học William Dwight Whitney vào năm 1800. Nhưng phải đến những năm 2000, ngôn ngữ ký hiệu của trẻ mới trở nên phổ biến đối với các bậc cha mẹ tại Mỹ thông qua các buổi hội thảo, lớp học và sách về chủ đề nuôi dạy con.


Về cơ bản, ngôn ngữ ký hiệu của trẻ nhỏ bao gồm những ký hiệu giống như ngôn ký hiệu dành cho người khiếm thính (ASL) nhưng chúng không hoàn toàn giống nhau. Bởi trong quá trình trẻ học cách sử dụng ngôn ngữ ký hiệu này, trẻ vẫn được hướng dẫn bằng lời nói song song với hành động, và không phải tuân theo nguyên tắc đặc trưng của ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính. Cha mẹ cũng không cần phải học ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính mới có thể hiểu trẻ muốn nói gì.


Ngôn ngữ ký hiệu mang lại lợi ích gì cho trẻ và cha mẹ?


Cuối những năm 1980, Linda Acredolo, giáo sư Đại học California và Susan Goodwyn, giáo sư Đại học Nam California (Hoa Kỳ) , đã phát hiện ra rằng những em bé sử dụng ngôn ngữ ký hiệu của trẻ thực sự học được các kỹ năng bằng lời nói nhanh hơn những bé không sử dụng. Trong một nghiên cứu tiếp theo, họ đã kiểm tra các em bé đó vào lúc chúng 8 tuổi và phát hiện ra rằng những bé sử dụng ký hiệu hồi thơ ấu đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra IQ so với những trẻ không sử dụng ngôn ngữ này.

Shira Fogel là một nhà nghiên cứu về ngôn ngữ ký hiệu, người đã thành lập Tiny Talkers (một chương trình hội thảo về ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ sơ sinh ở Portland (Hoa Kỳ). Đã vô cùng tin tưởng vào lợi ích của ngôn ngữ này đối với trẻ sơ sinh sau khi chứng kiến ​​sự tiến bộ vượt bậc của con gái đầu lòng. Con gái cô có dấu hiệu đầu tiên (sử dụng ký hiệu để thể hiện nhu cầu thêm sữa) lúc 5,5 tháng, biết hơn 100 ký hiệu khi 12 tháng và có thể nói thành câu khi được 18 tháng tuổi. Ngay cả Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cùng đồng ý rằng ngôn ngữ ký hiệu của trẻ có thể giúp thu hẹp khoảng cách giao tiếp và đã chấp thuận cho ngôn ngữ này.


Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá thần thánh lợi ích của ngôn ngữ này như việc sẽ giúp con trở thành thiên tài, biết nói sớm, thông minh vượt trội. Mà hãy đơn giản hiểu những lợi ích mà ngôn ngữ ký hiệu có thể mang lại cho trẻ cơ bản sẽ bao gồm như sau:

  • Tăng khả năng giao tiếp của trẻ trước khi biết nói

  • Giảm bớt những cơn giận dữ của trẻ, vì chúng được đáp ứng chính xác nhu cầu của mình

  • Giảm bớt sự thất vọng cho cha mẹ, vì chúng ta có thể hiểu trẻ muốn gì hoặc cần gì

  • Mang đến cho trẻ sự khởi đầu thuận lợi trong việc tiếp thu ngôn ngữ

  • Tăng cường mối liên kết giữa bố mẹ và trẻ trong quá trình trao đổi.

Chỉ riêng những lợi ích trên cũng đã giúp hành trình giao tiếp và thấu hiểu con của chúng ta bớt đi rất nhiều áp lực.


Khi nào trẻ có thể học sử dụng ngôn ngữ ký hiệu?


Theo lý thuyết thì khoảng 4 - 6 tháng là trẻ đã có thể bắt đầu học và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, tuy nhiên độ tuổi thực tế mà trẻ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu là khoảng 6 tháng tuổi. Tốc độ và thời gian của mỗi trẻ là khác nhau, chúng ta không nhất thiết phải theo một mốc cụ thể mà nên theo sát sự tiến bộ của con.


Làm sao để dạy trẻ về ngôn ngữ ký hiệu?


Nguyên tắc để dạy trẻ về ngôn ngữ ký hiệu là sự nhất quán và kiên nhẫn. Giống như một ngôn ngữ mới, trẻ không thể học ngay trong vòng một sớm một chiều mà cần thời gian để thẩm thấu ý nghĩa và cách sử dụng ngôn ngữ đó. Chúng ta cần liên tục lặp lại quá trình làm ký hiệu, đưa kết quả liên tục cho đến khi trẻ hiểu và thực hành được ký hiệu đó. Đừng cố gắng chạy nước rút, hay tranh đua trong việc dạy con học ngôn ngữ ký hiệu. Đây đơn thuần là một công cụ hỗ trợ việc giao tiếp giữa con và cha mẹ. Con có thể học hoặc không nếu chúng thực sự không muốn. Và chúng ta cần tôn trọng quyết định của con.


Cha mẹ có thể tìm hiểu cách dạy ngôn ngữ ký hiệu của trẻ ở đâu?


Ngôn ngữ ký hiệu là một công cụ hữu hiệu trong việc hỗ trợ cha mẹ thấu hiểu và đáp ứng kịp thời nhu cầu của trẻ chưa biết nói. Nếu có thể sử dụng nó hiệu quả, hành trình nuôi dạy con của bạn sẽ trở nên thoải mái và dễ thở hơn. Bài viết tiếp theo mình sẽ hướng dẫn cách sử dụng và thực hành những ký hiệu ngôn ngữ cơ bản mà trẻ có thể học.


3 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page