Ngôn ngữ tiếp nhận ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ như thế nào?
Chúng ta gần như sẽ không hiểu gì về thế giới này nếu như khuyết mất khả năng tiếp thu ngôn ngữ trong những năm tháng đầu đời. Tuy quan trọng là thế, nhưng kỹ năng này chưa được nhiều phụ huynh tìm hiểu một cách đúng đắn và rõ ràng để có chiến lược phát triển phù hợp với trẻ nhỏ.

Ngôn ngữ tiếp nhận là gì?
Ngôn ngữ tiếp nhận được hiểu đơn giản là “đầu vào” của ngôn ngữ, nó thể hiện khả năng nghe – hiểu những thông tin mà trẻ nhận được từ môi trường xung quanh. Từ đó biến những thông tin này thành nguyên liệu cho ngôn ngữ diễn đạt của mình.
Chính bởi ngôn ngữ tiếp nhận này mà trẻ hình thành được khả năng tiếp thu ngôn ngữ. Kỹ năng này thể hiện ở việc một đứa trẻ có khả năng thu thập và hiểu được thông tin phát ra xung quanh mình dù đó là ngôn ngữ có lời hay không lời.
Ví dụ: Một đứa trẻ có khả năng nghe và thực hiện đúng hành động “đi giày” khi nghe người lớn nói “Con đi giày vào nhé” phụ thuộc rất lớn vào khả năng tiếp thu ngôn ngữ của đứa trẻ đó.
Tại sao kỹ năng tiếp thu ngôn ngữ lại quan trọng đối với trẻ nhỏ?
Tiếp thu ngôn ngữ là một phần quan trọng trong việc quyết định sự thành công khi giao tiếp của trẻ. Lý do là bởi, hoạt động chính của việc giao tiếp là khả năng hiểu và sử dụng từ ngữ. Nếu như trẻ không có kỹ năng tiếp thu ngôn ngữ, những từ vựng sẽ trôi tuột khỏi bộ não của trẻ hoặc trở nên mơ hồ về ý nghĩa đối với chúng. Không hiểu rõ ý nghĩa của ngôn ngữ khiến trẻ không biết giao tiếp chính xác với người khác.
Hơn thế, kỹ năng này cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng làm theo hướng dẫn và thực hiện yêu cầu từ người khác của trẻ. Ở tuổi nhỏ, có thể mọi thứ không quá nghiêm trọng, nhưng sẽ là vấn đề lớn khi trẻ đi học và có những mối quan hệ rộng hơn bên ngoài xã hội. Chúng sẽ gặp khó khăn trong việc học tập, hiểu được ý nghĩa trong lời nói của người khác hay việc làm theo những hướng dẫn của thầy cô.
Nền tảng giúp trẻ xây dựng và phát triển kỹ năng tiếp thu ngôn ngữ
Sự chú ý và tập trung: Nghĩa là trẻ có thể nỗ lực bền bỉ để thực hiện các hoạt động mà không bị phân tâm, đồng nghĩa với việc trẻ có thể duy trì nỗ lực đó đủ lâu để hoàn thành nhiệm vụ.
Kỹ năng tiền ngôn ngữ: Kỹ năng giúp trẻ giao tiếp mà không cần sử dụng lời nói và bao gồm cử chỉ, nét mặt, ánh mắt và biểu cảm không lời.
Kỹ năng xã hội và tương tác: Điều này được xác định bởi khả năng tương tác qua lại với người khác (bằng lời hoặc không lời), thỏa hiệp với người khác, có thể nhận biết và tuân theo các chuẩn mực xã hội.
Kỹ năng chơi: Tham gia tự nguyện và vui với với các hoạt động xung quanh trẻ. Chúng có thể chọn chơi cùng bạn bè hoặc chơi một mình nhưng dành nhiều thời gian và niềm vui cho những hoạt động đó.
Biểu hiện của trẻ gặp khó khăn trong việc phát triển kỹ năng tiếp thu ngôn ngữ
Khi một đứa trẻ gặp khó khăn với ngôn ngữ tiếp nhận, chúng có thể:
Trả lời các câu hỏi bằng cách lặp lại chính những câu hỏi đó thay vì đưa ra câu trả lời
Rất yếu trong khả năng nghe và nắm bắt thông tin trong cuộc trò chuyện hoặc làm sai liên tục với các yêu cầu đặt ra.
Không làm theo hướng dẫn của cha mẹ/thầy cô dù là những nhiệm vụ cơ bản mà hầu hết trẻ em cùng tuổi đều làm được
Đưa ra câu trả lời bất thường và kỳ lạ cho những câu hỏi nhận được
Thường xuyên gặp khó khăn và từ chối khi tham gia các cuộc trò chuyện với mọi người
Hậu quả nếu trẻ không phát triển hoàn thiện về ngôn ngữ tiếp nhận
Một đứa trẻ không được phát triển hoàn thiện về ngôn ngữ tiếp nhận giống như việc làm một chiếc bánh mà không có bất kỳ nguyên liệu gì trong tay. Bởi ngôn ngữ tiếp nhận là yếu tố giúp trẻ thu thập nguyên liệu cho khả năng giao tiếp của bản thân. Nếu trẻ không có từ vựng, không có sự thấu hiểu về những cử chỉ không lời, không định nghĩa được ý nghĩa của những câu nói ở người đối diện thì trẻ gần như không thể giao tiếp một cách toàn vẹn với người khác.
Không chỉ dừng lại ở việc giao tiếp, khả năng học hỏi, nghiên cứu thông tin hay tự phát triển bản thân của trẻ cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng khiến trẻ tự ti trong giao tiếp, không thể trả lời những câu hỏi đơn giản, mơ hồ trước bất cứ thông tin nào đó xuất hiện trước mặt. Lâu dần, sẽ bào mòn năng lực cá nhân của đứa trẻ đó.
Việc phát triển ngôn ngữ tiếp nhận cho trẻ thực sự không khó nếu cha mẹ kiên trì và thấu hiểu cho con. Trong các bài viết tiếp theo, mình sẽ trình bày những phương pháp và các bài luyện tập giúp cha mẹ có thể phát triển ngôn ngữ tiếp nhận cho con ngay tại nhà.