top of page

Những thực phẩm cần tránh khi nuôi con bằng sữa mẹ

Trước khi bước vào thời kỳ ăn dặm, sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho trẻ. Do đó, các bà mẹ cần tìm hiểu những loại thực phẩm cần hạn chế hoặc tránh hoàn toàn khi đang nuôi con bằng sữa mẹ.


1. Tránh hoàn toàn các loại cá chứa nhiều thuỷ ngân

Cá chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe của bạn và sự phát triển của trẻ. Trong đó, DHA và EPA là hai axit béo omega-3 khó tìm thấy ở nhưng thực phẩm khác. Những axit béo này truyền trực tiếp vào sữa mẹ và trực tiếp cung cấp cho trẻ thông qua sữa mẹ, có vai trò quan trọng cho sự phát triển tối ưu của hệ thần kinh của em.


Ngoài ra, cá rất giàu protein và chứa ít chất béo bão hoà. Đây là lựa chọn lý tưởng giúp mẹ bổ sung thêm nhu cầu protein.


Thế nhưng, không phải loại cá nào cũng tốt. Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo, các bà mẹ mang thai và đang cho con bú cần tránh xa các loại cá có chứa hàm lượng thuỷ ngân cao như cá mập, cá kiếm, cá thu và cá ngói…


Mặc dù thủy ngân tự nhiên có nhiều trong môi trường, nhưng với hầu hết trẻ sơ sinh bú mẹ, nguồn tiếp xúc thuỷ ngân chính là từ chế độ ăn của người mẹ.


Khi mẹ ăn cá, thuỷ ngân trong cá có thể truyền vào sữa mẹ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), thủy ngân tích tụ trong mô cơ (thịt thăn) của cá, nên ngay cả khi nấu chín, cũng không làm giảm hàm lượng thủy ngân có trong cá.


Tuy nhiên, lợi ích của việc ăn cá có thể lớn hơn những tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiếp xúc với thủy ngân qua sữa mẹ. Do đó, thay vì loại bỏ hoàn toàn thực phẩm nhiều dinh dưỡng này ra khỏi bữa ăn hàng ngày, hãy lựa chọn những loại cá chứa ít thuỷ ngân như cá cơm, cá thu, cá hồi, cá mòi, cá trích, cá đối, cá da trơn…


Ăn những loài cá được khuyến nghị với tần suất 2-3 bữa/tuần sẽ giúp giữ mức thủy ngân trong ngưỡng an toàn.

2. Bạn có thể sử dụng những loại đồ uống có cồn không?

Không uống rượu là lựa chọn an toàn nhất đối với các bà mẹ đang cho con bú.


Tuy nhiên, theo học viện nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), các bà mẹ có thể cho con bú sau khi uống đồ uống có cồn với mức độ vừa phải (150ml rượu vang, một cốc rượu hoặc 350ml bia).


Về cơ chế, Khi bạn uống rượu, nó sẽ đi thẳng vào sữa mẹ với nồng độ tương tự như nồng độ được tìm thấy trong máu của bạn. Mặc dù trẻ sơ sinh bú sữa mẹ chỉ tiếp xúc với một phần nhỏ rượu mà mẹ uống, nhưng theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), trẻ sơ sinh đào thải rượu ra khỏi cơ thể chậm hơn rất nhiều so với người lớn.


Khi trẻ tiếp xúc với rượu trên mức khuyến nghị qua sữa mẹ, có thể gây hại cho sự phát triển, tăng trưởng và giấc ngủ của trẻ sơ sinh. Ngoài ra, người mẹ uống quá nhiều rượu cũng có thể làm giảm khả năng phán đoán và khả năng chăm sóc con một cách an toàn của mình.



Nồng độ cồn thường cao nhất trong sữa mẹ 30-60 phút sau khi uống đồ uống có cồn và thường có thể được phát hiện trong sữa mẹ trong khoảng 2-3 giờ sau khi uống. Tuy nhiên, nồng độ cồn trong máu và khoảng thời gian có thể phát hiện ra cồn trong sữa mẹ sau khi uống sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như lượng thức ăn đã ăn trong cùng một khoảng thời gian, trọng lượng cơ thể của mẹ và tỷ lệ mỡ trong cơ thể…


Nếu bạn đã uống các loại đồ uống có cồn với lượng nhiều hơn mức khuyến nghị, bạn có thể đợi 2-3 giờ (mỗi lần uống) để cho con mình bú sữa mẹ, hoặc cho trẻ bú sữa đã được vắt trước đó khi trẻ chưa uống để giảm tiếp xúc với rượu của trẻ.


Việc hút sữa không làm tăng tốc độ đào thải chất cồn ra khỏi cơ thể. Khi nồng độ cồn trong máu của người mẹ giảm theo thời gian, nồng độ cồn trong sữa mẹ cũng sẽ giảm theo.




3. Bạn có thể sử dụng những đồ uống có chứa Caffeine không?

Mẹ sau sinh thường gặp tình trạng thiếu ngủ vì phải thức giấc nhiều lần trong đêm cho con bú, cũng như thay bỉm, chăm sóc con. Một tách cà phê buổi sáng có thể giúp bạn tỉnh táo, cũng như giúp bạn thích nghi được với nhịp sinh hoạt đảo lộn sau sinh.


Thế nhưng, sử dụng những loại đồ uống có chứa caffeine như cà phê, soda, nước trà, nước tăng lực, socola… lúc cho con bú liệu có an toàn?


Theo tiến sĩ Thomas Hale, tác giả cuốn sách Medications and Mother's Milk (Thuốc và sữa mẹ), lượng caffeine trong sữa mẹ bằng khoảng 0,06 - 1,15% lượng caffein mẹ tiêu thụ và đạt mức cao nhất sau khoảng 1-2 giờ sau khi uống. Đây là lượng tương đối nhỏ.


Do đó, bạn hoàn toàn có thể thưởng thức tách cà phê sáng yêu thích, một bữa trà chiều… miễn là bạn hạn chế lượng cafein của mình xuống không quá 300 miligam mỗi ngày.


Điều quan trọng là bạn nên quan sát phản ứng của trẻ.


Một số trẻ sẽ nhạy cảm với caffeine hơn những trẻ khác, đặc biệt với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), trẻ nhỏ khó chuyển hoá caffeine hơn những trẻ lớn.


Nếu bạn hoàn toàn không sử dụng caffeine trong thời kỳ mang thai, trẻ có thể sẽ nhạy cảm hơn với caffeine.


Vì vậy, nếu em bé của bạn quá tỉnh táo, khó ngủ, có thể đặc biệt quấy khóc… khi bạn tiêu thụ một lượng lớn caffeine, bạn có thể cắt giảm lượng caffeine tiêu thụ.


Nếu cắt giảm, bạn hãy cắt giảm từ từ để cơ thể kịp thích nghi, tránh các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ… xảy ra khi bạn cắt giảm caffein đột ngột.


Bạn cũng có thể làm một phép thử. Hãy cắt giảm caffeine trong vòng 1 tuần và theo dõi xem có sự thay đổi trong hành vi của bé không. Sau đó, hãy bắt đầu sử dụng caffeine trở lại, và xem liệu em bé có những biểu hiện cáu gắt đó nữa không. Từ đó, bạn sẽ có câu trả lời cho mình.

Bạn cũng có thể cho bé bú trước khi uống những đồ uống có chứa caffeine. Sau đó đợi ít nhất 3 giờ trước khi bắt đầu cữ bú tiếp theo. Điều này sẽ giúp cơ thể bạn có thể đủ thời gian xử lý caffeine và tránh truyền caffeine qua sữa mẹ.


4. Gia vị nặng mùi

Có thể bạn đã từng nghe nói rằng, những món ăn có mùi vị mạnh như tỏi hoặc các món ăn cay là những thực phẩm nên tránh khi cho con bú.


Các nghiên cứu cho thấy, những thực phẩm có hương vị mạnh có thể làm thay đổi mùi vị sữa mẹ trong vòng một đến hai giờ, và có thể khiến trẻ bỏ bú. Nhưng thay vì loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn uống, bạn có thể theo dõi phản ứng của trẻ.


Phản ứng của trẻ sẽ phụ thuộc vào mức độ quen thuộc của trẻ vào mùi vị thức ăn đó. Nếu trong thời kỳ mang thai, bạn ăn nhiều tỏi và đồ ăn cay, rất có thể em bé của bạn sẽ thích nó.


Ngoài ra, việc cho bé tiếp xúc với các mùi vị khác nhau thông qua sữa mẹ, thậm chí có thể khiến con bạn dễ dàng chấp nhận các mùi vị này hơn khi bắt đầu ăn dặm.




Như vậy, có một số chất có ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển của bé cũng như việc bú mẹ của trẻ như chất cồn, caffein, thuỷ ngân, những gia vị nặng mùi… Đối với những thực phẩm cần tránh bạn nên tránh hoàn toàn để đảm bảo sự phát triển khoẻ mạnh của trẻ.


Nếu bạn nghi ngờ em bé đang phản ứng với thứ bạn đã ăn, hãy thử loại bỏ thực phẩm đó khỏi chế độ ăn của bạn trong một đến hai tuần và xem liệu nó có tạo ra sự khác biệt hay không.

65 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page