top of page

NHÀ CÓ TRẺ NHỎ

Bài đăng của thành viên Nghia Nguyen trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Có lúc thì ồn ào, tiếng hò hét không ngớt, cãi nhau chí choé, khóc tùm lum tùm la, thế nhưng cũng có những lúc yên tĩnh, nhẹ nhàng, mỗi đứa mải mê việc của mình không làm phiền đến ai.


Có lúc chán, mệt, buồn, khó chịu, con khóc lóc, kêu ca, cáu kỉnh, nhưng lại cũng có những lúc con vui vẻ, cười đùa, biết nói thành lời những cảm xúc của mình để được giúp.


Có lúc chúng cãi vã, tranh giành, giận dỗi không thèm nhìn mặt, chơi với nhau, nhưng lại có những lúc mình thấy chúng nhường nhịn, giúp đỡ, chăm sóc nhau rất chu đáo và cẩn thận.


Có những hôm nhắc mấy lần chúng mới làm một việc, mà cũng có những hôm chưa nhắc đã thấy chúng tự giác làm xong xuôi rồi.


Có hôm chúng nằm ì ra nhất định không làm việc gì đó, lại cũng có những hôm tranh nhau giúp việc này, việc kia ở trong nhà.


Sáng cuối tuần hôm nào đó, sau khi ăn sáng xong chơi với nhau được một lúc thì anh lớn bực mình vì hướng dẫn mãi mà em không hiểu, cáu kỉnh bỏ đi chỗ khác. Em giữa quay ra chơi gì đó thì em nhỏ chạy tới giành, vậy là một trận chiến dữ dội nổ ra. Kết quả là ba đứa phải được tách ra ba nơi khác nhau để hạ hoả.


Thế mà hôm rồi đi bộ một đoạn đường rừng khá dài và mệt, tới sân chơi, mình thấy anh chị giúp em trèo lên xích đu và thoả thuận với nhau khi anh trèo lên và trượt cầu trượt bên này chị sẽ đẩy xích đu cho em, lát sau anh thay ca để chị sang trèo và chơi cầu trượt. Chúng cứ thế tự tổ chức mọi thứ cho mình mà chẳng cần người lớn kè kè chỉ bảo.


Hẳn chúng ta sẽ thấy hài lòng, vui vẻ, cảm thấy yêu thương và chấp nhận con những lúc chúng thoải mái, dễ chịu, chơi độc lập, tự giác, hoà bình với nhau như vậy. Thế nhưng khi tình huống ở chiều ngược lại, hầu hết chúng ta sẽ chọn làm gì? Chúng ta có còn chọn chấp nhận và yêu thương con không? Chúng ta có sẵn sàng ngồi lại cùng con đi qua tình huống khó không hay muốn nhanh nhanh chóng chóng xong đi để "sự bình yên" dù là trong đè nén quay trở lại?


Hầu hết những điều chúng ta biết là học từ cách mà trước đây ta thấy người lớn làm với mình. Mình có thể liệt kê ở đây như là khi trẻ khóc sẽ được bảo rằng: nín đi; có gì đâu mà khóc; có thế mà cũng khóc; nín ngay không thì bảo; eo ơi mít ướt kìa; con trai ai lại khóc; mặc kệ nó khóc chán thì thôi; hay là để cho ngồi đấy khóc một mình. Ta có bao giờ nghĩ nhờ thế mà khi trưởng thành mình biết đối diện và xử lý cảm xúc của bản thân một cách lành mạnh? Hay khi nhìn thấy người bên cạnh mình có cảm xúc tiêu cực, ta biết cách thông cảm, chấp nhận và giúp đỡ họ hay không?


Lớn lên cùng với ba đứa trẻ, mình quan sát thấy xung quanh điều ngược lại. Khi buồn và giận, có lúc mình mất tới vài ngày mới nguôi chưa kể trong lúc đó sẽ làm những điều mà lúc sau nghĩ lại mình thấy hối hận. Khi thấy trẻ, hay là người lớn khác, bực bội hay cáu gắt, chúng ta cũng trở nên khó chịu và muốn họ ngừng điều đó lại ngay. Cảm xúc tiêu cực trở thành thứ gì đó như kẻ thù hay mầm mống tai hại. Thế nhưng, sự thật là càng phủ nhận, chối bỏ và né tránh, chúng lại càng được tích tụ và âm thầm lớn lên.


Nếu như cách chúng ta từng được dạy là đúng, vậy tại sao bây giờ nhiều người lớn lại loay hoay, vật lộn với cảm xúc của chính mình như vậy? Tâm trạng chúng ta lên xuống thất thường theo ngoại cảnh, những cơn giận, buồn bực vẫn đều đặn ghé thăm và chi phối rất nhiều hành động của chúng ta.


Ngày hôm qua trong lúc đang chơi cùng bọn trẻ, đứa lớn bực mình với mẹ và khóc. Mình để con khóc một chút, rồi mình nhớ tới một câu trong cuốn sách từng đọc rằng: Hãy hướng dẫn cho con bạn cách nhận diện cảm xúc, thoải mái với cảm xúc đó ở trong mình và biết làm gì với chúng, nó sẽ giúp con có những quyết định đúng đắn hơn trong những lúc khó khăn khi trưởng thành. Mình nói với con rằng: "giờ con đang giận và khó chịu, nhưng cái giận và khó chịu sẽ không ở lại mãi mãi, một lúc nữa chúng sẽ đi và con sẽ thấy khá hơn. Mẹ sẽ ở đây chờ cùng con." Kết quả là chưa đầy hai phút sau con đã lấy lại được trạng thái cân bằng.

Không có đứa trẻ nào, kể cả là người lớn, lúc nào cũng vui tươi, biết thể hiện cảm xúc của mình bằng lời nói, biết lựa chọn làm điều đúng ngay cả khi cơn giận đã bốc lên đỉnh đầu. Không có đứa trẻ nào tự nhiên hiểu về cảm xúc, biết khi cảm xúc khó tới thì phải làm gì. Con cần được chấp nhận, giúp đỡ và hướng dẫn theo thời gian. Và thời gian đó là một chặng đường rất dài xuyên suốt quá trình con lớn lên cạnh chúng ta chứ không phải chỉ hoàn thành trong một ngày, hai ngày, một năm, hai năm mà được. Một lần chúng ta ngồi xuống đi qua một tình huống khó cùng con là một lần con biết chuyện này không tệ như vậy, mình có khả năng đối diện và xử lý được chúng và bố mẹ luôn ở đó, hỗ trợ khi mình cần.


Niềm tin của con với chúng ta được xây dựng từ những lần như thế. Tình yêu của chúng ta với con được thử thách qua những lần như thế. Chúng ta trưởng thành cùng con mình cũng là qua những lần như thế. Những đứa trẻ dạy cho chúng ta nhiều điều hơn ta tưởng rất rất nhiều.

13 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page