Những cột mốc phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ từ 0 đến 5 tuổi
Bài viết này cung cấp đến bố mẹ những thông tin cơ bản về các cột mốc phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ nhỏ trong mỗi độ tuổi nhất định. Thông tin chuyên môn trong bài viết được cung cấp bởi tổ chức ASHA (Hiệp hội Ngôn ngữ Nghe Nói Hoa Kỳ).
Mỗi đứa trẻ đều có thời gian phát triển của riêng mình, những cột mốc này chỉ mang tính tham khảo nhằm đánh giá sơ bộ về năng lực ngôn ngữ của trẻ. Khi có nghi ngờ trẻ gặp vấn đề về ngôn ngữ, bố mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế đủ năng lực để nhận được sự chẩn đoán chính xác và các biện pháp hiệu quả cho vấn đề của trẻ.

Các mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ là gì?
Đó là những dấu hiệu thể hiện khả năng giao tiếp, khả năng nghe – hiểu và khả năng sử dụng lời nói của trẻ trong từng độ tuổi khác nhau. Mỗi đứa trẻ có thể khác nhau về thời gian cho để phát triển kỹ năng nói và ngôn ngữ. Tuy nhiên, đa phần chúng sẽ tuân theo một tiến trình tự nhiên để thành thạo các kỹ năng ngôn ngữ của riêng mình.
Dưới đây là các mốc phát triển về khả năng nghe hiểu, kỹ năng nói và ngôn ngữ ở trẻ em từ sơ sinh đến 5 tuổi. Những cột mốc này giúp bố mẹ hiểu hơn về các thành tựu con có thể đạt được ở độ tuổi của mình, song song với đó chúng cũng giúp các sĩ và các nhà trị liệu xác định xem trẻ đang phát triển bình thường hay cần phải trợ giúp thêm.
Mỗi đứa trẻ cũng có một tiến trình phát triển ngôn ngữ của riêng mình nên có thể có những đứa trẻ không đạt đủ tất cả dấu hiệu trong một độ tuổi nhất định. Các dấu hiệu này cũng có thể xuất hiện sớm hoặc muộn hơn so với mốc phát triển tùy theo sự phát triển cá nhân của trẻ.
Trẻ từ sơ sinh đến ba tháng tuổi
Có phản ứng giật mình với âm thanh lớn
Bình tĩnh hơn hoặc mỉm cười khi được người khác hỏi chuyện
Nhận ra giọng nói của mẹ/bố hoặc người chăm sóc chính
Tạo ra những âm thanh ậm ừ vui thích khi bắt đầu được ăn
Tạo ra những âm thanh gru gru hoặc ọ ọe khi nằm chơi một mình
Có những tiếng khóc khác nhau cho những nhu cầu khác nhau
Mỉm cười khi nhìn thấy mẹ/bố hay người chăm sóc chính
Trẻ từ bốn đến sáu tháng tuổi
Di chuyển ánh mắt về hướng có âm thanh phát ra
Nhận ra và phản ứng với những thay đổi trong giọng nói của người khác (phân biệt được âm sắc của giọng nói quát nạt hay âu yếm)
Chú ý đến những đồ chơi có âm thanh
Chú ý đến âm nhạc xung quanh (có thể hiện sự vui thích thoải mái hoặc gắt gỏng với cường độ âm nhạc khác nhau)
Bập bẹ và cố gắng phát ra lời nói bằng cách sử dụng nhiều âm thanh như p, b, m
Cười to, cười nắc nẻ
Lảm nhảm các âm thanh như “ma ma, da da, nhha nhha..” khi vui mừng, phấn khích
Tạo ra âm thanh tựa như tiếng tặc lưỡi khi tự chơi một mình hoặc chơi với người chăm sóc
Trẻ từ bảy tháng đến một năm
Thích thú khi được chơi trò ú òa
Quay và nhìn theo hướng phát ra âm thanh
Phân biệt được bố mẹ và người thân trong gia đình
Biết lắng nghe khi tham gia vào một cuộc trò chuyện với người khác
Nhận biết được tên của các đồ vật, sự vật quen thuộc như “cốc”, ‘giày”, “sữa”
Lắng nghe và đáp lại với các yêu cầu (ví dụ: trẻ nghe mẹ nói: “Ra đây với mẹ nào” sẽ thực hiện hành động di chuyển về phía người mẹ).
Bập bẹ các nhóm âm thanh ngắn thành âm dài như dada, măm măm, ta ta tà
Tạo ra các âm thanh như tiếng lảm nhảm để thu hút và giữ sự chú ý của người đối diện với trẻ
Biết giao tiếp bằng các cử chỉ như vẫy tay để thu hút sự chú ý, giơ cánh tay lên để chào, xòe tay ra để xin gì một thứ bất kỳ
Biết bắt chước các âm thanh giọng nói khác nhau (ví dụ tiếng bò kêu, gà gáy, mèo kêu…)
Biết nói một hoặc hai từ như Dạ, Mẹ, Bố, Bà, Măm… trước khi tròn 1 tuổi
Trẻ từ một đến hai tuổi
Biết một số bộ phận của cơ thể và có thể chỉ vào chúng khi được yêu cầu
Làm theo những yêu cầu đơn giản như “đá quả bóng lại đây nào”
Hiểu và trả lời được những câu hỏi đơn giản: “Mũ của con ở đâu?”
Thích nghe và bắt chước những câu chuyện, bài hát có vần điệu đơn giản
Chỉ vào tranh ảnh và gọi tên chúng khi nhìn thấy (ví dụ: Trẻ thấy hình ảnh em bé trong sách sẽ chỉ vào hình ảnh đó gọi “bé”. Tuy nhiên không nhất thiết lúc nào trẻ cũng gọi tên chính xác cho tranh ảnh đó).
Thường xuyên học được các từ mới từ môi trường xung quanh
Sử dụng câu hỏi có một hoặc hai từ như: “Mẹ đâu?”, “Bánh?”
Ghép 2 từ vào với nhau để thể hiện nhu cầu như: “Xin bánh”, “Sách thỏ”
Sử dụng nhiều phụ âm khác nhau khi thể hiện từ muốn nói (ví dụ từ “chó” có thể thành “bó”, “khỉ” có thể thành “hỉ”)
Trẻ từ hai đến ba tuổi
Sử dụng một từ để diễn tả mọi thứ
Sử dụng các cụm hai hoặc ba từ để diễn tả và yêu cầu mọi thứ.
Sử dụng tốt các âm k, g, f, t, d và n.
Phát âm các từ và nói theo cách của bản thân nhưng gia đình và bạn bè của con vẫn hiểu được.
Đặt tên cho các đối tượng khác nhau để yêu cầu chúng hoặc hướng sự chú ý đến chúng (ví dụ trẻ muốn chơi thỏ bông, trẻ có thể hét lên “bông, bông, bôngggg” với người lớn để yêu cầu thỏ bông).
Trẻ từ ba đến bốn tuổi
Nghe và nhận biết được tiếng người khác gọi trẻ từ phòng khác (trẻ thường sẽ chạy đến khi được gọi)
Nghe âm thanh của tivi hay các thiết bị khác ở cùng mức âm lượng với các thành viên khác trong gia đình
Biết hỏi và trả lời các câu đơn giản như Ai, Cái gì, Ở đâu, Tại sao
Kể được với người thân về các hoạt động ở nhà trẻ, trường mầm non hoặc trong chuyến đi chơi đến nhà bạn bè, người thân xa…
Sử dụng các câu có bốn từ trở lên: “Con muốn uống sữa dâu cơ”
Nói một cách dễ dàng, rõ tiếng mà không cần phải lặp lại từ hay âm tiết quá nhiều
Trẻ từ bốn đến năm tuổi
Thể hiện sự chú ý đến những câu chuyện ngắn và trả lời được các câu hỏi đơn giản về câu chuyện đó
Nghe và hiểu hầu hết những gì được dạy và người khác nói ở nhà và ở trường
Sử dụng các câu cung cấp nhiều chi tiết (Ví dụ: Hôm nay ở lớp có thịt bò nhưng con không ăn vì dai lắm)
Kể những câu chuyện bám sát chủ đề
Giao tiếp dễ dàng với những đứa trẻ và người lớn khác
Nói chính xác hầu hết các âm ngoại trừ một vài âm (n, l, r, tr)
Sử dụng các từ có vần nghe được hoặc được dạy (ví dụ: xinh xinh, véo von)
Gọi tên được một số chữ cái và số
Sử dụng thành thạo ngữ pháp ở mức cơ bản
Nhắn nhủ cuối bài
Cuối bài viết, mình chỉ muốn nhắc lại một lần nữa với các bố mẹ rằng, những cột mốc phía trên đều chỉ mang tính tham khảo và mỗi em bé sẽ có một thời gian phát triển khác nhau cho từng cột mốc của mình. Chúng ta không sử dụng thông tin trong bài viết này để làm lý do cho sự lo lắng về việc con phát triển các mốc chậm hơn hay nhanh hơn so với bạn bè trang lứa.
Hãy nhớ, con là con và chúng luôn có lộ trình phát triển của riêng mình, bản thân cha mẹ hãy luôn là người đồng hành và hết lòng tin tưởng vào khả năng của con.