Những đứa trẻ thiếu kiên nhẫn

- "Mẹ ơi, người ta đang làm gì trong nhà kia thế?"
Mẹ chỉ trả lời mà không nhìn hướng tay con chỉ.
- "Mẹ không biết con ạ." - "Mẹ! Mẹ nhìn xem người ta đang làm gì kia!"
Mẹ nhìn thoáng qua rồi lại tiếp tục lái xe, không chắc có nhìn đúng chỗ con chỉ không.
- "À, chắc người ta đang ăn con ạ." - "Người ta đang xây nhà chứ mẹ?" - (Không trả lời) - "Mẹ ơi, người ta đang xây nhà đúng không mẹ?" - (Trả lời cho có) "Ừ." - "Người ta xây nhà mà mẹ! Đấy là người ta đang xây nhà đấy! Mẹ nhìn xem, người ta xây nhà mà!"
Mẹ quay lại thấy con nước mắt giàn giụa, giọng nói cuống quýt, đưa tay quệt nước mắt đến là thương.
Con mình - một em bé 3 tuổi luôn được đánh giá là bình tĩnh, hiểu chuyện, biết lắng nghe lời hướng dẫn và dạy bảo, vẫn thường có những lúc mất bình tĩnh như thế vì mẹ không chú ý đến mình. Bản thân mình không hoàn hảo nên không thể lúc nào cũng chú ý đến con 100% mà không phân tâm bởi cuộc sống. Mình cũng là con người, có nhiều thứ phải lo, phải nghĩ, phải làm.
Trong một nghiên cứu mình từng đọc, các nhà nghiên cứu đưa bố/ mẹ/ người chăm sóc và em bé vào trong một căn phòng với nhiều đồ chơi phù hợp với độ tuổi. Kết quả theo dõi từ camera cho thấy thỉnh thoảng các em bé đang chơi lại ngẩng lên nhìn bố/ mẹ. Nếu bố mẹ chỉ chú tâm vào việc riêng của mình như đọc sách, xem điện thoại, các em bé sẽ lại gần và gây sự chú ý. Nếu sự chú ý này không được phản hồi, rất nhanh, các em bé bắt đầu trở nên mất bình tĩnh và quấy khóc, thậm chí có những hành vi hung hăng như ném đồ vào bố/ mẹ, đánh, cắn, đến khi bố/ mẹ buông điện thoại xuống và bế bé.
Lúc này, thông điệp mà em bé đã học được là: "Phải hung hăng, gây ồn ào mới được chú ý". Nếu sự không - phản - hồi này lặp lại thường xuyên, em bé sẽ dần trở nên mất bình tĩnh, dễ hoảng sợ và trở nên hung hăng trong khoảng thời gian nhanh hơn. Dẫn đến hình thành tính cách mà các bố mẹ vẫn phàn nàn rằng con mình không kiên nhẫn.
Ngược lại, những em bé luôn có sự kết nối với cha mẹ mỗi khi em bé tiến lại gần, thì có thể bình tĩnh và tự chơi trong khoảng thời gian rất lâu. Em bé cũng ôn hoà hơn mỗi lần cần được bố mẹ chú ý, biết kiên nhẫn lắng nghe và hợp tác với bố mẹ hơn mỗi khi được hướng dẫn hay giải thích, vì em biết bố mẹ luôn ở đó và luôn sẵn sàng khi mình cần. Nếu thỉnh thoảng có sự không - phản - hồi bất đắc dĩ, em bé cũng không bị ảnh hưởng nhiều đến tính cách và hành vi lâu dài.
Các bố mẹ thường chỉ nhìn thấy vấn đề trong hành vi của em bé, nhưng ít người có thể tự hỏi trong ngày họ chú ý đến con bao nhiêu thời gian. Họ có thể trông con từ sáng đến tối nhưng sự tương tác và chú tâm thật sự, không phân tâm bởi những thứ khác là bao nhiêu? Số lần họ bỏ qua nhu cầu kết nối của con có nhiều hơn số lần họ phản hồi chúng hay không? Trong những lần phản hồi, bao nhiêu lần là phản hồi cho có và bao nhiêu lần là phản hồi thật sự?
Sẽ không tránh khỏi việc cha mẹ có nếp sinh hoạt thật sự bận rộn. Vì vậy thông tin tiếp theo đây có thể giúp ích cho bạn. Đó là CHẤT LƯỢNG HƠN SỐ LƯỢNG.
Trong ngày, hãy cố gắng sắp xếp khoảng 30 phút hoàn toàn dành cho con, không điện thoại, không công việc, không TV hay làm việc gì khác. Hãy ngồi cạnh con, nhìn vào mắt con, hỏi con muốn làm gì, muốn chơi gì và làm theo yêu cầu của con, ôm ấp và nói chuyện với con. Trẻ con không cần gì nhiều hơn thế.
Nếu bạn vừa phải ở nhà trông con, vừa phải làm việc, hãy thử các cách trong bài viết trước đây của mình: https://bit.ly/3oaZFxe
Sáng nay, mình đã có thể nói:
- "Mẹ đang lái xe nên không nhìn được. Con thử đoán xem người ta đang làm gì rồi nói cho mẹ được không?" - "Con không biết đâu. Mẹ nhìn đi mẹ!" - "Mẹ đang lái xe mà. Lái xe mà nhìn ngang nhìn dọc nguy hiểm lắm. Lúc nào xe dừng lại thì con tả lại cho mẹ nhé." - "Người ta đang xây nhà đấy mẹ. Con nói cho mẹ rồi đấy. Mẹ lái xe đi."
Lâu nay mọi chuyện vẫn diễn ra như thế, chỉ là sáng nay mình đã phân tâm vì nhiều chuyện quá thôi.
Thứ con cần thật ra không phải là mình có nhìn hay không, có trả lời được câu hỏi của con hay không. Con chỉ cần sự chú ý và tương tác từ mình thôi. Con mình cũng như con của bạn, cũng chỉ là một em bé bình thường với những nhu cầu bình thường, tính cách bình thường, bên cạnh những hành vi và cư xử không-ai-mong-muốn như tất cả các em bé khác, không hề "ngoan" hơn hay "dễ" hơn. Con lớn dần lên đồng nghĩa với việc chúng ta cũng phải trưởng thành dần trên cương vị làm cha, làm mẹ.
Alicia Vu (Quỳnh)