Những hoạt động phát triển kỹ năng xã hội dành cho trẻ từ 1 – 4 tuổi
Đây là độ tuổi mà trẻ bắt đầu đi học và được tiếp xúc với một xã hội thu nhỏ dành cho chính mình ở trường học. Trong độ tuổi này, những kỹ năng xã hội sẽ được nâng cao hơn, tập trung nhiều vào mục tiêu giúp trẻ học cách cư xử, làm việc nhóm, trao đổi và tiếp thông tin từ người khác một cách thành thục.
Kỹ năng hợp tác và chia sẻ
Khi trẻ đi học là lúc trẻ học cách hòa đồng với những người khác cùng tuổi ở trường hoặc nơi vui chơi. Khi đó để có thể kết bạn và giữ được tình bạn đó, trẻ phải học cách hợp tác trong một nhóm đồng thời biết chia sẻ với người khác. Trẻ cũng cần hiểu thế nào là công bằng và hành động nào sẽ giúp mọi thứ trở nên công bằng với mọi người. Điều này được thể hiện trong việc cư xử tử tế và tôn trọng người khác.
Những hoạt động giúp trẻ học được kỹ năng hợp tác và chia sẻ bao gồm:
Trò chơi vượt chướng ngại vật hoặc chạy tiếp sức
Cùng nhau làm một tòa tháp bằng gỗ hoặc xây dựng thành phố lego hay một khu vườn cho búp bê
Cùng nhau chăm sóc thú cưng tại nhà (nếu có hai em bé trở nên, cha mẹ có thể phân nhiệm vụ cho ăn và đổ nước cho mỗi em bé)
Phân loại đồ chơi, quần áo cũ và cùng con mang đến trung tâm từ thiện
Làm hộp chia sẻ để con có để những món đồ muốn chia sẻ cho người khác vào trong hộp đó phục vụ cho những buổi gặp mặt, tiệc đổi đồ ở trường học hoặc nơi gia đình sinh sống.
Nhập vai kể chuyện hoặc đóng kịch
Kỹ năng làm theo hướng dẫn
Khi trẻ biết đi, phạm vi hoạt động của trẻ được mở rộng hơn bao giờ hết. Trẻ trở nên độc lập và sẵn sàng liều lĩnh hành động để thỏa mãn khả năng khám phá của mình hơn bao giờ hết. Đây cũng là lúc những nguy hiểm có thể xảy đến bất chợt chỉ trong một giây lơ là của cha mẹ hay người chăm sóc.
Bởi vậy, trẻ cần học được kỹ năng làm theo hướng dẫn để có thể giữ an toàn cho bản thân và hoàn thành đúng những công việc được giao. Kỹ năng làm làm theo hướng dẫn nghĩa là việc trẻ làm theo hướng dẫn của người khác từng bước một mà không tranh cãi hoặc làm khác đi theo ý mình.
Kỹ năng này cũng giúp đỡ cho khả năng học tập của trẻ khi bước vào bậc tiểu học, nơi mà những kiến thức và bài tập được đưa ra và nhận những yêu cầu làm theo hướng dẫn từ phía thầy cô.
Những hoạt động giúp phát triển kỹ năng làm theo hướng dẫn mà cha mẹ có thể thử với trẻ bao gồm:
Trò chơi làm theo người dẫn đầu (Cả nhà cùng đứng thành vòng tròn và chọn một người dẫn đầu đứng ở giữa. Nhiệm vụ là làm theo đúng hành động của người dẫn đầu, ai làm không đúng sẽ bị loại và thực hiện hình phạt)
Trò chơi đèn giao thông. (Bố mẹ hô đèn xanh: trẻ được đi, hô đèn vàng: trẻ đi chậm lại và hô đèn đỏ: trẻ dừng lại)
Đọc những cuốn sách có bảng hướng dẫn (ví dụ sách dạy gấp giấy theo mẫu hoặc sách nấu ăn cho trẻ nhỏ)
Cùng trẻ nấu ăn, hướng dẫn trẻ làm theo các bước
Thiết lập các bước hướng dẫn cho các hoạt động thường ngày của trẻ (ví dụ đi giày, mặc áo khoác, mặc quần, dọn đồ chơi…)
Kỹ năng cư xử tử tế
Cư xử tử tế là một kỹ năng trẻ phải học suốt đời, nhưng được học càng sớm sẽ càng có lợi cho trẻ trong cuộc sống hàng ngày. Không phải em bé nào cũng biết cư xử tử tế ngay từ khi mới sinh, bởi những hành động bản năng không được mài giũa sẽ trở thành những hành vi bạo lực hoặc thiếu văn minh với người khác.
Ví dụ trẻ có thể giằng đồ chơi của bạn hoặc đánh bạn khi trẻ quá nhỏ thì đó gọi là bản năng, nhưng nếu trẻ tiếp diễn hành vi đó mà không được hướng dẫn cách cư xử đúng mực thì lớn lên sẽ thành thói bạo lực và ảnh hưởng xấu đến nhân cách của trẻ.
Đó là lý do mà trẻ cần được học kỹ năng cư xử tử tế ở độ tuổi này, khi mà những hành vi bản năng vẫn còn nhưng trẻ cũng dễ dàng tiếp thu những chỉ dẫn để có được cách cư xử đúng mực cho bản thân và mọi người.
Một số hoạt động dạy trẻ cách cư xử tử tế mà cha mẹ có thể áp dụng bao gồm:
Cư xử tử tế với trẻ và mọi người để trở thành tấm gương cho trẻ, bởi cha mẹ chính là người mà trẻ học hỏi nhiều nhất mỗi ngày
Đọc những cuốn sách về cách cư xử tử tế
Tổ chức những bữa tiệc nho nhỏ trong gia đình, để trẻ được tham gia vào hàng loạt những hành động cư xử tử tế với mọi người.
Chơi trò chơi, đóng kịch về những tình huống cư xử mà trẻ gặp phải hàng ngày
Thực hành chia sẻ với cha mẹ, anh chị em về đồ chơi, đồ ăn, đồ dùng hàng ngày mà trẻ có.
Dạy trẻ nói Cảm ơn, Xin lỗi, Vui lòng…
Kỹ năng giao tiếp phù hợp
Ở độ tuổi này, trẻ đã có thể nói được từ và câu đơn giản. Những kỹ năng giao tiếp ở giai đoạn sơ sinh đã không còn phù hợp nữa. Trẻ không thể cứ khóc hoặc hét để giao tiếp mà cần học cách sử dụng những từ ngữ, cử chỉ của mình để trao đổi với người khác.
Theo các chuyên gia tại Positive Psychology, có 8 nguyên tắc cơ bản của giao tiếp bao gồm: sự đồng cảm, kỹ năng trò chuyện, khả năng tạm dừng, từ ngữ tử tế, khả năng tiếp nhận thông tin, suy nghĩ nội tâm, thiết lập được quy trình nghe nói phù hợp và thực hành trong môi trường thực tế.
Những hoạt động thúc đẩy kỹ năng này mà cha mẹ có thể áp dụng bao gồm:
Vẽ tranh và kể chuyện theo tranh
Chơi trò chơi theo lượt
Trò chuyện với con theo cách tích cực
Học cách lắng nghe và thực hành cùng con thông qua việc trò chuyện
Trò chơi gọi điện thoại
Trò chơi hỏi đáp
Kỹ năng tôn trọng không gian riêng tư
Những em bé mới biết đi chưa hiểu thế nào là không gian riêng và tại sao một ai đó lại cần không gian riêng của mình.
Ví dụ khi đi vệ sinh, trẻ cần biết ranh giới của không gian riêng cho việc đó. Điều này còn giúp trẻ học được về giới hạn của người khác với mình, những bộ phận cơ thể không thể để người khác chạm vào hay xâm phạm không gian riêng của bản thân.
Những hoạt động mà cha mẹ có thể áp dụng để dạy trẻ về kỹ năng này bao gồm:
Thực hành không gian riêng với cái dải băng dính trên sàn nhà hoặc phấn vẽ trên sân chơi. (Có thể vẽ từng ô để mọi người lựa chọn không gian riêng của mình, khi muốn vào không gian của người khác cần xin phép và được sự cho phép của người đó)
Trò chuyện đơn giản với trẻ về không gian riêng (ví dụ phòng bố mẹ là không gian riêng, con cần gõ cửa để xin vào và đi vào khi bố mẹ đồng ý, tương tự bố mẹ cũng sẽ gõ cửa khi vào phòng của con)
Đọc sách hoặc kể chuyện về không gian riêng.
Hướng dẫn con về các bộ phận trên cơ thể, những bộ phận người khác không được phép chạm vào
Hướng dẫn con các động tác để bảo vệ bản thân (xua tay, giơ tay ra hiệu dừng lại, hét lên…)
Dạy con học cách nói KHÔNG trong các trường hợp cụ thể
Trẻ nhỏ ở mỗi giai đoạn đều có những sự thay đổi và khác biệt về thể chất, cảm xúc và sinh lý của mình. Bởi vậy nên ở mỗi giai đoạn, trẻ sẽ học những kỹ năng xã hội khác nhau nhưng những hoạt động có thể tương tự nhau với cấp độ nâng cao hơn và cách tiếp cận đa chiều hơn giúp con nâng cấp kỹ năng của mình.
Dù vậy, ở giai đoạn nào, trẻ đều có một điểm chung là sự gắn kết mật thiết với cha mẹ sẽ giúp chúng học hỏi những kỹ năng xã hội này một cách mạnh dạn, hợp tác và thuần thục hơn.