Những hoạt động phát triển ngôn ngữ đơn giản và hiệu quả dành cho trẻ từ 0 đến 5 tuổi
Ngôn ngữ thể hiện tư duy của một đứa trẻ, khi ngôn ngữ phát triển thì tư duy của trẻ cũng phát triển theo. Có rất nhiều hoạt động giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tuy nhiên những hoạt động này cần phù hợp với độ tuổi và khả năng phát triển của trẻ.
Dưới đây là những hoạt động được phân loại theo độ tuổi với tiêu chí dễ thực hiện, có tác dụng tích cực mà mình đã nghiên cứu và thực hành với các em bé khác nhau trong suốt nhiều năm làm việc với trẻ từ 0 đến 5 tuổi.
Trước khi đọc và áp dụng những hoạt động được liệt kê trong bài viết này. Mình có một điều muốn nhắn nhủ với bạn rằng, hãy trò chuyện với con hàng ngày bằng ngôn ngữ mà bạn thấy thoải mái nhất. Không cần thiết phải gò ép mình theo một ngoại ngữ nào đó nếu như bạn không thoải mái và tự tin với nó. Vì khi trò chuyện với con, bạn không chỉ dạy con về ngôn ngữ mà còn là cả cảm xúc và tư duy. Sẽ thật khó để một đứa trẻ học cách nói và sử dụng ngôn ngữ tự tin khi người gần gũi nhất với chúng lại không tự tin về chính ngôn ngữ mà mình đang sử dụng.

Dành cho trẻ 0 – 1 tuổi
Ở độ tuổi này, trước khi cố gắng bổ sung từ vựng cho trẻ, bố mẹ cần chú trọng đến khả năng nghe của con. Vì nếu trẻ bị khó nghe hoặc không nghe được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp thu ngôn ngữ của con.
Những trò chơi đơn giản và hoạt động tương tác thường xuyên sẽ giúp trẻ làm quen với ngôn ngữ, môi trường cũng như thụ động tiếp nhận một lượng lớn từ vựng khi nghe được mọi người xung quanh trò chuyện.
Kiểm tra khả năng nghe:
Kiểm tra khả năng nghe của con bằng cách gây ra tiếng động để xem con có nhìn về phía âm thanh phát ra hay không. Hoặc hỏi chuyện với con và chú ý xem con có nhìn vào bố mẹ khi được hỏi chuyện hay không.
Chú ý đến các vấn đề về thính giác của con, nếu như tai của con bị nhiễm trùng, có dị vật hoặc tổn thương cần đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và điều trị.
Hoạt động phát triển ngôn ngữ:
Luôn đáp lời và nhìn con khi con phát ra âm thanh
Trò chuyện và bắt chước những âm thanh mà con tạo ra
Bắt chước những biểu cảm trên khuôn mặt của con
Cười và tạo ra những âm thanh vui vẻ với con
Dạy con bắt chước âm thanh của những con vật khác nhau, từ vật nuôi trong nhà cho đến những con vật mà con thấy qua sách truyện, chương trình hoạt hình.
Đọc sách cho con nghe mỗi ngày, thói quen này nên được duy trì tối thiểu 15 phút mỗi ngày ngay từ khi con mới lọt lòng. Điều này không chỉ xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ mà con bổ sung một lượng lớn từ vựng và thông tin cho trẻ, giúp ngôn ngữ tiếp nhận của trẻ được phát triển vượt trội trong suốt những năm tháng tiếp theo.
Làm mẫu và hướng dẫn con các hành động như trò chơi ú òa, vỗ tay, thơm má, chào tạm biệt, xòe tay xin… Thực hiện luân phiên theo lượt giữa bố mẹ và con sẽ giúp con nhanh chóng ghi nhớ và thành thục các hành động này.
Nói với con về những điều sắp xảy ra hoặc sắp làm với con, hãy duy trì điều này trong suốt quá trình nuôi dạy con để tạo sự tin tưởng và kết nối giữa bố mẹ với con. Con cũng sẽ không bị quá hoảng hốt hay lo sợ khi có một điều mới xảy đến.
Miêu tả những hoạt động mà cha mẹ đang thực hiện cùng con như: “Mẹ đang gội đầu cho con đấy, mẹ gãi đầu cho con nhé”; “Con đang ăn cà rốt này”, “Mẹ thấy cà rốt này giòn và ngọt quá”…
Trước khi đi đến một địa điểm mới, cần thông báo cho con biết đó là nơi nào, con có thể gặp ai và làm gì ở đó. Có thể kể thêm với con về những con vật có ở đó hay những món ăn con có thể thử sẽ gợi sự tò mò và háo hức cho con nhiều hơn. Đây cũng là cách để bổ sung từ vựng cho con trước mỗi chuyến đi.
Dành cho trẻ 1 – 2 tuổi
Đây là độ tuổi mà các em bé bắt đầu nói được từ đầu tiên của mình, việc phát âm ở thời gian đầu sẽ khó khăn và nhiều lúc bố mẹ không thể hiểu được con đang nói từ gì. Nhưng điều quan trọng là sự kiên nhẫn và lắng nghe con.
Những hoạt động trong độ tuổi này tập trung vào việc giới thiệu cho con những từ vựng đơn giản và cách để phát âm chúng. Khi nói chuyện với con, bố mẹ cần nói chậm, rõ ràng và chính xác, tuyệt đối không nhái lại giọng nói ngọng của con. Bởi ở thời điểm này, con cần được nghe âm thanh đúng của từ, câu để có thể phát âm đúng.
Hoạt động phát triển ngôn ngữ
Nói chuyện với con nhiều nhất có thể. Ví dụ, khi đi dạo, hãy chỉ và gọi tên những gì bố mẹ và con nhìn thấy. Nói những điều như: “Mẹ nhìn thấy con chó kìa. Con chó màu nâu. Con chó sủa gâu gâu đấy con ạ.”
Thường xuyên sử dụng những từ và câu ngắn mà con có thể bắt chước, tuy nhiên vẫn cần sử dụng đúng cấu trúc ngữ pháp để con không bị sai căn bản.
Nói và mô phỏng lại với con về những âm thanh xung quanh con (cả trong và ngoài nhà) như là âm thích của đồng hồ chạy “tíc tắc” hay âm thanh của máy bay “ù ù ù” hoặc tiếng còi ô tô “bíp bíp”.
Chơi với những âm thanh khi đi tắm cùng con như thổi bong bóng và phát ra âm thanh “bbbbbb” mô phỏng âm “b” để con dễ bắt chước. Bài tập này khuyến khích con học theo và bắt chước cách phát âm đúng.
Bổ sung từ vựng cho con khi nghe con nói. Ví dụ: con chỉ con mèo và nói “mèo”, bố mẹ có thể nói thêm: “Con nói đúng rồi, con mèo màu đen đấy. Nó kêu meo meo.”
Đọc sách cho con nghe mỗi ngày. Cố gắng tìm những cuốn sách có hình ảnh lớn và dưới 5 từ trong mỗi trang. Hoạt động đọc sách cho trẻ ở lứa tuổi này có thể thực hiện như sau:
Cho trẻ chỉ vào những hình ảnh mà bố mẹ gọi tên. Ví dụ bố mẹ hỏi: “Nhím đâu nhỉ?” Và đưa tay củatrẻ chỉ vào con nhím trong trang sách đó cùng lúc nói: “Nhím đây rồi. Nhím có màu nâu.”
Sau khi hướng dẫn, bố mẹ tiếp tục chỉ tay vào hình ảnh đó và hỏi trẻ, đây là gì nhỉ? Trẻ có thể không trả lời ngay trong những lần đầu tiên. Bố mẹ có thể trả lời sau khi thấy con không trả lời được.
Đừng dừng lại những hoạt động này ở lần đọc sách tiếp theo. Đến thời điểm phù hợp, con sẽ nói được những từ vựng đó một cách lưu loát khiến bố mẹ bất ngờ vô cùng.
Dành cho trẻ 3 – 4 tuổi
Độ tuổi này con sẽ bắt đầu có hàng loạt câu hỏi để thỏa mãn nhu cầu học hỏi và tính tò mò của mình. Khả năng phát âm của con đã tiến bộ, tuy nhiên tốc độ nói không bắt kịp tốc độ suy nghĩ dẫn đến việc con có thể nói lắp, nói bỏ từ hoặc nói các câu khó hiểu. Nếu bố mẹ không đủ kiên nhẫn lắng nghe có thể khiến con trở nên lầm lì, thiếu tự tin khi nói.
Mỗi khi nhận thấy con có biểu hiện nói lắp hoặc nói quá nhanh mà bỏ từ, nói câu khó hiểu hay gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý kiến của mình. Bố mẹ cần giúp con bình tĩnh lại, hướng dẫn con nói chậm lại một chút và đưa ra những gợi ý để đoán xem mong muốn của con là gì. Điều này giúp con điều chỉnh được tốc độ nói, học cách nói chính xác hơn và rõ ràng hơn.
Hoạt động phát triển ngôn ngữ
Tận dụng những tờ báo cũ và cắt hình ảnh từ đó để tạo ra những bức tranh ngớ ngẩn với con. Bố mẹ có thể cắt hình một chiếc ô tô và dán hình chú chó vào thành tài xế lái xe. Giải thích cho con lý do vì sao chú chó lái xe lại là điều ngớ ngẩn và không chính xác. Cùng con đi tìm câu trả lời đúng bằng các hình ảnh khác
Sắp xếp ảnh mẫu và các đồ vật vào các danh mục quen thuộc với con như thức ăn, con vật hoặc hình khối. Sau đó yêu cầu con tìm hình ảnh hoặc đồ vật không phù hợp với danh mục đó. Ví dụ một em bé không phải là con vật hay một khối gỗ hình vuông không phải ở mục thức ăn.
Đọc, hát và nói về những gì con và bố mẹ đang làm hoặc nơi mà cả gia đình sắp đi đến. Cố gắng sử dụng các từ có vần với nhau, điều này sẽ giúp con học từ và câu mới một cách dễ dàng hơn.
Đọc những cuốn sách có câu chuyện đơn giản, cùng nhau nói về câu chuyện trong cuốn sách đó. Bố mẹ cũng có thể giúp con kể lại câu chuyện bằng cách diễn kịch, hát hoặc đơn giản là chỉ cần kể lại một phần câu chuyện mà con yêu thích hay lời thoại mà con muốn. Trong những hoạt động này, hãy luôn động viên con nếu như con có quên hoặc thiếu tự tin khi trình diễn trước mọi người.
Để con tự vẽ và kể về hình ảnh con vẽ trong bức tranh đó. Cố gắng hiểu và tương tác nhiều nhất với con, dù có thể bức tranh con vẽ trừu tượng hơn bất kỳ điều gì trên đời.
Đặt câu hỏi dành cho con và khuyến khích con đặt câu hỏi cho bố mẹ. Đôi khi trở nên ngốc nghếch trước những câu hỏi của con để con tận hưởng niềm vui của tri thức và say mê tìm kiếm chúng.
Dành cho trẻ 4 – 5 tuổi
Thời điểm này, khả năng ngôn ngữ của con đã ở trình độ tương đối, có thể đối đáp và nói ra rõ ràng những điều mình suy nghĩ hay mong muốn của bản thân. Tuy nhiên, cấu trúc ngữ pháp và từ vựng con dùng có thể vẫn còn lộn xộn chưa đúng. Các hoạt động cần thiết ở giai đoạn này sẽ bao gồm việc bổ sung các từ vựng nâng cao hơn cho con, giúp con phân biệt giữa những từ cùng chủ đề và khác chủ đề. Đồng thời giúp con học cách tư duy logic thông qua việc dạy người khác làm những điều mà con biết.
Hoạt động phát triển ngôn ngữ
Nói với con về vị trí của mọi thứ trong không gian, sử dụng các từ như đầu tiên, cuối cùng, bên phải, bên trái, phía trên, phía dưới… Nói với con về sự đối lập như: to – nhỏ, mặn – ngọt, dài – ngắn… Thực hiện cùng con các trò chơi về sự đối lập để con ghi nhớ và hiểu rõ hơn về những từ vựng này.
Nói về các từ vựng theo cùng một chủ đề như trái cây, đồ vật, con vật hay hình dạng, thực vật. Tương tự với hoạt động ở độ tuổi 3 – 4, bố mẹ sẽ yêu cầu con chỉ ra món đồ nào không cùng chung một chủ đề với các vật khác. Nâng cao hơn bằng cách hỏi con lý do vì sao nó không cùng một chủ đề với những món đồ còn lại.
Để con trở thành giáo viên của bố mẹ bằng cách hỏi con cách để làm một việc gì đó. Ví dụ: “Mẹ quên mất cách đi giày rồi, con dạy mẹ được không?” Điều này giúp con rèn luyện tư duy và cách sử dụng từ ngữ cũng như cách sắp xếp thích hợp để hướng dẫn cho bố mẹ cách làm một điều bất kỳ.
Dành trọn vẹn sự chú ý cho con khi con đang nói. Đáp lời, ghi nhận và khuyến khích con khi con hăng say trò chuyện, đừng ngắt lời con dù khi con nói sai hay vấp váp. Hãy chờ đợi để con bình tĩnh lại và sửa sai sau.
Thu hút sự chú ý của con trước khi muốn nói điều gì đó với con. Hãy tạm dừng ít thời gian để con có thể đáp lại những gì mà bố mẹ nói.
Tiếp tục dạy con những từ vựng mới trong các hoạt động hàng ngày từ đi dạo, đi tắm, ăn uống hay làm việc nhà. Bằng cách nói rõ từ vựng đó và đặt vào tình huống quen thuộc để con có thể tiếp thu và hiểu được ý nghĩa của từ vựng.
Hướng dẫn con cách yêu cầu sự giúp đỡ khi con không hiểu nghĩa của một từ nào đó. Bằng cách đặt câu hỏi theo cấu trúc: Từ… là gì ạ?
Chỉ cho con thấy những thứ giống nhau và cách để phân biệt chúng: Ví dụ quả chanh và quả quất chẳng hạn. Sử dụng các từ để chỉ ra điểm giống và khác nhau của chúng trong quá trình hướng dẫn con phân biệt. Chúng đều là hai loại quả có vị chua, nhưng quả quất nhỏ hơn quả chanh, quả chanh sẽ chua hơn quả quất…
Đóng kịch và chơi trò chơi nhập vai. Con cũng có thể vẽ tranh và thuyết minh về bức tranh đó. Nếu con không biết phải bắt đầu thuyết minh từ đâu, bố mẹ có thể gợi ý cho con bằng cách đặt câu hỏi: đây là ai, cái gì, khi nào, ở đâu, tại sao…
Đọc cùng con những câu chuyện phù hợp và để con dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và giải thích vì sao con nghĩ vậy.
Nhờ con lập kế hoạch hoạt động hàng ngày như danh sách vật dụng cần mua khi đi siêu thi, những điều cần chuẩn bị cho bữa tiệc sinh nhật của con hoặc những điều mà cả nha có thể cùng nhau làm vài ngày cuối tuần.
Điều quan trọng nhất khi cùng con thực hiện bất kỳ hoạt động tương tác nào chính là việc bố mẹ dành trọn vẹn sự chú tâm cho con, thay vì cố gắng làm đôi ba việc cùng lúc. Bỏ điện thoại xuống, tắt tivi đi và tạm dừng những công việc nhà lại để dành thời gian cho con. Chỉ có như vậy, con mới có được môi trường tốt nhất để phát triển ngôn ngữ của riêng mình.