Những kỹ năng xã hội quan trọng dành cho trẻ từ 0 – 6 tuổi
Trên hành trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ nhỏ, nhiều phụ huynh thường hay bắt đầu với việc dạy con học từ vựng thông qua thẻ flashcard hay các trò chơi nhận biết từ vựng nhanh với suy nghĩ con có nhiều từ vựng là có thể nói tốt hơn. Thực tế, từ vựng chỉ là một phần của ngôn ngữ, cha mẹ cần quan tâm đến những kỹ năng sẽ bổ trợ cho khả năng ngôn ngữ của trẻ để có thể cải thiện nó thay vì chỉ chăm chăm vào từ vựng.

Bởi nếu như không có những kỹ năng này, việc học từ vựng chỉ như biện pháp tình thế không mang lại hiệu quả bao nhiêu hay thậm chí khiến trẻ trở nên có ác cảm với học tập nếu như bị dồn ép quá nhiều. Và, kỹ năng đầu tiên mà phụ huynh cần quan tâm đó là kỹ năng xã hội.
1. Tầm quan trọng của kỹ năng xã hội trong sự phát triển của trẻ
Có rất nhiều lý do khiến kỹ năng xã hội trở thành điều quan trọng đầu tiên cần phát triển để giúp trẻ hình thành khả năng ngôn ngữ. Trong số đó, lý do quan trọng nhất là bởi, nếu như không có kỹ năng xã hội, trẻ sẽ gần như không thể giao tiếp với người khác cũng như hiểu người khác đang giao tiếp điều gì với mình.
Khi điều đó xảy ra, khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ không được tự do phát triển hoặc phát triển với những khiếm khuyết nghiêm trọng. Nên, bước đầu trong hành trình hỗ trợ và giúp đỡ trẻ phát triển ngôn ngữ chính là phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ ngay từ khi lọt lòng.
2. Lợi ích của việc phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ từ sớm
Có một thực tế rằng, không nhiều em bé được cha mẹ chú trọng phát triển kỹ năng xã hội ngay từ khi còn nhỏ. Bởi cha mẹ còn giữ quan điểm rằng, trẻ nhỏ chưa tiếp xúc với nhiều người thì những kỹ năng xã hội là chưa cần thiết. Hoặc giữ tâm lý đợi khi nào con lớn mới dạy, và lớn ở đây có thể là khi con đã đi học mẫu giáo, học tiểu học hoặc lớn hơn nữa. Nhiều phụ huynh cũng tin rằng, cứ để con đi học là con tự khắc biết kỹ năng xã hội, phó mặc cho nhà trường và thầy cô. Đó là một quan điểm cần thay đổi càng sớm càng tốt.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 trên Tạp chí Y tế Công cộng Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng:
Nếu được bồi dưỡng những kỹ năng xã hội ngay từ khi lọt lòng, trẻ sẽ có cơ hội:
Tăng 54% khả năng tốt nghiệp trung học phổ thông
Tăng 50% khả năng tốt nghiệp đại học
Tăng 46% khả năng có công việc toàn thời gian ở tuổi 25
Bởi vậy, lợi ích của việc phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ không chỉ dừng lại ở khả năng ngôn ngữ, mà nó còn là hàng loạt những lợi ích khác giúp trẻ tìm được hạnh phúc và tự tin với chính bản thân mình trong tương lai, bao gồm:
Khả năng giao tiếp vượt trội
Có kỹ năng giải quyết vấn đề
Tạo dựng và duy trì tình bạn
Biết làm việc nhóm, hợp tác với người khác
Biết lắng nghe theo cách tích cực
Biết cư xử tử tế
Có thể nhanh chóng thích ứng với các tình huống khác nhau
Thiết lập và duy trì ranh giới an toàn cho bản thân
Biết cảm thông và chia sẻ với người khác
Biết nói “không” một cách thích hợp
Biết đưa ra yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết
Để hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng xã hội, cha mẹ sẽ căn cứ vào độ tuổi, khả năng và nhu cầu của con để lựa chọn những hoạt động phù hợp. Nên trong phần tiếp theo của bài viết sẽ gợi ý 15 kỹ năng quan trọng theo các độ tuổi cùng những hoạt động tương ứng nhằm giúp cha mẹ có thêm nhiều sự lựa chọn để thực hành cùng con.
3. Nguyên tắc khi thực hành những hoạt động phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ
Trước khi thực hành những hoạt động giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội, có ba nguyên tắc cơ bản mà cha mẹ cần ghi nhớ:
Nguyên tắc lắng nghe
Không có em bé nào giống em bé nào, nên có thể hoạt động này bạn của con thích nhưng không có nghĩa là con sẽ phải thích và làm theo. Hãy lắng nghe, cho con thử và để con tự chọn hoạt động đến khi nào con tìm được thứ phù hợp với chính mình.
Nguyên tắc kiên nhẫn
Để hình thành một kỹ năng cần rất nhiều thời gian nên sự kiên nhẫn và bình tĩnh của bố mẹ là cực kỳ cần thiết. Điều này không chỉ tạo ra cho con sự vững tin mà con giúp con thoải mái hơn trong hành trình hoàn thiện kỹ năng của mình.
Nguyên tắc tập trung
Trẻ nhỏ sẽ nhanh chóng nhận ra sự mất tập trung của người lớn khi đang chơi cùng mình. Nên dù chỉ là 10 phút mỗi ngày, cha mẹ cũng cần dành toàn bộ sự tập trung của mình vào hoạt động cùng con để đạt được hiệu quả tối ưu nhất cho từng kỹ năng.
4. Những hoạt động phát triển kỹ năng xã hội dành cho trẻ dưới 1 tuổi
Ở độ tuổi này, các hoạt động dành cho trẻ không cần quá phức tạp mà chỉ cần được thực hiện thường xuyên và nhất quán. Hãy để ý đến sự hứng thú của trẻ, nếu trẻ không muốn tiếp tục, hãy dừng lại. Điều quan trọng nhất để giúp trẻ có được kỹ năng xã hội tốt chính là sự gắn bó mật thiết với cha mẹ.
Kỹ năng giao tiếp hai chiều
Giao tiếp hai chiều là hành vi mà hai cá nhân trao đổi các hình thức giao tiếp qua lại với nhau (bằng lời nói hoặc không lời). Cha mẹ sẽ nhận ra rằng dù còn nhỏ nhưng trẻ rất thích giao tiếp với mọi người. Đó là bởi vì bản năng của trẻ sơ sinh sẽ cố gắng giao tiếp với người chăm sóc của mình thông qua những hình thức khác nhau. Ở giai đoạn này, các hành vi được sao chép từ những gì trẻ nhìn và nghe thấy. Cha mẹ có thể giúp trẻ học kỹ năng giao tiếp qua lại bằng cách:
Giao tiếp bằng mắt và cử chỉ với trẻ (ánh mắt âu yếm, nụ cười…)
Sử dụng từ ngữ đơn giản để đáp lại trẻ (mẹ đây, con cười kìa, mẹ yêu con…)
Hành động đáp lại với cách giao tiếp của trẻ (chạm vào trẻ, vuốt ve, lại gần để trẻ chạm vào người cha mẹ…)
Thường xuyên trò chuyện với trẻ dù ở giai đoạn này trẻ chưa thể nói và hiểu hết những gì mọi người nói.
Chơi trò chơi ú òa
Sử dụng ngôn ngữ ký hiệu dành cho trẻ em
Chơi trò chơi với những chiếc gương (gương nhỏ cầm tay hoặc gương lớn treo trong phòng để trẻ thấy toàn bộ cơ thể mình)
Đọc thơ, hát những bài hát thiếu nhi khi con thức ( cha mẹ nên tự đọc và hát thay vì mở thiết bị phát cho con nghe, bởi các thiết bị sẽ không có tính tương tác thực tế)
Kỹ năng khám phá
Khi trẻ biết bò, chúng sẽ bắt đầu di chuyển nhiều hơn và sự tò mò bản năng sẽ khiến chúng liên tục khám phá môi trường xung quanh. Điều này vô cùng quan trọng đối với sự phát triển về thể chất, tình cảm và xã hội của trẻ. Bằng cách khám phá xung quanh, trẻ có thể bắt đầu phát triển tính độc lập và tin tưởng hơn vào môi trường cũng như con người xung quanh mình.
Một số ý tưởng hoạt động để phát triển kỹ năng khám phá mà bố mẹ có thể thử với trẻ:
Cho trẻ tiếp xúc với những đồ chơi kích thích đa giác quan (sách vải, xúc xắc, thú bông, thực vật như rau, củ quả, hoa lá…)
Giúp trẻ có những trải nghiệm mới và phong phú hàng ngày (đến thăm những địa điểm mới, tiếp xúc với mọi người, chơi đùa cùng động vật…)
Cho phép trẻ được tự do di chuyển trong môi trường an toàn
Để trẻ được tự do và lộn xộn trong quá trình khám phá đồ chơi hay vật dụng xung quanh (có thể trẻ sẽ tháo tung chiếc ô tô mới mua hay bẻ tay của em búp bê vừa cầm được, nhưng đó là cách mà trẻ khám phá, hãy tôn trọng và bình tĩnh trước những hành động này)
Kỹ năng thể hiện nhu cầu của bản thân
Mặc dù khả năng nói được từ ngữ của trẻ thường xuất hiện từ khoảng 1 tuổi trở đi, nhưng trước đó khả năng hiểu những điều người khác nói của trẻ đã được phát triển rất lớn. Song song với khả năng hiểu, trẻ cũng tìm cách bày tỏ nhu cầu của mình với mọi người thông qua cách khóc, hét hoặc cắn. Cha mẹ thường than phiền con mình khóc, hét quá nhiều nhưng lại không tìm cách hiểu được lý do cho những hành vi đó của con.
Việc dạy trẻ kỹ năng thể hiện nhu cầu của mình trong giai đoạn này không chỉ giảm bớt sự căng thẳng của cha mẹ khi chăm sóc trẻ mà con tạo ra sự kết nối và giúp cha mẹ hiểu rõ nhu cầu của con hơn. Khi được đáp ứng kịp thời, trẻ cũng giảm đi sự căng thẳng và biết cách thể hiện mong muốn của mình nhiều hơn.
Những hoạt động giúp trẻ học kỹ năng thể hiện nhu cầu của bản thân mà cha mẹ có thể thử bao gồm:
Học và dạy ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ (những ký hiệu đơn giản cho nhu cầu ăn, uống, bị đau, tã ướt,…)
Sử dụng hình ảnh hoặc bảng giao tiếp với trẻ (Dán những hình ảnh này ở chỗ trẻ có thể với tới và chỉ vào khi cần thể hiện nhu cầu)
Thiết lập lịch trình chăm sóc trẻ nhất quán để nhanh chóng hiểu được nhu cầu của trẻ ở từng thời điểm
Đặt câu hỏi đơn giản với trẻ để xác định nhu cầu (Con muốn mẹ bế con lên à? Mẹ lấy cho con đồ chơi này nhé? Con buồn ngủ rồi đúng không…)
Dạy trẻ một số từ đơn giản (bế, măm, ị…)
Kỹ năng thể hiện cảm xúc
Trẻ học kỹ năng thể hiện cảm xúc bằng cách bắt chước những gì trẻ nhìn thấy từ cha mẹ mình. Đồng thời trẻ cũng học được điều này thông qua những thử nghiệm của chính bản thân. Điều này giúp trẻ thể hiện được chính xác những điều mà trẻ đang cảm thấy cũng như cách mà chúng muốn được đáp ứng với cha mẹ.
Ví dụ khi trẻ thử nghiệm việc cau mày và chuẩn bị khóc và nhận ra cha mẹ sẽ bế trẻ lên và an ủi, sau vài lần như vậy trẻ sẽ học được rằng khi muốn được bế lên và an ủi, trẻ sẽ cau mày và chuẩn bị khóc. Đó là cách mà trẻ nhận ra việc thể hiện cảm xúc sẽ được cha mẹ ghi nhận và đáp ứng.
Những hoạt động mà cha mẹ có thể thử để giúp trẻ rèn luyện kỹ năng thể hiện cảm xúc bao gồm:
Bật nhạc và cùng nhau lắc lư theo nhạc (âm nhạc giúp cảm xúc của trẻ được tự do và dễ dàng thể hiện ra bên ngoài nhiều hơn).
Cùng nhau chơi những trò chơi tưởng tượng
Cùng trẻ đọc những cuốn sách có chủ đề về cảm xúc
Nhận diện cảm xúc của các em bé khác thông qua hình ảnh
Làm mẫu và gọi tên những cảm xúc cho để trẻ nhận biết
Kỹ năng điều chỉnh cảm xúc
Trang Psychology Today định nghĩa điều chỉnh cảm xúc là “khả năng kiểm soát trạng thái cảm xúc của chính mình”. Kỹ năng này giúp trẻ nuôi dưỡng và phát triển những cảm xúc lành mạnh cho bản thân. Trẻ cũng sẽ phát triển tiếp tục kỹ năng điều chỉnh cảm xúc ở độ tuổi lớn hơn một cách dễ dàng nếu được cung cấp nền tảng từ khi còn nhỏ.
Nghe “điều chỉnh cảm xúc” có vẻ quá khó khăn với những em bé chưa đầy 1 tuổi, nhưng chúng ta có thể hỗ trợ để trẻ học được. Cha mẹ cần hiểu rằng phần lớn khả năng điều chỉnh cảm xúc của trẻ ảnh hưởng nhiều bởi sự kết nối giữa trẻ và cha mẹ. Nếu trẻ nhận được sự quan tâm thái quá (liên tục quan tâm và đáp ứng mọi nhu cầu dù cần thiết hay không) hoặc thờ ơ thái quá (bỏ mặc trẻ khóc, không quan tâm bất kỳ nhu cầu nào của trẻ, không trò chuyện với trẻ) từ cha mẹ, đều có nguy cơ mất đi kỹ năng điều chỉnh cảm xúc của chính mình.
Những hoạt động mà cha mẹ có thể làm để giúp trẻ phát triển kỹ năng này bao gồm:
Mang đến cảm giác an toàn cho trẻ thông qua những hành động nhẹ nhàng, yêu thương
Tạo sự tin tưởng với trẻ thông qua trò chuyện và nói trước với trẻ về những điều mình sắp làm
Luôn nhất quán trong giờ giấc cũng như chu trình chăm sóc trẻ giúp trẻ dự đoán được điều gì sắp xảy ra
Học cách điều chỉnh cảm xúc của chính bản thân mình (nếu không bình tĩnh, cha mẹ sẽ rất khó để giúp con học cách điều chỉnh cảm xúc của chính con)
Mang đến cho con công cụ làm dịu cảm xúc như thú nhồi bông hoặc ti giả (nếu thực sự cần)
Những kỹ năng này được gọi là kỹ năng cơ bản để giúp trẻ có nền tảng học hỏi và bổ sung các kỹ năng khác trong suốt hành trình phát triển của mình. Những bài viết tiếp theo sẽ gửi đến các bố mẹ những hoạt động tương thích với những kỹ năng trên cho trẻ theo từng mốc độ tuổi từ 0 – 6.