top of page

Những sai lầm nhỏ nhưng có thể khiến con mất đi sự kiên cường và lòng đam mê sống

Cách đây không lâu, có một em bé đã nói nhỏ với tôi rằng: “Nói con có thể lên mặt trăng là chuyện hoang đường”. Câu nói đó nhắc đến bài báo của tôi mới đăng trước đó, trích dẫn lời của mẹ phi hành gia Amstrong nói với ông lúc nhỏ: “Con có thể lên Mặt Trăng dạo chơi cùng các vì sao”.


Nghe em bé nói, tôi hơi ngỡ ngàng và thất vọng. Không, không phải là vì em bé không đồng tình với quan điểm trong bài báo của tôi. Tôi buồn là vì không hiểu ai đã nỡ nói với bé rằng việc có những ước mơ to lớn là hoang tưởng. Ai gieo vào đầu em bé việc phê phán ước mơ của người khác?


Tôi thực sự buồn cho em. Nếu đã gieo cho em định kiến với ước mơ của người khác, liệu em có mơ giấc mơ của mình? Hay em sẽ chỉ sống và chỉ dám ước mơ những giấc mơ mà người lớn vẽ? Em sẽ chỉ dám mơ những giấc mơ trong khuôn khổ, những giấc mơ mà em biết chắc sẽ làm vui lòng người khác chứ chưa hẳn khiến em vui?


Người lớn chúng ta vẫn mắc những sai lầm như vậy đấy. Những điều đó khiến con trẻ mất đi sự mạnh mẽ và lòng đam mê với cuộc sống.


“Thôi ngay mấy trò ngơ ngẩn của con đi!” Có bao giờ bạn vô tình thốt lên những lời như thế với con khi bày biện mọi thứ một cách lộn xộn chưa? Thật may là tôi đã kịp kìm lại khi thấy con trai đổ rổ đá ra đầy nhà và lọ mọn xếp gì đó. Thằng bé im lặng chạy để xếp đá lên cao rồi dài ra trong giờ nghỉ trưa. Tôi nằm trên võng tranh thủ chợp mắt tí thì bị thằng bé lay dậy.

  • Mẹ, mẹ, nhìn nè! Vừa nói con vừa chỉ tay vào đống đá xếp giữa nền nhà.

Nhìn khuôn mặt hào hứng của con tôi nén cơn bực tức vào trong rồi hỏi:

  • Con xếp gì thế?

Con trai hào hứng:

  • Con xếp robot nè mẹ!

Nhìn kĩ lại, đúng là đống đá được xếp thành hình người có đầy đủ bộ phận từ đầu cho đến các ngón tay, ngón chân. Tôi ngạc nhiên và khen ngợi.

Thằng bé hí hửng nói:

  • Con là nhà khoa học mà mẹ!

Tôi nhớ ra, thỉnh thoảng làm được điều gì đó thằng bé vẫn nói với tôi chắc nịch như thế: Con là nhà khoa học mà mẹ!

Trong phút chốc ấy tôi thấy thật hạnh phúc, thằng bé 4 tuổi ấy có niềm tin vào bản thân và sự say mê với công việc của mình. Điều đó thật quý giá!


Giáo sư tâm lý học Angela Duckworth đã nghiên cứu và khẳng định rằng, tố chất để tạo nên sự thành công tuyệt vời của các bậc lãnh đạo trong tất cả các lĩnh vực từ y học, bán hàng, kinh doanh, báo chí… có được đều bắt nguồn từ sự kiên trì và lòng đam mê.


Ai trong chúng ta cũng có thể sở hữu những tố chất đó. Sự kiên trì và đam mê không hoàn toàn đến từ gen, nó có thể được nuôi dưỡng trong môi trường sống thời thơ ấu.


Nhưng, đáng tiếc, nhiều người trong số chúng ta vô tình hoặc sai lầm bóp nghẹt sự kiên cường cũng như lòng đam mê trong trái tim của trẻ ngay từ rất sớm.


Việc phủ nhận sự cố gắng của trẻ là một sai lầm phổ biến nhất.

Với trẻ, những nỗ lực như dùng thìa chọc vào dĩa, chén để múc thức ăn rồi đưa vào miệng là một quá trình sao chép, thực hành trong nhiều lần. Qúa trình đó có thể vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Nhưng người lớn đôi khi không đủ kiên nhẫn và sự thấu hiểu. Chúng ta cần ngăn nắp, gọn gàng và bữa ăn hiệu quả được đánh giá qua việc con ăn được bao nhiêu. Điều đó khiến bạn phớt lờ sự cố gắng của trẻ và bỏ qua cơ hội cho trẻ đạt được mục tiêu của mình.


Hoặc trẻ muốn tự leo lên xe. Chúng ta thường sợ trễ giờ nên không đủ kiên nhẫn để chờ con bước qua nỗi lo sợ của mình, rồi rụt rè đặt từng bước một lên khung xe và leo lên đúng chỗ. Việc đó mất thời gian và rắc rối. Chúng ta vẫn thường chọn cách bế thốc con lên xe và răn đe hoặc đưa ra một lời đề nghị hấp dẫn nào đó nếu cọn chịu ngồi yên và thôi khóc lóc. Điều đó có thể sẽ không giúp bạn đến chỗ làm sớm hơn vài phút, nhưng rõ ràng nó kìm hãm sự tò mò, việc thực hiện mục tiêu của trẻ.


Rõ ràng để làm được bất cứ điều gì trẻ cũng cần trải qua nhiều lần luyện tập. Trẻ sẽ có những thất bại và nếu bạn đủ kiên nhẫn cho trẻ cơ hội được luyện tập, trẻ sẽ dần đạt được các mục tiêu của mình. Cách tốt nhất để dạy con sống có mục tiêu đó là cho phép con thực hiện những mục tiêu nhỏ của mình và cổ vũ con về việc đó

.

Bạn đang bảo vệ hay bao bọc trẻ?


Bảo vệ con là bản năng của tất cả những người làm cha mẹ hay nuôi dưỡng trẻ. Việc yêu thương trẻ kiến cho chúng ta muốn giữ con trong khoảng cách an toàn nhất với tất cả những mối đe dọa từ bên ngoài. Việc đó bao gồm cả việc hạn chế để con bị đau khi té ngã, con có thể gặp nguy hiểm khi đi ra ngoài hay cảm giác đau khổ khi mất món đồ chơi yêu thích.

Hôm trước, khi dẫn hai con đi dạo, tôi nghe tiếng người nhà cu Rin quát, quay lại thì thấy thằng bé và bạn bị té xe ngay trước cổng nhà. Bà nội trong nhà bước ra nghĩ hai đứa đánh nhau và quát cu Rin một trận, quát luôn thằng bé đang nằm chồng lên người cháu mình mà không cho hai đứa phân bua tiếng nào. Bà không quên nhắc đi nhắc lại bằng giọng người lớn rất nghiêm khắc với thằng bé kia rằng, từ này không được chơi như thế với cháu bà, không thì không xong với bà đâu.


Bà đi vào nhà, hai thằng bé lủi thủi đi hai hướng. Tụi nhóc trong xóm lại tiếp tục trò chơi của mình một cách vui vẻ. Trừ Rin, thằng bé ngồi một xó ngoài sân nhìn bạn chơi, các bạn cũng không có ý định rủ thằng bé vì sợ bà sẽ la.


Có thể, cú trượt ngã lúc nãy khiến cu Bin sẽ đau đầu gối hay đâu đó. Nhưng cái cảm giác lạc lõng như bị bỏ rơi khi cách bạn tách ra như thế chắc cũng không dễ chịu hơn là mấy.


Việc vượt qua một cú trượt ngã đối với cu Bin có lẽ sẽ dễ dàng hơn và có thể con sẽ tự nhận ra được bài học cho mình hơn là việc không dám trượt ngã thêm bất kỳ một cú nào nữa.


Những chú nhím giận dữ.


Sai lầm của chúng ta trong việc nuôi dưỡng trẻ đó là bỏ qua cảm xúc tiêu cực hoặc không cho phép con thể hiện cảm xúc tiêu cực. Những cảm xúc tức giận, buồn bã, sợ hãi, lo lắng thường bị chúng ta nhận định là cảm xúc xấu không được thể hiện. Việc con gào lên khi tức giận hay khóc thảm thiết nửa giờ đồng hồ vì một lý do gì đó thường bị chúng ta dập tắt bằng cách dọa nạt hoặc đánh lạc hướng.


Cách xử lý đó khiến chúng ta bỏ qua cơ hội để con được đối diện và hiểu đúng về cảm xúc của mình. Cảm xúc là một phần của chính các con, dù là cảm xúc tích cực hay tiêu cực đến cũng cần được xoa dịu và công nhận. Có như thế, trẻ mới có thể yêu thương và trân trọng chính mình. Yêu thương chính mình là cách để con bước qua được những khó khăn trong cuộc sống dễ dàng hơn.


Nghĩ hộ, làm thay


“Con khát không, ông lấy cho con ly nước nhé!” hoặc khi con buồn chán thì có thể bật youtube xem từ kênh này sang kênh khác. Việc nghĩ hộ, làm thay cho trẻ khiến cho cuộc sống của con luôn trong tình trạng sẵn sàng. Mọi nhu cầu của mình con chỉ cần dùng chút ít nỗ lực hoặc thậm chí không cần nỗ lực vẫn có thể đạt được. Điều đó khiến trẻ thiếu kiên nhẫn, mất đi động lực bên trong để làm bất kỳ việc gì.


Nhưng tình yêu thương hay sự nghiêm khắc mới có thể khơi dậy sự kiên cường cho con?


Nhiều cha mẹ băn khoăn sợ yêu con nhiều con sẽ trở nên yếu đuối và quen dựa dẫm. Họ chọn làm cha mẹ nghiêm khắc, dùng hình phạt, nguyên tắc thậm chí quả trách hoặc đánh để đưa con vào khuôn khổ.


Nhưng việc chỉ trích, phạt xoáy sâu vào những sai lầm hoặc dán nhãn không khiến con tốt lên mà chỉ khiến tiếng nói tiêu cực đó ăn sâu vào trí óc, trái tim trẻ. Trẻ sẽ không tin tưởng và yêu thương chính bản thân mình.


“Nguồn gốc của kỷ luật tốt là lớn lên trong một gia đình tràn đầy yêu thương, được yêu và học cách yêu người khác” - Benyamin Spock. Việc kết nối và yêu thương là món quà tuyệt vời mà bạn dành con trẻ.


“Trẻ có khả năng sống như cách mà người lớn nghĩ về chúng” Vì vậy, trao cho con niềm tin và sự kiên nhẫn bạn sẽ có cơ hội được nhìn thấy những điều từ con.


Bạn có thể đọc thêm các bài viết liên quan: "Tại sao cần xây dựng sự kiên cường ở trẻ", “Cách để bạn cùng con xây dựng sự kiên cường, lòng đam mê”.

41 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page