NÓI CHUYỆN VỚI CON VỀ RANH GIỚI hay là quyền và trách nhiệm
Đã cập nhật: 8 thg 5
Bài đăng của thành viên Nghia Nguyen trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Mấy hôm trước đi học về, con xin phép được chơi dưới sân một lúc trước khi lên nhà. Mình đang trông bạn nhỏ 21 tháng thì quan sát thấy con lớn đang gọi em rất to từ đầu này sân:
- Thuỳ ơi, ra đây. Thuỳ ơi, ra đây!!!
Vậy nhưng em gái đang chơi trò nhún (trampoline) ở phía đằng này sân rất hăng không hề biết anh đang gọi mình. Anh gọi một lúc không thấy em trả lời thì rất bực, cơn bực có vẻ đỉnh điểm vì mình nhìn thấy con đưa tay quệt nước mắt rồi chạy thật nhanh về phía em.
Mình nhận thấy chuyện không ổn lắm nên bước vội theo và gọi con thật to. Anh chạy tới gần định đưa tay ra đẩy em thì nhìn thấy mẹ vừa gọi mình vừa đi tới nên dừng lại. Con ôm lấy tay mình định cắn (ko phải cắn thật) để thể hiện cơn giận, mình giữ tay con lại thật chặt rồi dẫn con ra chỗ bậc tam cấp ngồi.
Chờ con giải toả cơn giận thêm một lúc (đoạn này bạn ấy gồng mình, cố vung tay mạnh nhưng vẫn trong phạm vi quanh mẹ và không làm mẹ đau), mình mới hỏi:
- Con gọi em mãi mà em không trả lời nên bực lắm đúng không?
- Uhmmm. Giống như mẹ gọi con đi cất bát đũa mà con không ra ấy, mẹ thấy sao?
- Ừ thì mẹ cũng thấy bực mình.
- Thế đấy.
- Nhưng con thấy mẹ bực mình và mẹ có bao giờ đánh hay xô đẩy con không?
- Không.
- Con có muốn mẹ làm thế không?
- Không ạ.
- Con có thể bực mình, đấy là chuyện của riêng con, mình phải tự xử lý nó, có nhiều cách, nhưng con không thể làm đau người khác vì chuyện bực của con. Con hiểu không?
- Mmmmm.
- Với lại có một chuyện nữa.
- Chuyện gì ạ?
- Cất bát đũa là việc nhà, thuộc trách nhiệm của con, dù muốn hay không con cũng cần phải làm. Còn chuyện chơi cùng con hay không lại là quyền của em, không phải trách nhiệm của em. Nếu em không muốn, em có thể từ chối.
- (Im lặng).
- Con muốn chơi lego một mình và không thích bị em làm phiền, có ai bắt con phải cho em chơi lego cùng không?
- Không.
- Vậy nên mình cũng không thể bắt em chơi cùng khi em đang mải chơi trò của em được. Nhất lại là vừa nãy mẹ thấy không phải em cố ý không trả lời con mà vì em không nghe thấy con gọi.
- (Im lặng)
- (Mẹ bắt đầu nghĩ cách để cân bằng lại cảm xúc cho con) Bây giờ mẹ gọi mãi mà con không nghe thấy gì, xong mẹ chạy ra đánh con rồi bảo (giả giọng tức giận): Nàyyyyy, sao mẹ gọi mà con không nghe hảaaaa!!!!! Thì có được không?
- Không.
Xong cả hai tên cùng cười nghiêng ngả rồi nghĩ ngay ra trò khác để chơi cùng nhau.
Nói chuyện một lúc và mình thấy mình đã có cơ hội truyền tải cho con về quyền của con ở đâu, trách nhiệm của con là gì. Và phải nói là mình lặp lại những cuộc hội thoại kiểu này với con rất nhiều lần chứ không phải một vài lần và mình sẵn sàng nói với con như vậy thêm nhiều lần nữa để hình thành cho con một khung nhận thức cơ bản về quyền và trách nhiệm của bản thân.
Mọi người đừng nghĩ trẻ 6,7 tuổi rồi là đã lớn rồi, không cần bố mẹ hỗ trợ gì nữa. Nhiều khi trẻ không kiểm soát được cảm xúc và phạm sai lầm, mình quan sát thấy người lớn hay nói: 7 hay 8 hay 9 tuổi rồi còn như thế này, như thế kia.
Có tiêu chuẩn, luật lệ nào ở đâu chỉ ra 6 tuổi thì không còn được như thế này, 7 tuổi không còn được như kia? Nếu có, mình đồ rằng rất nhiều người lớn nằm cuối bảng đánh giá. Tất nhiên là mình đừng để rơi vào thái cực con 6 tuổi vẫn còn đòi hỏi, mè nheo như 2, 3 tuổi nhưng cũng không thể nhảy sang cực bên kia của 6, 7 tuổi phải cư xử như một người trưởng thành - tức là giữ được sự bình tĩnh mọi lúc, mọi nơi (nhưng thử hỏi có mấy người lớn làm được vậy?)
Mình càng vững bao nhiêu con càng học được từ mình bấy nhiêu và khả năng cao sẽ có nhận thức tốt hơn về việc làm chủ bản thân bấy nhiêu. Đấy là một sự thật người lớn cần hiểu, cần nỗ lực học và tập. Trước hết là để làm chủ cuộc sống của mình, sau đó là hỗ trợ con cái mình.
Và để làm chủ mình, không có cách nào dễ dàng cả. Chúng ta có một số công cụ và các bước cơ bản chính để theo, nhưng việc học và tập qua từng tình huống là không thể tránh khỏi. Mỗi lần tập là một lần bạn phải đấu tranh với cái tôi, với cơn giận. Nó đau và khổ và phải nỗ lực rất nhiều chứ không dễ dàng gì. Nó không phải là có mấy bước thế này tôi chỉ cần áp dụng là xong. Khi bạn thấy mình đang phải đấu tranh dữ dội trong nội tâm và bạn có thể ngừng phản ứng bột phát ra bên ngoài, ấy là lúc quá trình học hỏi để làm chủ chính mình của bạn bắt đầu. Qua đó, bằng một cách nào đó, cũng chính là quá trình làm chủ chính mình của con bạn bắt đầu.