Nỗi đau có thực sự đáng sợ!
Bài đăng của thành viên Chi Linh Bui trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
- Ôi giời ơi, cẩn thận không đau bây giờ!
- Con mà nhẩy từ đó xuống ngã gẫy chân đấy nhá.
- Tránh xa ra không bỏng chết đấy.
- Bảo rồi mà, thấy chưa, nói có sai đâu, đau cho chừa .
- Đau có tí, khóc gì mà khóc mãi thế.
…
Các bố mẹ nghe xong có thấy gợn gợn trong lòng ít nhiều lần mình đã nói chuyện với các con như thế chưa? Hôm nay mình xin chia sẻ trải nghiệm của mình về nỗi đau, hi vọng có thể mang đến một hướng suy nghĩ khác về cảm giác “đau” này.
Mình sẽ không đề cập đến vấn đề bố mẹ giúp con tránh xa những nguy hiểm thực sự để không xảy ra những vấn đề nghiêm trọng, mà chỉ là những tình huống “đau” mà các bạn nhỏ hay gặp thường ngày.
“Đau” là gì? Trước hết nó là một tác động bên ngoài tạo ra một phản ứng trên cơ thể bạn vật lý của bạn, khiến bạn đau. Từ nỗi đau trên cơ thể, bạn bắt đầu cảm thấy khó chịu với nỗi đau đó, ước gì không đau như vậy, ước gì mình đã không vụng về để đau. Đau quá… blah blah rất nhiều những suy nghĩ để mong mỏi nỗi đau biến mất.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì chẳng ai muốn đau.
Nhưng, việc không muốn đau chẳng thể giúp ích được gì cho việc xoa dịu cơn đau cả, mà còn làm bộ não chúng ta căng thẳng hơn, ức chế hơn. Với mọi người mình không dám chắc, nhưng điều này xảy ra thường xuyên với mình. Mình có tiền sử đau đủ thứ, và có những cơn đau chắc là “thân ai người ấy chịu” chứ nói cũng không thể thấm được. Cùng với những cơn đau đó là sự khó chịu, bực bội, xét nét, hờn trách tất cả: tại sao cơn đau lại đến với mình? Và điều đó chẳng giúp được gì cho mình, thậm chí còn làm mình kiệt quệ hơn!
---
CÂU CHUYỆN VỀ CON KIẾN!
Có một lần đang ngồi chơi ở vườn cùng con thì bị một bạn “kiến chúa” cắn cho một cái vào ngón chân. Nói là kiến chúa thôi vì sau cú cắn đó, ngón chân mình bắt đầu gào thét. Hãy thử tưởng tượng một cái kim cắm sâu vào chân bạn khoảng 1cm, nó buốt và lan sang những ngón chân khác.
Mình bắt đầu rú lên như một con thú bị thương, hoảng hốt và bắt đầu có những suy nghĩ bạo động: Con kiến đáng ghét, tao làm gì mày, sao mày lại chọn một ngày đẹp trời khi tao đang vui vẻ để khiến tao đau thế này.
Sao mình không đi dép vào, bị cắn cho là phải.
Cứ thế vừa đau, mình vừa trách móc, hờn dỗi, ghét bỏ, chửi rủa… các cảm xúc bắt đầu trỗi dậy và trói mình chặt hơn!
- Mẹ ơi, mẹ sao thế?
- Mẹ bị kiến đốt đau quá Mỳ ạ.
- ồ.
- Ừ, mẹ đau lắm! Rồi mình run rẩy ôm lấy bàn chân bị kiến đốt
- Con thổi cho mẹ được không?
- Ừ, cảm ơn con (rưng rưng)
- Con hôn nữa nhé. Muah. Cậu bé ngồi dưới thềm và hôn và ngón chân mình đang ghì chặt.
Mình khóc òa lên như một đứa trẻ
- Mẹ ơi, mẹ buồn à?
- Không, mẹ không buồn, mẹ vui lắm. Con có thể cho mẹ ôm con được không? Cảm ơn con đã chăm sóc cho mẹ
- Oh, ok!
Cậu bé sà vào lòng và ôm mình, rồi lại nhe nhởn chạy đi chơi!
Hóa ra nỗi đau chẳng đáng sợ đến thế!
Trong khoảnh khắc đó, nỗi đau vẫn tồn tại ở ngón chân mình, thậm chí hàng giờ sau đó, NHƯNG sự khác biệt là mình biết ơn nỗi đau đó nhường nào. Mình nhận ra được những gì mà nỗi đau mang lại, sự bình yên, quan tâm, và một tình yêu thương không so sánh được.
Con đã dành tình thương sự chăm sóc cho nỗi đau của mình, vậy tại sao mình không làm điều đó cho chính mình? Yêu thương và chăm sóc khi nỗi đau đến thay vì xua đuổi và trách móc điều đó.
Điều mình muốn chia sẻ ở đây chắc rất nhiều bố mẹ đã biết. Đó là việc quan trọng thế nào khi chấp nhận được cảm xúc, MỌI CẢM XÚC. Công bằng với tất cả những gì đang diễn ra trong cơ thể của mình. Vì nếu bạn chỉ ưu ái cho sự vui vẻ, chiến thắng, tự hào và lơ là hoặc ghét bỏ, khống chế sự tức giận, đau đớn, ghen tị, tham lam… thì bạn sẽ càng bị cuốn vào vòng luẩn quẩn đó khó thoát ra được.
---
Dưới đây là một vài cách xử lí khi con mình bị đau
Mỳ đang chơi loanh quanh trong nhà rất vui vẻ, bỗng con đạp chân vào thành bàn khá mạnh và bắt đầu khóc ré lên. Con chạy ra phía mẹ và rên rỉ.
- Mỳ bị đau à con?
- Con đạp chân vào kia, đau lắm
- Uh, đau ở đây hả. Vậy mình vỗ về bạn đau nhé. Xin lỗi ngón chân vì bạn bị đau, để mẹ thổi cho nhé.
- Ừm
- Có cần mẹ thơm vào đó không?
- Oh yeah (cậu bé nhà mình nói tiếng Anh).
- Đỡ hơn chưa con?
- Rồi ạ.
- Mẹ nghĩ bạn ghế cũng đau đó, mình xin lỗi bạn ghế nữa nhé
- Xin lỗi ghế. Xin lỗi bàn chân. Xin lỗi bàn chân kia nữa
Mình bật cười. Ù, phải xin lỗi cho đủ bộ nhỉ.
Một câu chuyện khác. Mỳ kẹp tay vào bàn và lại khóc. Bố hỏi:
- Con đau ở đâu thế?
- Ở ngón tay đây này
- Thế à. Mỗi lần đau bố hay làm thế này: Ouch, xùy ,đau
- Ouch, xùy…
- Con thử hỏi bạn ngón tay xem bạn thế nào?
- Are you ok? (bạn có ổn không?)
- Con thổi cho bạn đi, xin lỗi bạn vì bạn bị đau nhé.
Cậu bé lại thổi phù phù vào chỗ đau, rồi chạy vù đi như chưa có chuyện gì xảy ra
Khi kể lại những câu chuyện bên trên thì mình đã ổn hơn nhiều khi giải quyết những tình huống đau xảy ra với chính mình hoặc người thân. Nhưng có những thời điểm có thể nói: “mình cứ liên tục ép (hoặc bị ép) đè nén nỗi đau khi nó vừa mới kịp xuất hiện – Mình đã “NGƯỢC ĐÃI” nỗi đau (hay nói đúng ra là cảm xúc bên trong mình). Có thể mọi người cảm thấy mình dùng từ hơi quá, nhưng để miêu tả quãng thời gian đó, mình không biết nên sử dụng từ nào chính xác hơn.
Đôi điều muốn nói!
Có rất nhiều cách để chúng ta điều chỉnh cảm xúc của bản thân, mỗi người có một cách khác nhau, không có đúng có sai, mà chỉ là cách nào hữu ích hơn cho tất cả mọi người.
Dù là người lớn hay trẻ con, chúng mình đều đang cố gắng từng bước để “hoàn thiện” mình. Tuy nhiên trong quá trình cố gắng đó, hãy trân trọng bất kì cảm xúc nào đến với bạn, đừng thiên vị hoặc bất công băng với chúng, bởi vì suy cho cùng đó là một phần của chúng ta.
Câu hỏi đưa ra ở đây là: Liệu chúng ta có đủ dũng cảm để yêu thương tất cả những phần đó hay không?