Nói gì khi con hỏi về cái chết
- Mẹ ơi chết là gì ạ?
Khi nhận được câu hỏi này từ một em bé 4 tuổi, bạn sẽ làm gì? Sẽ chọn một câu trả lời hú họa như là “con bé chưa hiểu được, lớn lên thì con biết” hay sẽ đánh lạc hướng con bằng một điều khác để con quên đi? Riêng mình thì chọn đó làm thời điểm thích hợp để nói với con về cái chết - một chủ đề không mấy vui vẻ nhưng thực sự cần thiết.
Nhắc đến cái chết, đối với bất kỳ ai cũng sẽ gờn gợn trong lòng một cảm xúc tiêu cực nhất định. Như mẹ mình hay nói “phủi phui cái mồm” nếu như mình lỡ nhắc đến cái chết hay những điều không may có thể xảy đến. Mẹ mình hay nhiều người khác cũng tin rằng nếu chúng ta tránh nhắc đến thì những điều đó có thể sẽ bớt đi hoặc mãi mãi không xuất hiện. Dĩ nhiên, đó là niềm tin của mỗi người và mình cũng từng tin như vậy cho đến khi trưởng thành.
Thú thật rằng từ khi còn nhỏ, mình cũng chẳng được ai trò chuyện về cái chết một cách rõ ràng mà chỉ là qua sách truyện, phim ảnh. Định nghĩa của mình về cái chết khi đó là một sinh vật biến mất mãi mãi khỏi thế giới này. Cũng không sai nhưng mình thiếu đi cách đối diện với cái chết trong thực tế và điều đó đã gây ra một hậu quả thực sự tồi tệ với mình. Đó năm 27 tuổi, mình mất đi ông ngoại - một cái chết thực tế lần đầu tiên trong cuộc đời và mình rơi vào khủng hoảng mà không biết làm sao để thoát ra. Mình không biết đối diện với cảm giác mất mát, tiếc nuối và đau buồn ấy như thế nào. Hoàn toàn không hề biết phải làm gì và mất rất nhiều thời gian để có thể bình ổn lại.
Trẻ nhỏ cũng như vậy, nếu như không ai nói với chúng về cái chết từ khi còn bé thì chúng cũng sẽ tự biết thôi, bằng cách này hay cách khác. Nhưng chúng cũng có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng nếu như không được dạy làm sao để xử lý cảm xúc khi đối diện với một cái chết thật sự. Và buồn làm sao khi chúng phải giữ mãi trong lòng khủng hoảng đó mà không dám nói ra vì mọi người xung quanh không ai muốn nói về cái chết?
Mình thì chẳng muốn con cái của mình phải buồn khổ trong câm lặng như vậy bao giờ. Thực tế thì chết cũng là một quy luật của tạo hóa và trẻ nhỏ cũng có quyền được hiểu rõ về nó. Giống như cách mà trẻ hiểu vì sao chiếc lá màu xanh, bông hoa lại nở và chú chim lại bay vậy. Dạy con về cái chết cũng là cách giúp con hiểu về sự mất mát. Mà cách đối diện với sự mất mát là một bài học dài cả cuộc đời, học sớm bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.
Với em bé 4 tuổi, mình chọn cách giải thích cho em về cái chết như một quả bóng biến mất mà chẳng bao giờ em tìm lại được dù làm cách nào đi nữa. Em cũng hỏi mình rằng vậy liệu khi sang một nơi khác em có thể có một quả bóng khác được không. Rõ ràng là có, mình khẳng định với em về điều đó. Rồi em bảo một câu thế này: - Con cũng sẽ yêu quả bóng mới như yêu quả bóng cũ. Vậy thôi, câu chuyện về cái chết với em bé 4 tuổi tạm dừng ở đó. Em cảm nhận được mơ hồ về cái chết ở tuổi của em và biết cách vượt qua sự mất mát ở mức độ như vậy là đủ rồi.
Ngoài em bé 4 tuổi, mình cũng trò chuyện về cái chết với những bạn nhỏ học tiểu học ở gần nhà. Mình nói về sự thật rằng người hay bất kỳ sinh vật nào đã chết đi thì không thể sống lại nữa. Khi được hỏi rằng “thế họ có sống ở trên bầu trời, thiên đường hay địa ngục như trong phim không?”. Mình nói mình không rõ họ có sống ở đó hay không nhưng chắc chắn họ luôn được nhớ về bởi những người yêu thương họ.
Vậy đấy, cái chết không phải là một điều xấu, chỉ là người ta gán ghép cho nó những điều tiêu cực bởi sự mất mát và đau thương. Nhưng là điều gì thì cũng có thể nhìn theo hướng tích cực, kể cả cái chết. Và mình chọn dạy điều này thật sớm cho em bé của mình.