top of page

Nỗi sợ của MẸ!

Bài đăng của thành viên Bui Linh Chi trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Mình là bà mẹ của một cậu bé dễ thương tên là Mỳ, mình và cậu bé ấy bằng tuổi nhau, hiện tại chúng mình đang được 2 tuổi rưỡi. Hành trình làm mẹ của mình bắt đầu từ ngày con được sinh ra.


Ôi mọi thứ thật lạ lẫm!


Mình không biết phải cho con ti mẹ thế nào, mình không biết phải vỗ ợ hơi cho con làm sao, những ngày đầu mình còn không cả biết thay bỉm cho con vì mình còn rất đau do vết mổ… vô vàn những điều mình không hề biết về con thậm chí mình đã đọc qua khá nhiều tài liệu, thông tin nhưng than ôi, đẻ đi rồi biết!


Mình hay lo lắng, sợ hãi, tâm lí bất ổn, con khóc quấy vài tiếng cả đêm khiến bản thân kiệt sức, ôm con khóc cùng con và bắt đầu nghi ngờ bản thân về hai tiếng *“làm mẹ”. *Tất cả những suy nghĩ trong đầu mình lúc đó là làm sao để trở thành hình mẫu của một người mẹ biết chăm con, nhưng những gì mình làm được là KHÓC, sợ hãi và muốn bỏ đi.


Những năm tháng đầu đời, con ngắm nhìn, lắng nghe và đôi khi thể hiện một vài cảm xúc nho nhỏ nhưng tất cả những điều đó luôn làm trái tim người mẹ như mình tan chảy. Mình SỐNG cho con, tất cả xoay quanh con và cho dù đến bây giờ suy nghĩ của mình có thay đổi nhưng mình vẫn cảm thấy ổn vì những cảm xúc đầy sự phức tạp trong đó: hạnh phúc, vui vẻ, lo lắng, giận dữ, kiệt sức, sợ hãi vì mình nghĩ mình là một người mẹ chưa đủ tốt.


Và cứ thế con đã lớn dần lên, con trao cho mẹ một niềm tin vững mạnh, con mang đến cho mình tình yêu thương thuần khiết, con giúp mình nhìn lại những nỗi sợ hãi khi lớn lên để rồi giúp mình trưởng thành, yêu thương bản thân mình hơn và yêu thương con như yêu chính bản thân mình vậy.


Thế rồi ngày đầu tiên qua đi, ngày thứ hai, cứ thế tất cả những giây phút tưởng chừng như vô tận ấy cũng bắt đầu trôi qua nhanh hơn với nhiều thử thách hơn, vấp ngã cũng nhiều hơn, mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả chảy máu ( Mỳ chảy máu do mình cắt móng tay và cắt vào ngón tay bé, hoặc bé vập mồm vào bàn,hoặc mèo cào bé, đủ thứ trên đời để chảy máu…)


Khi lớn hơn một chút, con bắt đầu biết lẫy, biết bò, biết đi, biết nghịch ngợm biết thể hiện tất cả những gì thuộc về bản năng của một con người và con thể hiện chúng một cách tự nhiên nhất. Mình đã từng rất sợ và như một chiếc máy cắt cỏ, dọn dẹp đủ điều để tránh cho con bị đau.


Nhưng thời gian làm mình nhận ra: đó là sự lớn lên và trưởng thành của một sinh linh bé nhỏ, từ phản xạ đầu tiên khi con ngậm vào ti mẹ, những ánh mắt chỉ biết đảo từ bên này sang bên kia, cái nắm tay thật chặt vào ngón tay mẹ, những cái vặn mình mặt đỏ gay, đến lần cố gẵng lẫy đầu tiên của con, những lần rướn người để chuẩn bị bò, bao lần lên ngã xuống để đứng dậy và chập chững biết đi… tất cả là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, không sợ hãi, lặp đi lặp lại rất nhiều lần của một cậu bé dám làm, dám chấp nhận.


Rồi đến thời điểm con đang vào độ tuổi mà tất cả mọi thứ đang dường như ở trạng thái tột độ: Hào hứng, tức giận, vui vẻ, la hét, sở hữu…Mọi thứ cứ diễn ra như đang cháy nhà. Con mang lại cho mình những cảm xúc biến thiên theo từng tích tắc. Có những ngày mình chỉ mong muốn tống cổ con đi học để “xin hai chữ bình yên” Mình nhận ra mình sợ những cảm xúc mà con mang đến cho mình. Nó dữ dội và có thể đánh thức “con thú” bị thương trong mình bất kì lúc nào!


“Thì sao chứ?” – đây là một câu hỏi sẽ theo mình một thời gian rất dài!

  • Con ăn vạ. Thì sao chứ?

  • Con khóc lóc, con la hét. Thì sao chứ?

  • Con không ăn, con ném đồ chơi, con đổ nước ra sàn...

Thì sao chứ?


Câu hỏi được đặt ra vào ngay thời điểm này và ở đây, tất cả những việc kia xảy đã xảy ra rồi, thì có sao, nó đã xảy ra rồi mà, mình có thay đổi được ngay tức khắc không? Nếu không thì thôi mặc kệ nó! Và rồi trong giây phút “MẶC KỆ” đó, mình nhận ra đúng là chẳng có gì đáng sợ như vẫn nghĩ. Khi cảm xúc “điên cuồng” kéo đến, nhiều người chỉ kịp nhận ra nó đang dồn dập, nó xảy ra, nó cuốn mình vào… nhưng ít ai nhận ra rồi nó sẽ đi… Trong giây phút cuồng nộ đó, mọi thứ tưởng như không bao giờ kết thúc.


Nhưng chỉ sau đó một giây, chưa kịp suy nghĩ, con đã sà vào lòng mình vào nằm cuộn tròn trong vòng tay mẹ.


Chẳng còn nỗi sợ hãi nào nữa, chỉ còn tình thương ở lại. Một khi tình thương đủ lớn, nỗi sợ hãi rồi cũng dần tan đi, chỉ là liệu ta có muốn buông bỏ hay không?


Đến thời điểm hiện tại, mình vẫn mắc rất nhiều sai lầm trong quá trình làm cha mẹ, nhưng có một điểm khác biệt lớn trong suy nghĩ của mình: Mình đã chấp nhận sự thiếu sót của bản thân, mình không sợ hãi những sai lầm, những giận dữ, nhưng điên loạn đang diễn ra! Dù nó có là gì đi chăng nữa “thì sao chứ?”. Chỉ cần biết cách đặt một câu hỏi đúng đắn và tự bạn sẽ trả lời được: Nỗi sợ của mình là gì?

35 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page