top of page

Để không còn là một người mẹ hay nóng giận

Bài đăng của thành viên Trương Dư Ngọc Trâm trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Mình từng trải qua cảm giác bị chế ngự bởi cơn tức giận luôn ở đỉnh điểm. Có hôm tắm cho con chỉ đơn giản là con nghịch nước mẹ nói không nghe, cơn nóng giận đã khiến mình vả con một cái đau điếng. Con mình từ nhỏ đã sợ xối nước từ đầu xuống, vậy mà có lần nóng giận mình xịt thẳng nước vào mặt khiến con hoảng loạn.


Nếu bây giờ ngồi nhớ lại hết những gì đã từng làm khi nóng giận, chắc mình phải khóc. Không phải lúc đó không biết sai, mình luôn biết cần làm gì tốt hơn nhưng luôn có một sức mạnh nào đó điều khiển mình, đến khi bình tĩnh lại mình đã ôm con khóc và xin lỗi.


Hiện tại mình không đánh, không phạt, rất hiếm khi la hét với con. Giờ nếu hỏi con thấy mẹ thế nào, con sẽ nói: “Mẹ không hung dữ, mẹ dễ thương, con thương mẹ lắm”. Mình cảm thấy quá trình cố gắng của mình thật không uổng phí.


Nhiều mẹ tâm sự với mình rằng chị đọc rất nhiều sách, khóa học nuôi day con đắt cỡ nào cũng không tiếc tiền đăng kí, nhưng chỉ cần cơn nóng giận bùng lên mọi thứ lập tức quay về số 0. Chị không hiểu sao bản thân lại trở nên như thế, mặc dù trước khi có con chị chưa từng mất kiểm soát đến mức này.


Thật ra từ lúc mình sinh ra tới khi trưởng thành, tất cả những chuyện đã trải qua bản thân sẽ không nhớ hết nhưng cảm xúc lúc đó luôn được não ghi nhận lại và liên kết thành một dạng phản ứng tự nhiên - tiềm thức. Nếu mình trải qua nhiều kí ức tiêu cực thì đến khi có con, lúc cơ thể mệt mỏi kiệt quệ, con lại là đứa trẻ yếu đuối và “vô lý” so với lý lẽ của người lớn, mọi thứ sẽ đạt nút chạm đỉnh và tuôn trào ra hết. Đó là lý do những người có tuổi thơ không hạnh phúc thì khi có con sẽ dễ dàng nổi giận thậm chí dễ đánh con hơn, mặc dù họ biết đó là điều không nên và cố gắng thay đổi. Đương nhiên sẽ có thể do những tác động từ bên ngoài như gia đình, áp lực cuộc sống nữa nhưng trong bài viết này mình xin không bàn về phần đó.


Đọc sách hay các học các khóa học sẽ có tác dụng thay đổi nhận thức. Nhưng nhận thức thì không đủ sức để đấu tranh với tiềm thức, trừ khi nhận thức có thêm ý chí mạnh mẽ. Mà khi cơ thể mệt mỏi kiệt quệ thì điều đó khó mà xảy ra.


Vì thế cách hiệu quả nhất chính là chữa lành tiềm thức. Khi quá khứ có nhiều bất an, tiềm thức sẽ luôn tập trung vào những mặt tiêu cực. Cách để tiềm thức trở nên tích cực hơn chính là LÒNG BIẾT ƠN.


Khi trong lòng mình biết ơn vì con khỏe mạnh, mình sẽ không nổi nóng vì con chạy nhảy làm rơi đồ. Lòng biết ơn càng lớn, mọi lỗi lầm của con trở nên càng nhỏ, nhỏ đến mức mọi thứ mẹ đều có thể nghĩ về mặt tích cực của nó.


Lòng biết ơn giúp mình luôn cảm thấy may mắn. Con bày đồ khắp nhà mẹ thấy may mắn vì con năng động, thích khám phá. Người luôn cảm thấy may mắn sẽ thấy mình hạnh phúc và thư giãn hơn.

CHỮA LÀNH VÀ CÁCH NUÔI DƯỠNG LÒNG BIẾT ƠN ĐƠN GIẢN NHẤT.


Từ sau khi có con, chúng ta lần lượt nhận ra những "bất ổn" của nội tâm nên nghĩ là VÌ CÓ CON, nhưng thật ra “bất ổn” đó đã diễn ra từ lâu rồi mà mình không biết.


Một quá khứ không vui KHÔNG CHỈ khắc vào tiềm thức những phản ứng tự nhiên như bức xúc, chỉ trích, đấu tranh cho quan điểm cá nhân, nóng giận khi trái ý. Mà trong quá khứ, mong muốn cá nhân và cái tôi không được công nhận, bị đàn áp còn khiến chúng không thể giải tỏa, tích tụ lại và nằm yên cho đến mãi sau này - khi có thể, sẽ tuôn trào ra ở cường độ tiêu cực.


Cho đến khi có con những "bất ổn" đó có đủ điều kiện để trào ra ào ạt, ảnh hưởng lên con chứ không còn riêng bản thân mình (hoặc người ngoài) nữa, mới thôi thúc người mẹ phải nghiêm túc nhìn lại và đặt câu hỏi "TẠI SAO?".


Để chữa lành trước tiên hãy:


Thanh lọc mạng xã hội và mối quan hệ xung quanh


Mạng xã hội là môi trường tuyệt vời cho những nội tâm yếu đuối, ai cũng có quyền được xả hết những nhu cầu trong quá khứ chưa làm được. Nếu vẫn ngày ngày bức xúc, bất bình với nhiều thứ trên mạng xã hội (hay những thứ xung quanh), mình tin chắc chúng ta sẽ còn nóng giận với con ngày càng nhiều. Chúng ta đang vô thức nuôi dưỡng những điều tiêu cực trong tiềm thức. Hành trình của nó sẽ là như thế này :


Nhu cầu giải tỏa nằm sâu trong tiềm thức -> tức giận khi có người phản bác hoặc thỏa mãn khi được đồng tình (hoặc đơn giản thỏa mãn vì mình được thể hiện) -> mong cầu thể hiện bản thân tăng cao -> mình càng đúng thì mọi thứ trái ý càng sai -> con làm gì cũng sai -> nổi giận.


Đừng để ảo ảnh “mình là người tốt” (vì công lý) nuôi dưỡng tiềm thức tiêu cực ngày một lớn hơn. Lâu rồi mình không “hóng drama”, không còn bức xúc bao đồng nữa.


Nuôi dưỡng lòng biết ơn


Lòng biết ơn không thể hiện diện bên trong một con người đầy oán giận và than trách. Có một thực tế cần được chấp nhận là tất cả những chuyện xảy ra với mình đều do chính bản thân mình, không vì ai cả.


Bạn hãy hình dung tiềm thức như chiếc máy dò tìm kim loại. Thông tin được lập trình trong nó là mọi thứ liên quan đến kim loại. Tiềm thức con người cũng vậy: kinh nghiệm, trải nghiệm, kí ức tích góp nhiều năm chính là thông tin lập trình quyết định chúng ta dò tìm cái gì hoặc nhận định vấn đề như thế nào.


Tiềm thức sẽ dẫn dắt chúng ta nhìn thấy và chọn lựa những thứ nó muốn thấy (phù hợp với bản chất hiện tại của nó) một cách vô thức, làm chúng ta tưởng chừng như ngẫu nhiên.


Hãy lấy ví dụ khi con bạn chạy nhảy làm rơi vỡ cốc nước:


- Tiềm thức lành mạnh sẽ dò tìm theo kinh nghiệm và xử lý thông tin là con vô tình thôi, trẻ con vốn nhiều năng lượng và thích khám phá, và tình huống này giúp con có kinh nghiệm quan sát hơn.


- Tiềm thức bất ổn sẽ nhận định con quậy phá, chống đối không nghe lời mẹ dạy.


Sau đó con cái sẽ phản ứng lại với cha mẹ theo cách tích cực hay tiêu cực tương ứng với phản ứng của cha mẹ. Cuộc sống lại đi vào một vòng lặp, không hề do ngẫu nhiên. Con sẽ quậy phá, nghịch ngợm tương hợp với nhận định tiềm thức của chúng ta.


Vậy khi mình nóng giận, hãy nhớ đó LÀ DO MÌNH. Vì thế mình nên xin lỗi chính nội tâm của mình, chính mình đã nuôi dưỡng nội tâm trở nên tiêu cực như thế. Và xin lỗi cả những người đã bị ảnh hưởng bởi nó.


Bạn hãy bắt đầu thực hành phương pháp chữa lành Hoʻoponopono bằng 4 câu:


- Tôi xin lỗi

- Hãy tha thứ cho tôi

- Cảm ơn bạn

- Thương lắm


Dùng hết chân thành để đọc cho đến khi cảm thấy từng câu chạm được cảm xúc trái tim mình - để nuôi dưỡng lại tiềm thức, buông bỏ oán trách, than vãn. Xin lỗi chính nội tâm mình và những người xung quanh đã bị ảnh hưởng.


Kế tiếp, hãy bắt đầu tạo thói quen mỗi tối viết ra 10 điều bản thân biết ơn, về con hoặc bất kì điều gì. Con khỏe mạnh, người thân vẫn ở bên cũng đủ làm mình cảm thấy biết ơn tràn ngập trong lòng rồi. Buổi sáng sau khi thức dậy hãy thực hiện Hoʻoponopono và đọc lại những điều may mắn đó một lần nữa.


Nên làm gì khi nổi giận?


Đừng đè nén cảm xúc bởi nó sẽ tiếp tục lại nằm im trong tiềm thức, tích góp đến một lúc nào đó và sẽ bùng nổ với công suất dữ dội hơn.


Cách của mình là đi nhanh ra nơi khác không có con, nếu có thể la hét cứ la hét để giải toả (nhưng đảm bảo phòng kín người khác không nghe thấy vì sẽ ảnh hưởng đến họ). Bản thân mình thì không la hét vì sợ con nghe thấy sẽ hoảng. Mình vào phòng ngồi yên và cảm nhận cơn giận dữ đang làm nóng cơ thể mình lên như thế nào. Sau đó, nó sẽ dần mất đi, và mình bắt đầu nói chuyện với bản thân.


Lúc này, bạn cũng có thể đọc Hoʻoponopono. Cái gì thực hành quen rồi thì sẽ dễ, Hoʻoponopono cũng vậy thôi, nếu những lúc bình tĩnh mình chân thành thực hiện thì khi nóng giận sẽ dễ thực hành hơn. Nhưng nhất định phải CHÂN THÀNH, để nó ngấm vào tim chứ không chỉ phớt lờ trên miệng.


Đây là cách nuôi dưỡng lòng biết ơn đơn giản nhất, không yêu cầu bạn đàn áp cảm xúc, khổ luyện. Điều duy nhất cần có là KIÊN TRÌ và LÒNG TIN.


LÒNG TIN, chính là thứ khiến mình đến giờ mới dám chia sẻ về chữa lành tiềm thức. Tiềm thức thì mơ hồ, khi ngẫm ra nguyên lý của việc chữa lành này một cách thực tế nhất mình mới dám chia sẻ vì sợ bị chỉ trích.


Chỉ tin mới KIÊN TRÌ được, tiềm thức được nuôi dưỡng mấy chục năm bằng tiêu cực thì không thể nào chữa lành trong vài ngày. Cần thời gian để các mầm nhỏ tích cực được thêm vào đầy tràn và biến thành phản xạ tự nhiên ngầm của tiềm thức.


Cuối cùng, bạn hãy nhớ rằng: con cái là sự tiếp nối của cha mẹ, cha mẹ là người thêm chất liệu đầu tiên cho tiềm thức của con. Đừng để con lớn lên cũng chật vật chữa lành như cha mẹ chúng lúc này.


44 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page